Các bác sĩ lên đường "giải cứu" 120 bệnh nhân COVID-19 từ Guinea Xích đạo
- Chuẩn bị đón 120 ca dương tính với COVID-19 từ Châu Phi về nước
- 11 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở BV Đà Nẵng di chuyển những đâu?
- Tập trung cứu chữa 2 ca bệnh COVID-19 nguy kịch tại Đà Nẵng
- 4 nhân viên y tế và 7 bệnh nhân tại BV Đà Nẵng nhiễm COVID-19
Trước giờ lên đường làm nhiệm vụ, Đoàn công tác của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương do TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu dẫn đầu đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy móc, vật tư y tế cho chuyến đi, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần cao nhất, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm cho hơn 90 công nhân âm tính cùng phi hành đoàn, nhân viên y tế trong suốt quá trình bay.
TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu dẫn đầu đoàn công tác của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sang Guinea Xích Đạo đón 120 công dân Việt Nam dương tính về nước |
Chia sẻ trước giờ lên đường nhận nhiệm vụ, TS Thân Mạnh Hùng cho biết: Trên chuyến bay từ Guinea Xích Đạo về có 219 công nhân, trong đó có 120 người dương tính. Đây là thách thức rất lớn vì là chuyến bay đầu tiên giải cứu bệnh nhân dương tính, nên nguy cơ lây nhiễm cho phi hành đoàn và đoàn công tác rất cao.
Trong không gian máy bay nhỏ hẹp, số người dương tính lớn, nên nồng độ đậm đặc của virus càng cao. Thời gian bay về tương đối dài (15 tiếng) nên nguy cơ lây nhiễm cũng rất lớn.
Vật tư, thuốc men, máy móc... được mang theo |
Để chuẩn bị cho chuyến đi lịch sử này, trước đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có kế hoạch và xây dựng kịch bản chi tiết từng bước, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị đi kèm, thuốc cấp cứu, tính toán cho từng tình huống có thể xảy ra trong suốt quá trình bay, kể cả tình huống xấu nhất.
Theo BS Hùng, số bệnh nhân dương tính rất nhiều (hơn 50%), nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chính vì thế trang thiết bị mang đi đặc biệt hơn so với các chuyến bay khác. Ngoài mang 2 máy thở, 2 máy khí dung, các moniter theo dõi, nhân viên y tế cũng chuẩn bị thêm bộ đặt ống nội khí quản, bình oxy và 2 chiếc cáng để sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng.
Khi tiếp nhận các bệnh nhân lên khoang máy bay, Đoàn sẽ tiến hành sàng lọc, phân chia mức độ nặng, nhẹ, ưu tiên bệnh nhân nặng lên hàng ghế phía trên để kịp thời cấp cứu nếu có biến cố xảy ra. Nhiệm vụ đã được phân công chi tiết, tuy nhiên, bác sĩ, điều dưỡng sẽ ứng biến linh hoạt trong từng tình huống cụ thể trong hành trình bay,
BS Hùng cũng cho hay, trên chuyến bay có người lành và người bệnh, vì vậy công tác chuẩn bị đã được tính toán kỹ lưỡng. Máy bay phải chia thành 4 khu, mỗi khu có một màng nilon trắng ngăn cách để giảm thiểu nguy cơ lây từ khu này sang khu kia, đảm bảo không lây từ bệnh nhân dương tính sang người âm tính. “Để đảm bảo 100% không lây nhiễm là rất khó vì từ trước đến nay chưa có tiền lệ. Hy vọng sau chuyến bay này sẽ có kinh nghiệm giúp ích cho các chuyến sau”, Phó trưởng Khoa Cấp cứu chia sẻ.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia tay các bác sĩ, điều dưỡng trước giờ họ lên đường nhận nhiệm vụ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp) |
Trên máy bay lắp 1 buồng áp lực dương để tổ bay và bác sĩ, điều dưỡng ăn, uống trong thời gian thực hiện hành trình bay. Buồng áp lực dương này được thiết kế không để cho không khí bị nhiễm bẩn đi được vào trong, đảm bảo an toàn khi bác sĩ, tổ bay tháo khẩu trang để ăn, uống. Đoàn bác sĩ, điều dưỡng và 2 tiếp viên hàng không sẽ ở khoang bệnh nhân dương tính.
Dự kiến, chuyến bay từ Guinea Xích Đạo sẽ đáp xuống Sân bay Nội Bài vào 11h20 ngày 29/7. Sau đó, toàn bộ hành khách cùng phi hành đoàn, 4 bác sĩ, nhân viên y tế sẽ về cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.