Cấp bách chặn dịch sốt xuất huyết đang gia tăng
- Dịch sốt xuất huyết gia tăng tại nội thành Hà Nội
- Cả nước đã có hơn 34 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết
Nhiều trẻ sốc do sốt xuất huyết nặng
Theo ghi nhận các BV quận/huyện báo cáo về Trung tâm YTDP TP Hồ Chí Minh, từ tháng 6 tới nay, số bệnh nhân phải nhập viện vì SXH tăng vọt, có nơi tăng gấp đôi bình thường, nhiều ca nặng phải điều trị ở khoa hồi sức, thở máy. Tại Khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, những tháng bình thường, trung bình chỉ có khoảng 40 ca SXH nhập viện. Riêng tháng 6-2017 tới nay, số bệnh nhân nhập viện vì SXH tăng lên 60, có ngày tới 80 ca nằm nội trú vì SXH.
Theo Trung tâm YTDP TP Hồ Chí Minh, số ca SXH ở thành phố bất ngờ tăng đột biến, trong đó, nhiều trẻ bị sốc do SXH. Đặc biệt trong tuần qua đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH, nâng tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay ở thành phố lên 3 trường hợp.
Trao đổi với PV Báo CAND ngày 3-7, TS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH - BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho hay, riêng tại BV này ghi nhận từ đầu năm 2017 tới nay đã có 2 ca trẻ tử vong do SXH. Nguyên nhân do người nhà khi đưa con từ tỉnh lên BV Nhi đồng 1 trong tình trạng đã quá nặng, không thể cứu.
Tại BV Nhi đồng 1, số trẻ mắc SXH nặng đang nằm điều trị tuần qua có 9 trường hợp. Các BS tại đây tỏ ra lo ngại tình hình diễn tiến dịch SXH tại địa bàn thành phố sẽ còn phức tạp trong thời gian sắp tới. Vì đây mới chỉ là thời điểm bắt đầu mùa mưa, chưa phải là thời điểm đỉnh dịch. Để chủ động, theo chỉ đạo của Giám đốc BV Nhi đồng 1, các khoa-phòng đã chuẩn bị các loại thuốc, dịch truyền, máu, máy thở, máy lọc máu cũng như nhân sự sẵn sàng phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhi SXH.
Đặc biệt là tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng viên tại các BV tuyến cơ sở về công tác chẩn đoán và điều trị. Để phòng khi cần thiết, BV cũng sẽ cử các đội cơ động xuống phối hợp đến các BV quận, huyện xử trí các ca bệnh nhất là ca bệnh nặng khi có yêu cầu.
Những trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết nặng được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. |
Diễn tiến phức tạp do đâu ?
“SXH sẽ tiếp tục gia tăng nhanh, có nguy cơ lây lan trên diện rộng”, đó là nhận định của các chuyên gia dự phòng tại cuộc họp về tình hình dịch SXH tại phía Nam. Theo ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, nếu như năm 2015, SXH tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó tăng cao nhất ở Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh; thì cuối năm 2016 dịch SXH lại bùng phát ở các tỉnh Tây Nguyên, nơi không phải có tốc độ đô thị hóa cao và tập trung nhiều dân nhập cư.
Nguyên nhân do diễn tiến thời tiết thất thường của năm 2016 với việc nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino; qua năm 2017, SXH trở lại rầm rộ từ đầu năm tới nay cũng không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia dịch tễ.
Ngoài ra, dịch SXH gia tăng một phần rất lớn từ ý thức của người dân góp phần làm bùng phát dịch SXH. Công tác phát hiện ổ dịch và xử lí ổ dịch nhiều nơi cũng chưa rốt ráo.
Tại cuộc họp của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thừa nhận, SXH là bệnh nguy hiểm nhưng chưa có vaccin, trong khi hoạt động giám sát điểm nguy cơ gây dịch SXH đến nay vẫn chưa được phân cấp quản lý cho cấp khu phố/ấp. Phía chính quyền địa phương luôn viện cớ rằng, nhân sự do phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể đảm đương thêm công tác phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, việc giám sát, can thiệp điểm nguy cơ cũng chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND cấp quận/huyện đối với ban, ngành, đoàn thể; chưa xử lý nghiêm quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đối với các cá nhân, tổ chức, đơn vị làm phát sinh muỗi, lăng quăng.
“Công tác phòng chống SXH đang thiếu sự giám sát của YTDP tuyến cơ sở, nhiều nơi không triển khai các phương án phòng và dập dịch cùng một thời điểm nên hiệu quả phòng chống SXH tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đạt yêu cầu”, ông Bỉnh cho biết thêm.
Dấu hiệu trẻ mắc sốt xuất huyết nặng Theo TS Minh Tuấn, các trường hợp trẻ bị sốc sốt xuất huyết (SXH) đang điều trị tại BV đa phần do trẻ bị thất thoát huyết tương nặng, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến bị sốc. Phần lớn do đến trễ hoặc đang mắc thêm các bệnh nền như: tim, gan, thận, phổi… dễ gây nên tình trạng biến chứng nguy hiểm. Các phụ huynh hết sức lưu ý khi chăm sóc trẻ trong mùa mưa này: Nếu trẻ đột ngột có cơn khởi sốt cao, sốt 2-3 ngày kéo dài tới 7 ngày cho uống thuốc, tìm cách hạ nhiệt mà không đỡ, ngay lập tức phải nghi vấn SXH và đưa đi viện ngay. Trước hết cần đưa trẻ đi khám bệnh ở BV gần nhất, tầm soát có phải SXH hay không. Khi đã phát hiện chính xác là SXH thì tuỳ theo chỉ định của bác sĩ mà chăm sóc trẻ bị bệnh tại nhà hoặc tại BV. Chú ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước, uống nước trái cây, bù dịch cho trẻ bằng việc cho uống Oresol, ăn các loại thức ăn mềm như: cháo, súp, canh rau. Lưu ý, không cho trẻ uống các loại nước uống có màu đen, màu nâu như: xá xị, socola... để còn phòng ngừa, phát hiện trẻ bị SXH tiêu hoá. Khi chăm sóc trẻ đã biết rõ mắc SXH mà có biểu hiện: hạ thân nhiệt, lừ đừ, bứt rứt, quấy khóc, chân tay lạnh, ói nhiều, không ngủ được thì phải đi viện ngay. Vì rất có thể đó là những biểu hiện của tình trạng biến chứng nặng do SXH. |