Bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp
- Bệnh tay chân miệng ở ĐBSCL tăng nhanh, tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi
- Quảng Ngãi đã có hơn 1.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng
Hiện tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến khá phức tạp, một số tỉnh, thành phố có số ca mắc bệnh cao, tăng nhanh trong các tuần gần đây như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp và Long An. Riêng tại TP Cần Thơ có số mắc bệnh tay chân miêng tăng cao. Cụ thể, vào tháng 8 (109 ca), tháng 9 (260 ca) và đến nửa đầu tháng 10-2018 hơn 100 ca.
Chiều 14-11, nguồn tin từ Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc của BV vừa tiếp nhận điều trị cho 2 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM) độ 4 - độ nặng nhất. Hai bệnh nhi được BV tuyến tỉnh chuyển đến vì tình trạng bệnh của bé diễn tiến ngày càng nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới.
Bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. |
Bệnh nhi Đ.T.C (bé trai, 2 tuổi, ngụ Cà Mau) nhập viện địa phương vì sốt, nổi hồng ban tay chân 3 ngày trước đó. Sau khi thăm khám, bệnh nhi được chuyển đến BV Sản Nhi Cà Mau. Tại đây, mặc dù được điều trị tích cực nhưng diễn tiến bệnh ngày càng nặng, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp với BV Nhi Đồng 1. Sau khi hội chẩn, bé được đặt nội khí quản và nhanh chóng chuyển đến BV Nhi Đồng 1.
PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi Đồng 1 cho biết, ngay khi bé được nhập viện đã được đưa vào Khoa hồi sức thở máy, truyền thuốc vận mạch. Sau 6 giờ, tình trạng mạch, huyết áp bé ổn định, sau đó lọc máu gần 2 ngày thì qua nguy kịch. Ngày 14-11, tình trạng của bé đã ổn định.Trường hợp còn lại - bé trai N.T.T (2 tuổi, ngụ Cần Thơ) nhập BV Nhi Đồng Cần Thơ vì bệnh sử sốt, nổi hồng ban tay chân.
Bệnh tình cũng diễn biến phức tạp nên được hội chẩn và chuyển đến BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng tổn thương huyết động học. Sau khi được thở máy, truyền thuốc vận mạch và lọc máu thì tình trạng của bé dần ổn định, hiện bé đã qua nguy kịch.
PGS.TS Phạm Văn Quang cho biết, đây là 2 trường hợp bệnh tay chân miệng rất nặng, diễn tiến độ 4, độ nặng nhất, cần phải lọc máu. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, bệnh có thể gây biến chứng nặng nề về thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, thậm chí có thể tử vong.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, ngành Y tế TP Cần Thơ quyết tâm triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kéo giảm tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng, tuyệt đối không để xảy ra ca tử vong do bệnh tay chân miêng và khống chế không để dịch lớn xảy ra.
Theo đó, ngành Y tế TP Cần Thơ tổ chức mở lớp tập huấn cho 100% tuyến y tế cơ sở quận, huyện, cô giữ trẻ và giáo viên chủ nhiệm lớp các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn. Quán triệt 100% các ca bệnh tay chân miệng độ 2b trở lên được lấy mẫu xét nghiệm.
100% ổ dịch và trên 95% ca bệnh tay chân miệng được điều tra, xử lý theo quy trình hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế. Nâng cao kiến thức người dân về phòng, chống dịch tại cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi.
Đồng thời, củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp từ tuyến thành phố đến quận, huyện và xã, phường, thị trấn chủ yếu dựa vào Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu, có kế hoạch hoạt động và định kỳ sơ kết công tác. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở tuyến cơ sở.
Bổ sung các đội cơ động chống dịch: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (2 đội), Trung tâm Y tế quận, huyện (2 đội/trung tâm) và Trạm y tế (1 đội/trạm y tế). Phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên và có trang bị đầy đủ phương tiện máy móc và hóa chất theo quy định.
Song song đó, Cần Thơ đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng qua mạng lưới y tế cơ sở, cộng tác viên truyền thông để mọi người, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi tự giác thực hiện phòng bệnh cho bản thân gia đình và cộng đồng. Tăng cường thông tin giáo dục truyền thông cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Cụ thể, thầy, cô giáo hoặc người hướng dẫn tại nhà trẻ phải theo dõi hàng ngày, đặc biệt khi trẻ đến lớp, phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp thời.
Bảo đảm tất cả trẻ em thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: như vệ sinh răng miệng, thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng cho trẻ và người giữ trẻ. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt xử lý hợp vệ sinh phân của trẻ tại trường học để tránh lây lan mầm bệnh.
Cách ly y tế tại nhà đối với trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi, nhà vệ sinh thường xuyên hàng ngày bằng nước xà phòng và lau chùi khử khuẩn hàng tuần. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc cần được ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng...