Bé gái sống lại thần kỳ nhờ kỹ thuật Ecmo và kỳ vọng của những bác sĩ Nhi khoa
- Bệnh viện Nhi đồng 1: Cứu sống cháu bé bị ngã vỡ thận
- Báo động đỏ liên viện cứu sống 2 bệnh nhân nhồi máu não
- "Báo động đỏ" cứu sống sản phụ cùng thai nhi bị tiền sản giật nặng
- Trao giải Nhất cho “Quy trình Báo động đỏ” của Bệnh viện Nhi đồng 1
Viêm cơ tim tối cấp là căn bệnh bé mắc phải khi nhập viện và đã được cả BV Nhi đồng 1 bấm nút báo động đỏ cứu sống ngoạn mục.
Sốt nhẹ, ngất xỉu và chẩn đoán căn bệnh : “viêm cơ tim tối cấp”!
BS Bạch Văn Cam, cố vấn về cấp cứu - hồi sức của BV Nhi Đồng 1 và PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực của BV chia sẻ: “ Bé rất may mắn bởi chỉ chậm 5 phút nữa thôi là khó cứu, vừa đến cổng BV, em đã ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn. Cùng với ê kíp các bác sĩ trong hệ thống cấp cứu Ecmo ( ứng dụng hệ thống cấp cứu tuần hoàn ngoài cơ thể) của BV, cùng với việc bấm nút báo động đỏ toàn BV, huy động các bác sĩ nhiều Chuyên khoa liên quan, gần 3 tuần nỗ lực, cuối cùng các bác sĩ cũng đã giật được bé gái từ tay thần chết, trong tình trạng đã ngưng tim, ngưng thở, sống lại hoàn toàn”.
Bé V.N.T.O. đã được chạy máy Ecmo 6 ngày và đã thoát khỏi căn bệnh viêm cơ tim tối cấp. |
Khoa Hồi sức tích cực BV Nhi Đồng 1- TP Hồ Chí Minh- Nơi cứu sống nhiều ca bệnh nặng. |
Dự tính của các bác sĩ, thì chiều ngày 12-11, tức là bản thân em O. cũng đã phải trải qua 3 tuần chiến đấu bền bỉ với bệnh tật, em O. mới được các bác sĩ ra chỉ định cho xuất viện. Điều đáng nói, em O. “đổ bệnh” bất ngờ vào ngày 24-10-2019 trong nguyên nhân về bệnh khá mập mờ.
Anh Võ Mười (Sn 1972, cha em O.) và mẹ là chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1974) kể lại, chiều ngày 24-10, em O. có bị sốt nhẹ nên đã tự ý ra tiệm thuốc Tây gần nhà để mua thuốc uống. Sau đó em có mua một ổ bánh mì để ăn vì nghĩ rằng cho đỡ bị “say” thuốc.
Ngày hôm đó và cả đêm 24-10, em O. đi ngủ bình thường. Tuy nhiên, theo lời chị Lan, sáng 25-10, sau khi ngủ dậy vào buổi sáng, chợt em ôm ngực kêu khó chịu, choáng, chóng mặt và yếu ớt kêu mẹ.
Chị Lan kể: “Chân tay tôi rụng rời khi thấy con gái đột ngột khuỵu xuống, mắt thì thấy toàn tròng trắng, chân tay tím tái và cháu không thở được nữa. Tôi vội con tới bệnh viện”.
Cha mẹ bé O. ( anh Mười và chị Lan-ảnh-PV) xác nhận, cả nhà không có ai mắc bệnh tim mạch hay có triệu chứng mắc viêm cơ tim nguy hiểm như bé O. mắc phải. |
Bệnh Nhi V.N.T.O. đã được cứu sống ngoạn mục và được xuất viện vào chiều 12-11. |
“Con tôi thật sự đã được các bác sĩ sinh ra lần thứ 2. Tôi nói thực, sau gần cả tháng được bác sĩ gọi tôi vào với con, tôi còn sợ, không dám tin, chỉ sợ rằng mình vào sẽ nhận được “tin dữ”. Tôi chỉ dám nói chồng vào với con trước. Khi thực sự biết con mình đã sống lại, nhận ra tôi, rồi gọi tôi. Tôi mới thực sự tin rằng, con mình đã sống lại thực sự”. Chị Lan nói. Đồng thời cũng cho biết, cả nhà không có ai mắc bệnh tim mạch hay có triệu chứng mắc viêm cơ tim nguy hiểm như bé O. mắc phải.
Ê kíp “cấp cứu Ecmo lưu động” bao giờ có ở Việt Nam?
