Đấu thầu thuốc phải minh bạch, công khai, đảm bảo chất lượng
Chiều 9-4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Y tế về những vướng mắc trong Bảo hiểm y tế (BHYT), giá dịch vụ y tế và đấu thầu thuốc vv...
- Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia: Hiệu quả nhưng còn nhiều bất cập
- Tiết kiệm gần 500 tỷ đồng nhờ đấu thầu thuốc
- Làm sao bịt kín những kẽ hở trong đấu thầu thuốc?
- Thủ tướng nhắc nhở Bộ Y tế việc quản lý thuốc, đấu thầu thuốc và công tác cán bộ
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ giao cho Bộ Y tế sửa đổi Nghị định 105 và Thông tư 37 về điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT nhưng sau 2 năm vẫn chưa xong.
Về việc này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chậm nhất đến tháng 5-2018 sẽ hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng báo cáo kết quả điều chỉnh giá dịch vụ KCB BHYT theo Thông tư 37: Góp phần tăng tỷ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện (TP Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.200 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Bình Định 110 tỷ đồng, …).
Tuy nhiên, có một thực tế là một số đơn vị có lượt khám bệnh/1 bàn khám cao hơn định mức số lượt khám tính giá; tỷ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn số giường kế hoạch; số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi cao hơn định mức tính giá. Nhưng BHXH Việt Nam cho rằng việc chỉ định, sử dụng dịch vụ như vậy là bất hợp lý và là nguyên nhân chủ yếu gây bội chi quỹ BHYT, nên đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ bằng 70%-80% giá hiện nay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ |
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân cơ bản gây bội chi Quỹ BHYT là do mức đóng thấp, chưa phù hợp với chi phí KCB. Do chưa điều chỉnh mức đóng BHYT nên để quản lý, sử dụng quỹ có hiệu quả, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT, Bộ Y tế cũng đồng thuận điều chỉnh một số mức giá, như giá khám bệnh, dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi do công suất tăng vv….
Bộ Y tế và Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh giá tại Thông tư 37 và thống nhất khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi TMH, YHCT, xét nghiệm.
Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo tình hình hoạt động với Phó Thủ tướng |
Về đấu thầu, đàm phán giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Bộ Y tế chỉ chịu trách nhiệm về đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá, các gói thầu thuộc phạm vi quản lý của Bộ. BHXHVN tham gia tất cả các khâu của quá trình đấu thầu của Bộ Y tế, địa phương, các cơ sở y tế tự đấu thầu. Công khai giá thuốc trúng thầu trên trang web của BHXH Việt Nam và thanh toán cho các cơ sở y tế theo giá thuốc trúng thầu. Thế nhưng khi xảy ra sai phạm về đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị tại địa phương thì Bộ Y tế phải giải trình”.
Về thuốc chữa bệnh, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải mở rộng đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, đồng thời đặt câu hỏi: Công tác thanh tra, kiểm tra đấu thầu thuốc như thế nào? Sao không đàm phán giá thuốc rồi mới đấu thầu? Những vấn đề này cần phải làm cho tường minh, cái gì đúng phải bảo vệ, cái gì chưa đúng, phải sửa đổi. ‘Cứ để họ nói mà chúng ta để ngoài tai là không được” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đại diện nhiều bộ, ngành, đơn vị tham gia cuộc họp |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung 5 hoạt chất với 22 thuốc để cung cấp cho các cơ sở y tế trong 2 năm 2018 -2019. Đây là thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị, số lượng. Tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm được 477 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao việc đấu thầu tập trung quốc gia khi ở Bộ Y tế và BHXHVN năm vừa qua đã tiết kiệm được khoảng 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng băn khoăn khi cùng loại thuốc mà chênh lệch giữa các BV, các vùng miền là khó giải thích với Quốc hội. Đã hết quý 1 mà việc đấu thầu thuốc tập trung năm 2018 chưa triển khai là chậm.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương mở rộng danh mục đấu thầu thuốc, vì đấu thầu tập trung không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề nhân đạo vì sẽ giúp người dân, nhất là người nghèo không phải mua thuốc bị đội giá lên cao. Không chỉ đấu thầu thuốc tập trung, năm nay cần tiến hành cả đấu thầu trang thiết bị y tế nữa.
Sau khi nghe các đơn vị giải thích về việc khi gia nhập WTO, Việt Nam bảo lưu không cam kết với dược phẩm để bảo hộ trong nước, Phó Thủ tướng cho rằng, việc bảo hộ ngành dược phải có thời hạn chứ không phải mãi mãi, nhất là khi đất nước đã hội nhập.
Bộ Y tế đã tổ chức đàm phán giá thuốc thế nào? Kết quả ra sao? Có thể vừa đàm phán, vừa đấu thầu giá thuốc được không? Có chế đàm phán giá thế nào và ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật? Cái nào đàm phán, cái nào đấu thầu phải rõ ràng. Vấn đề quan trọng là biệt dược gốc có thứ khác tương đương, tại sao không dùng, mà lại để cho độc quyền? –Phó Thủ tướng đặt ra các vấn đề phải làm rõ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận: Vấn đề giá thuốc chạm đến quyền lợi của hàng triệu người, của người bệnh, doanh nghiệp, khả năng thanh toán quỹ BHYT… Do đó, mọi việc phải minh bạch, công khai, giá cả hợp lý, đặc biệt là chất lượng thuốc phải đặt lên hàng đầu, vì sức khỏe của người dân. Cũng cần rà soát lại cơ sở pháp lý về vấn đề đàm phán giá. Cần phối hợp giữa đấu thầu và đàm phán giá, việc này phải do Bộ Y tế làm.