Bộ Y tế liệu có đang tư nhân hóa hệ thống bệnh viện công?

09:15 17/08/2019
Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập của Bộ Y tế với giá giường dịch vụ tối đa 4 triệu đồng/ngày đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.


Các cơ sở y tế công lập được nhà nước đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo con người để phục vụ khám chữa bệnh cho đối tượng là người dân, người nghèo, người có BHYT. Nếu sử dụng bệnh viện công làm dịch vụ sẽ dễ đẩy y tế công sang y tế tư nhân.

Công - tư không thể đánh đồng

Với người dân, bị ốm đi viện, đặc biệt là bệnh nặng, chi phí khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe y tế là gánh nặng, thậm chí đối với nhiều gia đình là sự khánh kiệt. Nhiều khoa, phòng ở bệnh viện (BV) tuyến Trung ương hiện vẫn còn quá tải, phải nằm ghép giường, nằm ngoài hành lang như các chuyên khoa tim mạch, ung thư, xương… nhưng bệnh viện vẫn dành ra cơ số giường để làm giường dịch vụ.

Trong khi nhiều BV tuyến Trung ương còn quá tải, Bộ Y tế lại ban hành Thông tư xây dựng giá giường dịch vụ 4 triệu đồng/ngày.

Với giá giường tối đa lên tới 4 triệu đồng/ngày đêm đối với các BV hạng I mà Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập Bộ Y tế vừa đưa ra, lại càng khiến dư luận thêm lo ngại tình trạng nằm ghép sẽ tăng lên bởi trước mức giá hấp dẫn, trong khi diện tích chỉ có vậy, BV sẽ phải tận dụng cơ sở vật chất vốn đã chật hẹp để làm phòng dịch vụ. Nếu trong một bệnh viện công lại kiêm thêm khám chữa bệnh (KCB) dịch vụ theo yêu cầu, càng khiến cho công – tư khó rạch ròi, có sự thiên lệch trong KCB, “chảy máu” bác sĩ (BS) giỏi sang làm dịch vụ…

PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu tư vấn và phát triển cho biết, BV công ưu thế là có nhà, đất, bác sĩ giỏi, thương hiệu đầu tư nhiều năm, nhưng không phải sử dụng nguồn của quốc gia, của người dân đóng góp đầu tư cho BV mà thu lại bằng mọi giá. Nếu triển khai KCB dịch vụ trong mỗi cơ sở y tế công sẽ gây ra sự nhập nhằng công – tư. Như vậy, hệ thống y tế công làm giàu bằng nguồn đầu tư của nhà nước và cũng không sòng phẳng với y tế tư nhân.

“Ở đây có sự mập mờ giữa công và tư. Theo tôi, cứ rõ ràng công ra công, tư ra tư” – ông San nói. Hiện BV nào cũng sử dụng tài sản công làm phòng dịch vụ, vậy tiền thu từ dịch vụ đó chi tiêu thế nào? Theo ông San, đây là chỗ chưa làm rõ được.

“Bác sĩ là tài sản công lớn nhất, thương hiệu bệnh viện là tài sản công thứ 2. Ví dụ BV Bạch Mai là một thương hiệu lớn, BS BV Bạch Mai thương hiệu khác với BS BV tuyến tỉnh. Nếu đưa KCB dịch vụ vào BV công, sử dụng bác sĩ để KCB, lấy thương hiệu của BV thì đây là sử dụng tài sản công làm dịch vụ rồi còn gì”- ông San nêu.

Theo nhiều ý kiến, Bộ Y tế đưa ra mức giường bệnh dịch vụ tối đa 4 triệu đồng là quá cao. Ông San đánh giá: “Quá cao so với cái gì? Nếu nằm trong BV công mà khổ sở, không khỏi bệnh thì 4 triệu là không cao. Nhưng cao ở đây là bác sĩ đó, mảnh đất đó, thương hiệu đó là của ai? Đó là tài sản công. Nếu cơ chế giám sát không độc lập như hiện nay, mà đưa dịch vụ vào BV công sẽ dẫn đến lạm dụng và tham nhũng”.

