Cần chính sách hợp lý cho nhu cầu hiến, ghép tạng
- Hơn 2.500 người bệnh đăng ký chờ ghép tạng
- Cả nước đã thực hiện hơn 4.600 ca ghép tạng
- 16 ca ghép tạng trong một tuần, Bệnh viện Việt Đức mổ xuyên đêm
Nhu cầu ghép tạng ở nước ta rất lớn, nhưng nguồn tạng hiến còn quá ít ỏi, đặc biệt là tạng hiến từ người chết não. Làm thế nào để tăng nguồn tạng hiến từ người chết não, cho hàng nghìn người bệnh có thêm cơ hội sống là điều mà các nhà chính sách phải tính tới.
Nhiều người không chờ được tạng ghép
Bị suy tim giai đoạn cuối, anh Phạm Chí C. (Hà Nội) suy sụp khi bác sĩ thông báo, bệnh của anh chỉ có ghép tim mới có cơ hội sống. Một ca ghép tim ở Bệnh viện Việt Đức hết khoảng 1 tỷ đồng, trong khi đó nguồn tim hiến lại vô cùng ít ỏi. Sau nhiều ngày cân nhắc, để cứu anh, gia đình đã quyết định vay mượn để có tiền ghép tim cho anh C. Nhưng vài tháng chờ đợi, anh gần như hết hy vọng vì chưa có tim hiến thích hợp.
“Tôi nghe nói rất khó khăn vì không có người hiến, nhưng còn sống ngày nào tôi còn hy vọng ngày đó”, anh C. cho biết.
Một ca ghép tim tại Bệnh viện Việt - Đức. |
Cách đây 5 năm, chị Hoàng Thu Hòa (28 tuổi, Quảng Ninh) bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận. Khát khao có cơ thể khỏe mạnh, chị đã đăng ký được ghép tạng. Nhưng thời gian chờ đợi thận phù hợp ròng rã 3 năm vẫn không có tạng hiến, chị sợ mình không còn thời gian chờ đợi được nữa. Cuối cùng, gia đình đã phải đưa chị ra nước ngoài ghép thận.
Những người may mắn và có điều kiện như chị Hòa không nhiều, mà có rất nhiều bệnh nhân đã tử vong vì không chờ đợi được tạng hiến. GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm Hiến ghép tạng) cho biết, hiện danh sách chờ được ghép tạng trên 5 nghìn người, nhưng đây là con số đăng ký tại trung tâm, còn thực tế số bệnh nhân được chỉ định ghép vẫn chưa thống kê hết.
Theo GS Sơn, hiện nay, ngoài ghép gan, ghép thận, ghép tủy đã trở thành thường quy, Việt Nam đã thành công trong ghép tim, phổi, tụy – thận, ghép chi và mới đây là ghép ruột non. Chỉ tính riêng trong năm 2020, tại 19 bệnh viện trên cả nước đã ghép thành công cho 786 ca, trong đó có 690 ca ghép thận từ nguồn hiến sống và 23 ca từ nguồn chết não; 49 ca ghép gan từ nguồn hiến sống và 12 ca từ nguồn chết não…
Mặc dù các y, bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại với hơn 20 đơn vị y tế có thể thực hiện được ghép tạng, song trong 4 khâu quan trọng là “Cho tạng - Nhận tạng - Kỹ thuật ghép - Chăm sóc sau ghép tạng”, thì cho tạng (nguồn tạng hiến) vô cùng ít ỏi, đặc biệt từ nguồn cho chết não, trong khi số bệnh nhân chết não do TNGT, đột quỵ, tai nạn sinh hoạt tại các bệnh viện rất nhiều (lên tới trên 10.000 người mỗi năm).
Đặc biệt, với quan niệm “chết phải toàn thây”, người đăng ký hiến tạng đã rất ít, nhưng có người khi còn sống đăng ký hiến tạng, đến khi chết người nhà lại không đồng ý. Hơn nữa, việc vận động thân nhân người chết não hiến tạng lại cực kỳ khó khăn.
Chính sách cần phải được bổ sung, sửa đổi
Do du cầu ghép tạng quá lớn (không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới) trong khi nguồn tạng hiến thiếu trầm trọng, đã dẫn đến hiện tượng buôn bán tạng. Buôn bán nội tạng là một tội phạm phổ biến trên thế giới, ước tính khoảng 10.000 ca mỗi năm, khoảng 10% tổng số ca cấy ghép.
Đã có đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia tại nước ta triệt phá. Hoạt động từ tháng 5/2017 đường dây này đã tổ chức mua bán thận cho khoảng 100 nạn nhân, đến khi bị phát hiện triệt phá vào đầu năm 2019, chúng đã bán thận của nhiều nạn nhân, thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng.
Làm thế nào để tăng nguồn tạng hiến tạng, ThS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hiến ghép tạng cho biết, để tăng nguồn tạng hiến cần sửa đổi, bổ sung về chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động hiến, lấy, ghép tạng.
Theo đó, với đăng ký hiến mô, tạng, cần thay đổi quy định về độ tuổi chấn đoán chết não không giới hạn độ tuổi để có thể tiếp nhận được mô tạng hiến từ trẻ em chết não để cứu sống cho trẻ em; bổ sung hình thức đăng ký song hành cùng cấp bằng lái xe, căn cước hay BHYT.
Bên cạnh đó, nên mở rộng đăng ký nếu bệnh nhân chết não tuy không đăng ký hiến tạng trước đó nhưng được gia đình xác thực là người chết não có tâm nguyện hiến tạng và được gia đình chịu trách nhiệm…
Theo ông Phúc, về chế độ cho người hiến cũng cần bổ sung các quyền lợi như với người hiến sống được thanh toán toàn bộ chi phí khám sàng lọc, tư vấn, xét nghiệm, đánh giá đủ điều kiện hiến tạng; được thanh toàn toàn bộ chi phí lấy tạng, chăm sóc hồi phục sức khỏe sau khi hiến và định kỳ khám sức khỏe ngay tại cơ sở y tế đã hiến tặng hoặc nơi gần nhất; được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời…
Với người hiến chết não được miễn phí toàn bộ chi phi khám chữa bệnh, cấp cứu; được hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển thi thể về địa phương mai táng; bố mẹ hoặc con cái được tặng thẻ BHYT miễn phí suốt đời với hạng mục cao nhất 100% trong thời gian từ 3-5 năm cũng như các chế độ, chính sách ưu tiên khác…; người thân của người hiến tạng chết não được ưu tiên nhận tạng ghép nếu suy tạng…
Theo GS Trịnh Hồng Sơn, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu bệnh nhân trực thuộc BHYT và bệnh viện đa khoa các tỉnh thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não và đưa vào hoạt động thường quy đánh giá đối với tất cả người bệnh nặng xin về và xuất viện.
Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc vận động hiến tạng từ người chết não. Bởi với chẩn đoán chết não, đồng nghĩa với người bệnh không còn cơ hội sống, chính vì vậy việc đăng ký hiến tạng từ người chết não sẽ cứu sống nhiều bệnh nhân khác.
Trong thời gian tới, Hội đồng chẩn đoán chết não di động cần hoạt động tích cực hơn (trong phạm vi toàn quốc) nhằm phục vụ cho công tác chẩn đoán chết não tại các cơ sở y tế chưa có đủ điều kiện thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não của cơ sở, tránh bỏ sót trường hợp hiến tạng chết não tiềm năng.