Hãi hùng nguồn nhiễm khuẩn bệnh viện
- Nhiễm khuẩn bệnh viện –hiểm họa khôn lường
- Những con số hãi hùng về nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam
- SOS nhiễm khuẩn bệnh viện
- Chị ơi cho tôi đổi quần áo để cho mẹ tôi thay, vì bẩn quá rồi!
- Lúc đổi không ra lấy thì thôi. Hôm nay không phải ngày thay!
- Chị thông cảm đi, lúc phát quần áo tôi chạy ra ngoài, mà mẹ tôi thì đau không tự đi lấy được.
- Không phải ngày thì không được đổi!
Rồi mặc kệ người nhà bệnh nhân năn nỉ, cô y tá ngồi với chiếc điện thoại, chứ nhất định không lấy quần áo sạch cho bệnh nhân thay, dù chiếc tủ để quần áo chỉ cách cô vài mét. Thế là người nhà bệnh nhân nổi nóng vì thái độ vô cảm của cô y tá, dẫn đến suýt to tiếng. Đó là sự việc tôi tình cờ chứng kiến ở khoa truyền nhiễm một bệnh viện (BV) tuyến Trung ương tại Hà Nội cách đây chưa lâu. Tiếc rằng, câu chuyện trên không hiếm ở nhiều BV.
Khi người bệnh điều trị nội trú, các BV đều yêu cầu mặc quần áo của BV – điều này là cần thiết. Việc cho bệnh nhân thay quần áo hàng ngày nhằm giữ gìn vệ sinh cho người bệnh và môi trường BV. Vì thế, việc này được các BV tư rất quan tâm, như ở BV Việt Pháp, bệnh nhân được tắm và thay đồ vào 9h sáng, còn trong ngày bất cứ lúc nào muốn thay, đều có thể bấm chuông gọi y tá là được đáp ứng tận giường. Song, vấn đề này lại chưa được các BV công quan tâm.
Không chỉ muốn được điều trị tốt, người bệnh còn muốn được mặc sạch. |
Thực tế khảo sát cho thấy, chỉ một số BV công, hay Khoa điều trị là cho bệnh nhân thay đồ mỗi ngày một lần, như BV Việt Đức; BV Nội tiết Trung ương; BV Phổi Trung ương; Viện sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai) vv... Ở một số nơi như Khoa Tim mạch –lồng ngực (BV Việt Đức), BV Nội Tiết, BV Phổi Trung ương, bệnh nhân muốn thay đồ bất cứ khi nào đều được phục vụ.
PGS. Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, ở BV Phổi, quần áo sạch cho bệnh nhân được đặt trong túi nilon và phát hàng ngày. Ở Viện sức khỏe Tâm thần bệnh nhân được nhận quần áo sạch tại khoa vào mỗi buổi sáng. Theo TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, từ 1-8 năm nay, bệnh nhân sẽ không phải đi lấy quần áo nữa, mà hàng ngày nhân viên y tế sẽ phát tận giường.
Tuy nhiên, ở một số BV, 2 ngày bệnh nhân mới được thay quần áo một lần, thậm chí mỗi tuần chỉ được thay 2 lần, kể cả ở khoa truyền nhiễm. Điều này không đảm bảo vệ sinh cá nhân người bệnh lẫn môi trường BV. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè nắng nóng, nhiều phòng bệnh không có điều hòa, lại nằm ghép, thì việc không được thay đồ là một cực hình. Mồ hôi, chất bẩn từ người thải ra dính vào quần áo, bốc mùi khó chịu, rồi dễ lây nhiễm giữa những người bệnh, nhất là ở các khoa lây truyền. Người khỏe còn thấy bức bối nữa là người ốm!
Ở một số Khoa của BV Bạch Mai, mặc dù nhân viên y tế cho biết bệnh nhân được thay quần áo hàng ngày, nhưng người bệnh lại thông tin 2 ngày mới được phát quần áo sạch một lần. Ở Bệnh viện K cơ sở 1 (43 Quán Sứ), bệnh nhân được thay hàng ngày, nhưng ở cơ sở 3 Tân Triều thì chỉ được phát đồ sạch vào thứ 4 và thứ 6.
Chị Nguyễn Thị Chân (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Tôi nằm giường dịch vụ, phòng được lau dọn sạch sẽ, thoáng mát, nhưng không được thay quần áo hàng ngày. Trường hợp đặc biệt phải ra xin người phụ trách việc này, mà phải trình bày đủ lý do nên mọi người đều rất ngại. Chị Lưu Thị Linh, một bệnh nhân khác cũng điều trị tại cơ sở Tân Triều cho biết: Nhân viên y tế không đi phát quần áo sạch cho bệnh nhân, mà bệnh nhân phải tự tìm họ để xin thay đồ. Đấy là tôi nằm phòng tự nguyện, còn bệnh nhân BHYT thì không biết thế nào!
Ở một BV khác, tôi đưa người thân nhập viện vào ngày cuối tuần mà từ đó cho đến thứ 2, bệnh nhân mới được thay quần áo. Hỏi ra mới biết bệnh nhân không được thay quần vào các ngày nghỉ, vì nhân viên hành chính không đi làm. Có người không chịu nổi bẩn, dùng quần áo cá nhân, thì lại vi phạm qui chế BV.
Ở BV tuyến tỉnh và tuyến huyện cũng vậy. Hầu hết vài ngày bệnh nhân mới được thay quần áo một lần. Có BV tuyến huyện chỉ phát quần áo cho người bệnh lúc vào viện, sau đó chỉ khi nào bệnh nhân yêu cầu mới cho thay!
Việc cho bệnh nhân thay quần áo hàng ngày tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ vì bệnh nhân bị buộc ở bẩn sẽ tác động xấu đến tâm lý cũng như kết quả điều trị, nhất là những người vốn sạch sẽ. Thế nhưng việc này lại chưa được các BV công quan tâm, trong khi chi phí không nhiều và có thể tính trong viện phí, mà nếu được giải thích, hẳn không bệnh nhân nào từ chối. Bên cạnh đó, khâu giặt ở nhiều BV cũng không tốt.
Nhiều BV có máy giặt công nghiệp, máy sấy đảm bảo vô trùng, nhưng cũng không ít BV sau khi giặt xong lại phơi ngay cạnh đường đi rất bụi bặm. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến từng phàn nàn: Nhiều BV, khi giặt xong, nhân viên mở máy giặt tanh bành để bụi bặm bay vào đồ vừa giặt. Như thế, làm sao tránh lây nhiễm cho người bệnh khi nằm viện!
Báo cáo của ngành Y tế cũng chỉ ra đã có nhiều trường hợp “họa vô đơn chí” khi vào viện điều trị do bị nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV). NKBV không chỉ khiến việc điều trị kéo dài và khó khăn, mà còn khiến nhiều người thiệt mạng. Có người vào viện mổ đẻ, bị NKBV dẫn đến phải cắt bỏ dạ con.
Có người nhập viện điều trị xuất huyết não, nhưng bị NKBV nên tử vong. Hơn 100 trẻ em tử vong ở BV Nhi Trung ương trong dịch sởi năm 2014 và 4 bé tử vong ở BV sản nhi Bắc Ninh hồi cuối 2017 là những minh chứng tiêu biểu về hậu quả của NKBV.
Cho người bệnh thay đồ hàng ngày là việc rất dễ làm cũng không cần đầu tư nhiều, hiệu quả lại cao, vấn đề là giám đốc BV có quan tâm hay không mà thôi. Thực tế khi được hỏi, nhiều giám đốc không biết bệnh nhân ở BV mình được thay quần áo mấy ngày một lần. Trong khi Bộ trưởng Bộ Y tế đang rất quan tâm tới việc đổi mới phong cách, thái độ để làm hài lòng người bệnh, từ việc rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh đến nhà vệ sinh phải có giấy và xà phòng rửa tay, thì nhiều BV vẫn thờ ơ với chủ trương này, mà cho bệnh nhân thay quần áo hàng ngày là một ví dụ.