Đề xuất tiêm vaccine COVID-19 cho thuyền viên Việt Nam mắc kẹt trên biển

08:26 10/03/2021
Dịch COVID-19 cho đến thời điểm này vẫn chưa ngừng diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Chính điều này cũng đang khiến các chủ doanh nghiệp vận tải biển đứng ngồi không yên, cùng đó là việc thuyền viên Việt Nam mắc kẹt trên biển, không thể hồi hương. Trước tình trạng này, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Cục Hàng hải đang đề xuất đưa thuyền viên vào danh sách ưu tiên được tiêm vaccine COVID-19.


Thuyền viên mắc kẹt trên biển kêu cứu

Cuối tháng 2, trên tàu biển quốc tế Helios cập cảng Cái Lân (Quảng Ninh) có hai thuyền viên “đặc biệt” mang quốc tịch Việt Nam. Hai thuyền viên này không thuộc biên chế tàu mà chỉ được gửi từ Nhật Bản về nước sau khi đã hoàn thành hợp đồng lao động một thời gian và chờ hồi hương. Vì thế, sau khi lên bờ, hai thuyền viên được đưa đi cách ly y tế phòng dịch COVID-19 trong 14 ngày. 

Ông Hoàng Văn Dương, Giám đốc Công ty CP Hàng hải Liên Ninh cho biết, hai thuyền viên rời tàu từ Nhật Bản nhưng không có chuyến bay, may mắn là gửi được theo tàu về nước. Việc đưa thuyền viên từ nước ngoài hồi hương vô cùng phức tạp, tốn kém. Ở Nhật Bản, thuyền viên chỉ được ở trên bờ 15 ngày, rồi lại phải xuống một tàu nước ngoài để chờ. Khi về nước, chi phí cách ly (40 USD/người/ngày) đều do đơn vị cung ứng thuyền viên chi trả. 

Thuyền viên làm việc trên biển.
Cũng theo ông Dương, năm 2020, có khoảng 200 thuyền viên do đơn vị xuất khẩu phải ở trên tàu quá 10 tháng nên phải đưa về nước bằng đường biển. Song chi phí để tàu không hàng và đưa người về rất lớn.

Cùng cảnh ngộ “giải cứu” thuyền viên, một lãnh đạo Công ty TNHH Vận tải biển và xuất khẩu HTK chia sẻ, trước Tết công ty cũng có hơn 20 thuyền viên đã quá hạn làm việc tại Parama. Nước bạn không gia hạn thêm cho thuyền viên, nên họ không thể lên bờ, sống rất vất vả. 

Cùng thời điểm đấy, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, công ty cũng không thể đưa thuyền viên mới đến thay thế để cho người cũ về. Thuyền viên họ liên tục kêu cứu vì không biết đi đâu, về đâu. Cuối cùng, doanh nghiệp phải tìm mọi cách thuê tàu với giá 10.000 USD/ngày để đưa thuyền viên của mình về. 

Lãnh đạo Công ty HTK chia sẻ thêm: “Từ tháng 4/2020 đến nay, thuyền viên nào hồi hương được là may, bởi hiện còn nhiều người vẫn lênh đênh trên tàu ở nước ngoài hoặc rời tàu nhưng mắc kẹt ở xứ người”.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 10/2020 có đến gần 2.150 sỹ quan, thuyền viên mắc kẹt ở nước ngoài cần sự hỗ trợ để hồi hương. Đáng lưu ý hơn, hầu hết thuyền viên đang làm việc trên tàu biển nước ngoài 14 - 15 tháng, quá dài so với thời hạn 9-12 tháng theo Công ước Lao động Hàng hải quốc tế MLC 2020.

Đề xuất ưu tiên “hộ chiếu vaccine”

Theo doanh nghiệp chủ tàu, thời gian qua họ đã rất nỗ lực để đưa thuyền viên hết hợp đồng hồi hương bằng đường hàng không, đường biển. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, nếu để lâu doanh nghiệp sẽ kiệt quệ, còn lực lượng thuyền viên quốc tế sẽ teo tóp. Do đó, doanh nghiệp đề xuất Nhà nước có các chính sách ưu tiên hỗ trợ giảm chi phí cho tàu đưa người về, và ưu tiên tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho thuyền viên quốc tế. 

“Đội tàu biển Việt Nam không chỉ thay người tại Việt Nam mà có những tàu liên tục hoạt động ở nước ngoài, thay thuyền viên tại nước ngoài. Thuyền viên được tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ là “hộ chiếu vaccine” để đi lại thuận lợi giữa các nước, để lên bờ và thay đổi thuyền viên”, lãnh đạo Công ty TNHH Vận tải biển và xuất khẩu HTK nói.

Mới đây, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) Kitack Lim đã có thư gửi ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Ban Thư ký IMO Việt Nam về sáng kiến tạo điều kiện thuận lợi và an toàn tuyệt đối cho thuyền viên trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong đó có ý kiến đề xuất đẩy nhanh việc tiêm phòng vắc xin COVID19 cho thuyền viên, cũng như những nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên.

Các doanh nghiệp, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét và chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước đưa thuyền viên Việt Nam - một trong những đối tượng lao động đặc thù đã quy định trong Bộ luật Lao động vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vắc xin phòng ngừa COVID-19.

Việt Nam sắp có 5,657 triệu liều vaccine COVID-19

Chiều 9/3, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia cho biết, trong tháng 3 đến tháng 4/2021, Việt Nam sẽ nhận được 4.177.000 liều vaccine phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cung ứng. 

Cụ thể, ngày 25/3, Việt Nam sẽ đón nhận 1.373.800 liều vaccine và trong tháng 4 sẽ tiếp nhận 2.803.200 liều vaccine. Tất cả đều là vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. 

Cũng trong tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1,48 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế mua thông qua Hệ thống tiêm chủng VNVC. 

Tổng cộng trong tháng 3 đến tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 5,657 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. COVAX facility là cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vaccine và các đối tác lập ra, đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vaccine một cách công bằng và hiệu quả.

Trần Hằng


Đặng Nhật

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文