Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang chững, nhưng còn nhiều lo ngại
- Ổ dịch sốt xuất huyết từ những dòng kênh ô nhiễm
- Hai bệnh viện Công an "chia lửa" ứng phó với dịch sốt xuất huyết
- Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm nếu khống chế kém dịch sốt xuất huyết
- Giữa tâm dịch sốt xuất huyết: Đừng hoảng sợ để gây quá tải bệnh viện
- Các bệnh viện Công an nỗ lực ứng phó với dịch sốt xuất huyết
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay, Hà Nội có khoảng 17.400 ca mắc SXH, nhiều nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, số người mắc đang giảm: ngày 14-8 có 3.076 người mắc bệnh, ngày 15-8 đã giảm xuống 2.635 người và đến ngày 17-8 còn 2.575 người...
Trong tuần qua, hàng loạt giải pháp dập dịch đã được triển khai đồng loạt trên toàn TP Hà Nội. Các quận, huyện đã thành lập 26.038 đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 63.000 người tham gia, đã kiểm tra dụng cụ chứa nước của hơn 1,34 triệu hộ gia đình, chiếm 73% số hộ dân; đã xử lý hơn 400.000 dụng cụ chứa nước có bọ gậy, thả hơn 40.000 con cá. Tuy nhiên, các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội vẫn cho rằng hoạt động của các đội xung kích chưa hiệu quả.
Với 19 máy phun thuốc diệt muỗi công suất lớn được các tỉnh hỗ trợ, cùng các máy phun và hóa chất do Bộ Y tế cung cấp, ngành y tế Hà Nội đã triển khai lịch phun hóa chất diệt muỗi cả ngày và đêm ở các địa bàn, nên hiện đã phun được hơn 24.000 hộ dân trong vùng có dịch; 67% số cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu vực công cộng được phun thuốc diệt muỗi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng dịch ở nhà dân
|
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã tiến hành giám sát véc-tơ truyền bệnh SXH tại một số phường trọng điểm và cho thấy mật độ muỗi ở Hà Nội đã giảm. Tuy nhiên, việc kiểm tra ở một số khu vực, nhất là các khu chung cư cũ, nơi người dân trồng nhiều rau trên các tầng thượng, đều cho thấy hầu hết các chậu trồng rau chứa nước đều có bọ gậy.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, trứng của muỗi vằn có thể bám trên bề mặt các vật dụng chứa nước mà không có nước rất lâu. Khi có nước mưa và nắng lên, chúng phát triển thành bọ gậy, phát triển thành lứa muỗi mới và tiếp tục đốt người. Một con muỗi cái nhiễm virus gây SXH thì lứa muỗi mới cũng mang virus này, là nguyên nhân khiến dịch lan nhanh.
Theo ông Trần Vũ Phong -Trưởng khoa Côn trùng và Động vật y học (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), mật độ muỗi có dấu hiệu giảm sau khi phun hóa chất nhưng các ổ bọ gậy vẫn còn nhiều và rất khó tìm; có gần 97% dụng cụ chứa nước đọng ở các nghĩa trang có chứa ổ bọ gậy. Đây là nguy cơ khiến cho việc khống chế dịch SXH ở Hà Nội còn khó khăn.
Hiện, Hà Nội có 12 quận, huyện đang ở mức báo động đỏ (tập trung khoảng 90% số bệnh nhân của toàn TP) là Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín và Hoàn Kiếm; năm quận, huyện ở mức báo động màu da cam và 13 quận, huyện màu vàng (có ít bệnh nhân mắc). Điều lo ngại là các vùng dịch tễ chắc chắn sẽ có biến động, khi một số quận, huyện từ vùng dịch tễ màu vàng có thể trở thành vùng báo động đỏ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch đang có xu hướng chững lại, nhưng thời gian tới số ca mắc SXH ở Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết ẩm, mưa nhiều. Vì vậy, Hà Nội cần có cách làm tổng thể hơn, vì riêng ngành y tế không thể giải quyết được hết.
Điều trị cho bệnh nhân SXH ở BV Bạch Mai |
Ngày 19-8, Cục Y tế Dự phòng tiếp tục khuyến cáo các bệnh nhân SXH điều trị tại nhà cần ngủ màn để phòng bệnh cho người khác, nhằm hạn chế dịch bệnh.
Theo đó, khả năng truyền virus sang người lành được thực hiện khi muỗi hút máu bệnh nhân trong thời kỳ nhiễm virus huyết. Nhiễm virus huyết có thể có 6 -18 giờ trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Như vậy bệnh nhân là nguồn lây ngay trước thời kỳ sốt và cho đến khi hết sốt, trung bình là 6 -7 ngày.
Nguồn bệnh SXH là người mang virus dengue, đặc biệt là những người mắc bệnh ở thể nhẹ, hoặc người nhiễm virus mà không phát bệnh đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan dịch bệnh, vì những người này vẫn đi lại được, nên họ có thể virus từ vùng này sang vùng khác.
Với đặc tính hút máu và làm lan truyền vi rút dengue để gây bệnh cho người của muỗi, không chỉ có người lành phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, mà để phòng bệnh cho người lành, một biện pháp rất quan trọng là người bệnh SXH điều trị tại nhà cần ngủ màn, mặc quần áo dài tay… để tránh muỗi đốt làm lây truyền bệnh cho người khác.
Thanh Hóa đã chính thức thông báo đã có ổ dịch SXH đầu tiên trên địa bàn. Theo đó, đã có 14 người bị SXH ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia do một người học tại Hà Nội về quê mang theo mầm bệnh, lây sang người thân |