Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm việc nâng giá mua sắm trang thiết bị chống dịch
- Thanh tra toàn diện kinh phí sử dụng phòng, chống dịch COVID-19 tại Quảng Nam
- Thêm 2 ca khỏi COVID-19 dương tính trở lại
- Lan tỏa tinh thần Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
- Một người Việt rao bán "thuốc chữa COVID-19" bị bắt
Trao đổi với Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến thời điểm này, Bộ đã nhận báo cáo từ 15 tỉnh và cơ sở y tế trực thuộc Bộ về tình hình mua các thiết bị y tế trong mùa dịch COVID-19.
Theo ông Sơn, có 2 địa phương mua cả hệ thống thiết bị xét nghiệm RT-PCR như CDC Hà Nội, còn các đơn vị khác chủ yếu mua hệ thống loại nhỏ, chỉ mua lẻ vài ba cấu hình, mô đun khác nhau, hoặc bộ tách chiết…
Khi được hỏi về giá thành mua máy xét nghiệm của một số địa phương đắt hơn thực tế, ông Sơn cho biết, giá mua các thiết bị của CDC Hà Nội chắc chắn là cao vì Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và công bố rồi. Việc mua sắm trang thiết bị đối với cơ sở y tế không thuộc Bộ quản lý, ví như CDC các tỉnh, thành mua, đơn vị có thẩm quyền cấp trên sẽ phê duyệt kế hoạch và tổ chức mua sắm. Còn đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, thì Bộ là đơn vị phê duyệt kế hoạch, nhưng trong thời gian vừa qua, các đơn vị trực thuộc Bộ không mua toàn hệ thống như CDC các tỉnh, thành phố.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh: Bộ Y tế luôn khuyến cáo các đơn vị mua sắm tiết kiệm, phù hợp trong thời gian dịch bệnh, đồng thời tất cả đều phải tham khảo theo giá thị trường, giá các đơn vị trúng thầu, giá nhập khẩu Hải quan. Bộ Y tế đã có công văn, yêu cầu trong thời gian có dịch bệnh giá sẽ tăng lên rất nhiều, khi các đơn vị mua sắm phải hết sức thận trọng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Đặc biệt lưu ý các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cách đây ít ngày, sau khi Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 người để điều tra hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại CDC Hà Nội, Bộ Y tế đã có liên tiếp 2 công văn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, ngành và một số bệnh viện tư nhân đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau khi nhận báo cáo của các địa phương, đơn vị, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng và khẳng định Bộ Y tế luôn theo dõi việc mua sắm, đặc biệt với các đơn vị trực thuộc Bộ, cũng như một số địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Trưởng Sơn cho biết, những vấn đề liên quan việc mua sắm một cách bất minh, quan điểm của Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm khắc, không để ảnh hưởng xấu tới công cuộc chống dịch của ngành Y tế và của người dân Việt Nam nói chung.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến sáng nay 30/4, Việt Nam ghi nhận 270 trường hợp mắc COVID-19 và là ngày thứ 14 không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) đã giảm, còn 34.836 trường hợp, trong đó 316 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 6.700 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 27.820 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú
Đến sáng nay ghi nhận 10 bệnh nhân đang điều trị COVID-19 có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 4 bệnh nhân âm tính từ 2 lần trở lên với SARS-CoV-2