Chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ sở tư nhân cao hơn nhiều của công lập
Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXHVN), trong khi chi phí bình quân điều trị nội trú của cả nước là 2,748 triệu đồng/lượt và ngoại trú là 202.000đ/lượt thì ở các BV tư nhân, chi bình quân nội trú tới 3,58 triệu đồng/lượt và ngoại trú là 384,5 nghìn đồng/lượt.
Các BV có chi phí bình quân một lượt khám ngoại trú cao là BV Việt Pháp –TP Hồ Chí Minh tới 4,166 triệu đồng, BV Tân Sơn Nhất –TP. Hồ Chí Minh 3,65 triệu/lượt, BV ĐK Quốc tế - Hà Nội là 2,9 triệu đồng/lượt; BV Phụ nữ Đà Nẵng 1,65 triệu/lượt vv…
Chi phí khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế công lập luôn thấp hơn ở cơ sở y tế tư nhân. |
Chi phí bình quân điều trị nội trú một đợt cao như ở BV Tim Tâm Đức (TP Hồ Chí Minh) tới hơn 22 triệu đồng, BV Đông Đô (Hà Nội) khoảng 15 triệu đồng; BV Tâm An (Thanh Hóa) 13,2 triệu đồng; BV ĐK Quốc tế Vinmec Central Park TP Hồ Chí Minh là 9,6 triệu đồng vv…
Một số phòng khám đa khoa (PKĐK) có chi phí bình quân một lượt khám bệnh cao như PKĐK Vietlife –MRI- Hà Nội hơn 1,7 triệu đồng; PKĐK Vietlife –MRI –TP. Hồ Chí Minh 1,14 triệu đồng; PKĐK thuộc Công ty Hoàn Hảo –TP. Hồ Chí Minh 1,85 triệu đồng vv… Chi phí khác của cơ sở y tế tư nhân cao hơn nhiều so với khối công lập.
Cũng theo ông Bằng, nhiều PKĐK tư nhân không đủ điều kiện là cơ sở KCB BHYT ban đầu vẫn ký hợp đồng; không đủ số bác sĩ cơ hữu theo quy định; thiếu nhân lực làm việc trong giờ hành chính nên không đảm bảo việc KCB và cấp thuốc cho người bệnh.
Nhiều cơ sở có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT như thu gom người bệnh, khuyến mại không thu phần chi phí cùng chi trả của người bệnh; chỉ định nhiều thuốc đắt tiền, nhiều dịch vụ kỹ thuật khi chưa cần thiết như nội soi tai mũi họng, chụp CT-scanner; chụp MRI, siêu âm màu tim mạch vv…
“Một số cơ sở có tỉ lệ chỉ định nội soi gần 100% đối tượng đến khám tại bàn khám tai mũi họng, hoặc gần 50% số bệnh nhân điều trị y học cổ truyền được chỉ định chụp CT-Scanner.
Nhiều BV trước kia đề nghị được xếp hạng tương đương hạng 2 để được thanh toán tiền khám, tiền giường ở mức cao, nhưng khi thực hiện chính sách thông tuyến huyện thì lại đề nghị xuống hạng để được KCB thông tuyến dù không có sự thay đổi gì.
Nhiều cơ sở sử dụng bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề để KCB BHYT, hoặc bác sĩ KCB không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn vv…” - ông Vũ Xuân Bằng cho hay.
Ông Nguyễn Bá Tỉnh - Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế (BHXHVN) cũng chỉ ra những tồn tại trong việc mua sắm, sử dụng thuốc và vật tư y tế khiến trở thành một trong các nguyên nhân mất cân đối quỹ KCB BHYT. Lựa chọn thuốc thương mại cùng hoạt chất trúng thầu giá cao như PKĐK Phương Nam; hay lựa chọn dùng thuốc có hàm lượng, dạng bào chế không phổ biến, giá trúng thầu cao vv…
Tình trạng này xảy ra ở các địa phương như Cần Thơ có tỉ lệ 18,52%, Thái Nguyên 17%; Bắc Giang 16% vv… Không có khoa y học cổ truyền nhưng vẫn sử dụng chế phẩm y học cổ truyền như ở Lạng sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu vv…
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXHVN cho rằng, việc lựa chọn dùng thuốc có hàm lượng lạ không tốt hơn mà chỉ là để trúng thầu. Vì thế, nay muốn đưa vào sử dụng phải xin ý kiến Bộ Y tế.
Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXHVN) cho biết Hệ thống giám định điện tử đã phát hiện nhiều vấn đề: Có BV cho bệnh nhân tiểu đường làm tất cả các xét nghiệm trong mỗi lần đến khám định kỳ; chỉ định nhiều dịch vụ quá mức cần thiết so với các chỉ định mà chuyên gia chuyên ngành cao nhất đưa ra. BV Lan Q chi cao nhất với 16 tỷ cho 25 nghìn lượt khám chỉ trong 6 tháng, trong khi qui mô thua xa BV tuyến Trung ương. Có bệnh nhân được chỉ định hàng loạt dịch vụ liên tục hàng ngày, hay có bệnh nhân hơn 300 ngày vào viện điện châm; có BV chỉ định một loại thuốc cho bệnh nhân liên tục dài, trong khi thường sau một đợt điều trị nếu không khỏi là phải thay thuốc.
Phản ứng lại những con số này, đại diện Hiệp hội Y tế tư nhân cho rằng nhiều số liệu chưa khách quan, cần một bên thứ ba kiểm định. Một số BV cũng cho rằng, BHXH Việt Nam chậm hướng dẫn nhiều chính sách mới, gây khó khăn cho họ.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Y tế tư nhân cho rằng: Hiện nay chưa có bộ công cụ giám định BHYT, đội ngũ giám định viên có trình độ đại học về y – dược chỉ chiếm hơn 50%, số còn lại được đào tạo từ các ngành khác. Trong khi đó, nhiệm vụ của giám định viên là: Kiểm tra, giám định việc KCB BHYT, từ chối thanh toán chi phí KCB không đúng quy định… Việc giám định BHYT căn cứ vào quá nhiều Luật và văn bản dưới luật gây khó khăn cho cả giám định viên, cơ quan BHXH lẫn cơ sở y tế.
“BHXH là cơ quan đại diện cho người có thẻ BHYT ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB; vừa là cơ quan duy nhất có chức năng giám định thanh quyết toán BHYT; đồng thời tham mưu về cơ chế, chính sách BHYT. Như vậy, BHXH vừa là đối tác, vừa là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực BHYT của cơ sở KCB. Quy định này tạo ra sự bất bình đẳng đối với cơ sở KCB”, Ông Đệ nhấn mạnh.