BS Bạch Văn Cam cho hay, khi được tới BV huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) trước đó, nhận định tình hình bệnh Nhi quá nặng, các BS ở đây đã chuyển O. đến BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Khi ấy, cô bé đã rơi vào tình trạng sốc tim, một bệnh cảnh cực kỳ nặng trong hồi sức tích cực. “Tim em chỉ đập 26 lần/phút, một tốc độ quá chậm, có thể nói là gần như ngưng tim. BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận lập tức hội chẩn với BV Nhi đồng 1 ở TP Hồ Chí Minh để nhờ phối hợp chuyển viện. Lúc đó là 16 giờ 45 ngày 25-10. Sau đó vài tiếng, đến 21 giờ, các bác sĩ của BV Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Chợ Rẫy lại nhanh chóng có mặt đã cùng hợp sức cứu bệnh nhi”.
Ngoài quy trình báo động đỏ lập tức được kích hoạt, cô bé được hồi sức tim phổi, đưa vào cho “chạy” máy ECMO, chỉ sau vài phút. Việc này có thể thực hiện được theo các bác sĩ là nhờ việc cách đây 2 năm qui trình hệ thống cấp cứu Ecmo đã được chuyển giao thành công từ BV Chợ Rẫy cho các bác sĩ BV Nhi Đồng 1. Từ đó tới nay, ca bệnh nhi O. này cũng là ca bệnh Nhi thứ 3 (được đánh giá là nguy kịch theo ghi nhận của Y văn) mà được cứu sống từ qui trình ê kíp cấp cứu Ecmo.
Hiện, các BS tại đây có thể nói một cách tự tin rằng, qui trình cấp cứu tim phổi tuần hoàn Ecmo của BV Nhi Đồng 1 đã thực sự đi vào hoạt động thường qui với việc thành lập thành công một Ê kíp gồm 6 các bác sĩ, và khoảng 4 điều dưỡng, họ đều là những thầy thuốc trẻ, nhiệt huyết, giỏi tay nghề chuyên môn và đã lĩnh hội toàn bộ các kỹ thuật, qui trình chăm sóc, theo dõi bệnh chặt chẽ từ việc chuyển giao kỹ thuật Ecmo của Chợ Rẫy.
Được biết, với riêng trường hợp của bệnh nhi O. lần này đã phải mất 6 ngày chạy máy Ecmo liên tục, trái tim cô bé mới có thể tự sinh tồn được, sau đó bé được cai máy Ecmo. Tuy nhiên, theo PGS Phạm Văn Quang, cho dù đã khỏe lại một cách ngoạn mục, cô bé vẫn cần được theo dõi 1-2 năm nữa.
BS Bạch Văn Cam cũng cho hay, viêm cơ tim cấp là một vấn đề cực kỳ nguy hiểm. Với hệ thống ECMO hiện đại mà một số BV ứng dụng gần đây, với các bé mới sốc tim chứ chưa ngưng tim, khả năng cứu sống còn tương đối cao. Nhưng với các bé đã ngưng tim, ngưng thở thì tỉ lệ cứu sống chỉ còn từ 30-40%.
Trường hợp cô bé O. trên đây được cứu sống là nhờ 3 yếu tố: BV tuyến trước đã nhận định được đúng căn bệnh là sốc do viêm cơ tim tối cấp- điều này rất quan trọng để báo cáo phối hợp cùng Nhi đồng 1, cùng cấp cứu đúng hướng, từ chuyển viện và ngay khi đang trên đường chuyển viện; thứ hai là chuyển kịp thời; cuối cùng là nhờ có hệ thống Ecmo đã được chuẩn bị dày công của Nhi đồng 1 từ cách đây 2 năm.
Cho tới hiện tại, trong số 6 BS tham gia vào ê kíp Ecmo này thì phân công trực mỗi tua là 1 BS (trong ê kíp Ecmo) để đảm bảo yếu tố kịp thời khởi động, cứu sống được các trường hợp bệnh nhi nặng cần tới Ecmo.
Thời gian tới, BV Nhi đồng 1 kỳ vọng sẽ thành lập được các đội cấp cứu ECMO lưu động để kịp thời hỗ trợ những bệnh nhân ở tỉnh xa, nặng quá không thể chuyển viện. BS Cam cũng cho biết, hiện tại một số nước trên thế giới, qui trình Ecmo đã được thiết kế theo tua cấp cứu lưu động, có máy xách tay theo thuận tiện, kịp thời cứu sống bệnh nhân. Đây thực sự là điều mà các BS Nhi khoa của Việt Nam đang hướng tới.