Giảm quá tải bệnh viện: Gặp khó vì thiếu đủ thứ

08:24 05/04/2016
Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện (BV), mở rộng mạng lưới BV vệ tinh, tới đây, sẽ có nhiều BVĐK tuyến tỉnh được tham gia Đề án BV vệ tinh, giảm quá tải BV.


Việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được tiến hành như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, là điều mà người dân đang mong mỏi. Vì thế, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB)- cơ quan đầu mối trong xây dựng và thực hiện Đề án giảm quá tải BV giai đoạn 2013-2020.

PV: Thưa ông, Đề án giảm quá tải BV do Chính phủ phê duyệt đã thực hiện được 2 năm. Ông có thể cho biết những kết quả bước đầu trong nhiệm vụ giảm quá tải BV?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Giải quyết tình trạng quá tải BV là một trong các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành Y tế, trong bối cảnh người dân còn phàn nàn nhiều khi đến BV. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải BV giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Đề án và bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: Nhiều BV được cải tạo, xây mới; tăng số giường bệnh ở BV tuyến Trung ương và tuyến cuối; thành lập mạng lưới BV vệ tinh với 15 BV hạt nhân và 53 BV vệ tinh ở 38 tỉnh/thành phố. Nhờ đó, tình trạng nằm ghép tại các BV được cải thiện rõ rệt.

Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được các kỹ thuật cao vốn trước chỉ bệnh viện tuyến Trung ương mới làm được.

PV: Với những kết quả như vậy, tại sao một lần nữa Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục chỉ đạo việc tập trung giảm quá tải BV, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Mặc dù có những kết quả khả quan, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án, vẫn còn những hạn chế, khó khăn: Một số địa phương đã tham gia Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2015, nhưng chưa cấp hoặc cấp chưa đủ kinh phí đối ứng, chưa đầu tư trang thiết bị, chưa bố trí đủ nhân lực cho BV vệ tinh để bảo đảm điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ BV tuyến trên; hiện nay còn 25/63 tỉnh, thành phố chưa có BV vệ tinh. Tình trạng quá tải vẫn còn ở một số BV tuyến Trung ương và đặc biệt là BV tuyến cuối ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng KCB ở tuyến dưới, giảm quá tải BV tuyến trên, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường thực hiện, nhân rộng mô hình BV vệ tinh, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm quá tải BV, nhất là cần có sự “vào cuộc” của chính quyền tỉnh, thành phố. 

Do đó, cần phải có sự chỉ đạo của Thủ tướng đối với UBND các tỉnh, thành, các bộ, ngành,  các tổ chức liên quan mới có thể tăng cường các biện pháp thực hiện BV vệ tinh và các giải pháp giảm quá tải BV. Đó là lý do để Bộ Y tế tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường giảm tải BV.

PV: Theo chỉ đạo của Chính phủ, những giải pháp nào sẽ được tập trung để giảm quá tải BV, mở rộng mạng lưới BV vệ tinh, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Trong thời gian qua, nhiều giải pháp đã được Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành thực hiện như cải tạo, đầu tư xây mới nhiều BV; thành lập mạng lưới BV vệ tinh; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; luân phiên bác sĩ về cơ sở; ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng BV; cải tiến quy trình KCB; thí điểm mô hình bác sĩ gia đình v.v... 

Những giải pháp đồng bộ đó đã mang lại kết quả đáng kể khi tình trạng nằm ghép tại các BV đã được cải thiện; thời gian chờ khám bệnh giảm; người dân được KCB với kỹ thuật cao tại nhiều BV vệ tinh, BV tuyến tỉnh; tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê.

Vì thế, để các giải pháp giảm quá tải BV được bền vững hơn ở các tuyến,  Bộ Y tế, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phải tập trung chỉ đạo mở rộng mạng lưới BV vệ tinh, ưu tiên đầu tư cho các BV vệ tinh, để đảm bảo đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo các BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới và coi là nhiệm vụ quan trọng để đánh giá kết quả hằng năm của các BV; công bố danh sách các BV đủ tiêu chuẩn làm BV hạt nhân, để các BV vệ tinh lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn; ban hành quy định để các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở các BV hạt nhân có trách nhiệm tham gia KCB ở các BV vệ tinh. Không phân biệt BV Nhà nước hay BV tư nhân trong lựa chọn BV hạt nhân và vệ tinh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo tập trung vào nhóm giải pháp giảm quá tải BV, đặc biệt là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới BV ngoài công lập, hợp tác với các BV Nhà nước để phát triển y tế. Đồng thời phải thực hiện chế độ BV tuyến trên định kỳ cử chuyên gia, bác sĩ đến KCB tại BV tuyến dưới, nhất là ở các vùng khó khăn. Có chế độ luân phiên với người hành nghề tại cơ sở KCB. 

Các BV tuyến trên chú trọng hỗ trợ y tế từ xa cho tuyến dưới, có các BV vệ tinh trong hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, đào tạo  v.v… Kết quả thí điểm của mô hình bác sĩ gia đình cần được nhân rộng để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt và kịp thời.

PV: Cảm ơn ông đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文