Bộ Y tế đang có nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng thuốc
Thuốc giả, thuốc kém chất lượng không chỉ chủ yếu ở các loại kháng sinh như trước, mà còn có cả các loại thuốc bổ, thuốc điều trị tim mạch, giảm đau, đặc biệt là các loại thuốc giảm cân, viagra vv…
Trong năm trước, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có khoảng 20 đợt công bố danh sách các công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng với hàng trăm sản phẩm, trong đó, đa số là các doanh nghiệp của Ấn Độ, Hàn Quốc.
Con số này tăng cao hơn nhiều so với các năm trước. Có nhiều doanh nghiệp dược cả trong và ngoài nước bị Cục Quản lý Dược xử phạt vì vi phạm chất lượng thuốc, gồm: Công ty cổ phần Dược phẩm Minh Dân, Công ty cổ phần Dược phẩm Sao Kim, Công ty TNHH United International Pharma, Công ty Young - il Pharm Co., Ltd, Công ty Medico Remedies Pvt. Ltd, Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Phong Phú, nhà máy sản xuất dược phẩm Usarichpharm vv…
Cục Quản lý Dược đã thu hồi hàng chục lô thuốc, có năm phải thu hồi tới 72 lô thuốc của các doanh nghiệp.
Chất lượng thuốc đặc biệt quan trọng trong việc điều trị |
Nhiều loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng được phát hiện đang lưu hành trên thị trường và đã bị thu hồi, đình chỉ lưu hành, như thuốc tân dược giả Dianfagic, viên nang thuốc Celenobe-200 (Celecoxib 200mg), viên nén phân tán Efixime 100DT, viên nang nhiệt miệng TANA, viên nang cứng Cadicefpo 200 vv…
Theo Cục Quản lý Dược, vi phạm phổ biến nhất về chất lượng thuốc của các doanh nghiệp là không đạt chỉ tiêu về độ hòa tan, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng… Nhiều doanh nghiệp dược trong nước bị phát hiện và xử lý vì sử dụng nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc dùng nguyên liệu rởm có giá rẻ.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã bắt được nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thuốc giả. Tháng 8-2016, Công an TP Hồ Chí Minh đã phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tây giả, thu giữ hàng chục loại thuốc tây giả.
Trước đó, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cũng đã xét xử Nguyễn Anh Văn (34 tuổi, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh) là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư LV France cùng Bùi Văn Hiệp (31 tuổi, xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là Giám đốc Công ty cổ phần và thiết bị y tế HT Hoa Kỳ cấu kết với nhau để sản xuất loại thuốc giả chữa bệnh tai biến mạch máu não và thuốc bổ sung kẽm cho trẻ em vv...
Hậu quả của thuốc giả, thuốc kém chất lượng là khôn lường, khi tác động rất xấu tới chất lượng điều trị bệnh, thậm chí, có thể gây tử vong cho người sử dụng. Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI&ADR quốc gia) cho biết, chỉ trong 6 tháng của năm 2016, Trung tâm đã tiếp nhận 4.621 báo cáo phản ứng có hại của thuốc. Trong đó, TP Hồ Chí Minh chiếm 20,8% và Hà Nội chiếm 14,4% - là 2 địa bàn có tỉ lệ cao nhất.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đang có nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng thuốc. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, biện pháp ngăn chặn thuốc kém chất lượng trước tiên là Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc nhà nước tiến hành kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.
Đã có 103 cơ sở sản xuất nước ngoài phải kiểm tra theo tinh thần trên, nhờ đó, đã phát hiện, ngăn chặn đưa ra thị trường 83 lô thuốc không đạt chất lượng. Vì thế, năm 2014 phát hiện 70 lô, 2015 phát hiện 6 lô và năm 2016 chỉ phát hiện 2 lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường.
Bộ Y tế cho biết cũng sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Ban 389 Trung ương, ...thành lập Ban 389 Bộ Y tế nhằm tăng cường các hoạt động hậu kiểm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ,ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Dược 2016, trong đó quy định chi tiết các nội dung cụ thể về điều kiện của các cơ sở sản xuất thuốc, việc kiểm tra đối với cơ sở sản xuất nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan quản lý và của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, Bộ này đang tiếp tục triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc, đặc biệt là triển khai dự án nâng cấp 2 Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm góp phần nâng cao chất lượng thuốc chữa bệnh trên thị trường Việt Nam.