Theo ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, định giá giường bệnh dịch vụ tối đa 4 triệu đồng/ngày như giải thích của Bộ Y tế là để đảm bảo y tế công phát triển, tránh chảy máu bệnh nhân ra nước ngoài, nhưng không biết rằng, khi định giá phần dịch vụ yêu cầu này, Bộ Y tế đã xác lập mặt bằng giá cho y tế tư nhân, từ đó y tế tư nhân đẩy giá lên. “Bộ Y tế không xây dựng gói chăm sóc sức khỏe cơ bản, lại quay ra xác lập giá, phải chăng Bộ Y tế đang đóng vai trò xác định giá cho y tế tư nhân” - ông Tuấn đặt câu hỏi.

Bộ Y tế đang làm khó mình?      

Theo ông Trần Tuấn, với việc ban hành thông tư trên, Bộ Y tế đang tự làm khó mình, đánh mất dần chức năng chủ đạo của y tế công khi đẩy y tế công trượt sang làm dịch vụ. Ông Tuấn cho biết, có thể dễ nhận thấy, những người làm chính sách dường như không trả lời câu hỏi: Y tế công và y tế tư có sứ mệnh gì? Thế nào là thị trường y tế chăm sóc sức khỏe lành mạnh, đúng nghĩa?

Ông Tuấn cho biết, bất luận thể chế nào đều phải có bộ phận y tế công. Y tế công sử dụng ngân sách của dân, đảm bảo yêu cầu quyền lợi cơ bản của người dân, duy trì tính công bằng trong chăm sóc đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế. Một thị trường chăm sóc sức khỏe đúng nghĩa sẽ tồn tại 3 chủ thể: công – tư và phi lợi nhuận.

Nhìn vào tiến trình để trao quyền tự chủ cho BV công và nay là quyền tự chủ hoàn toàn cho 4 BV công, dường như Bộ Y tế lại đẩy chủ thể y tế công trượt dần sang y tế tư nhân hóa, trong khi hành lang pháp lý tồn tại của y tế nhân đạo phi lợi nhuận lại hoàn toàn vắng bóng. Đây sẽ là những nguy cơ tiềm ẩn cho việc gia tăng gánh nặng y tế, cho cả người bệnh và toàn xã hội. 

Ông Tuấn lo ngại: Tại sao mở dịch vụ y tế theo yêu cầu trong y tế công, trong khi tình trạng không minh bạch, không phân biệt chức năng công – tư còn đang diễn ra? Việc đẩy quyền tự chủ cho y tế công rõ ràng là tư nhân hóa. Như vậy, Bộ Y tế đang triển khai các chính sách làm mất đi chủ thể quan trọng, đó là vai trò của y tế công. Mất y tế công là trao thị trường cho y tế tư nhân.

Mà chi phí KCB của y tế tư nhân rất lớn, trong khi họ chỉ đầu tư vào lĩnh vực thu tiền nhanh, làm sao kéo được nhiều bệnh nhân để thu lợi nhuận, một số ít người được lợi, đặc biệt là các ngành công nghệ trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm của nước ngoài…, còn chăm sóc dự phòng bị bỏ quên.

Ông Tuấn cho biết, nền y tế hiệu quả phải lấy dự phòng làm chính để giảm gánh nặng bệnh tật. Để tồn tại hình ảnh công – tư lẫn lộn là cách triệt phá những gì tốt nhất của y tế công. Trong khi chăm sóc y tế là loại hình đặc biệt, nếu vì mục tiêu kiếm tiền sẽ xa rời mục tiêu nhân đạo.

Đồng quan điểm này, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, phát triển KCB dịch vụ, Bộ Y tế nên để cho y tế tư nhân, bệnh viện có yếu tố liên doanh với nước ngoài thực hiện. BV công phải dành cho điều trị dự phòng, phục vụ người nghèo, người có BHYT, người được hưởng các chế độ chăm sóc y tế… Nếu BV công sa đà vào thu lợi nhuận sẽ quên mất vai trò chính của y tế là dự phòng, dẫn tới bệnh dịch xuất hiện nhiều, bệnh tật sẽ là gánh nặng đối với nền kinh tế đất nước và mỗi gia đình. 

Nhật Minh

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文