Đổi mới hệ thống phục hồi chức năng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
- Bệnh viện Đa khoa Bình Phước hỗ trợ người khuyết tật phục hồi chức năng
- Tập huấn công tác cai nghiện ma túy và phục hồi chức năng cho cán bộ Campuchia
- Chia sẻ kinh nghiệm công tác phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy giữa Việt Nam và Lào
- Phục hồi chức năng, dạy nghề cho hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam
Ngày 27-8 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng hệ thống Phục hồi chức năng Việt Nam-Thực trạng và Giải pháp. Hơn 200 đại biểu thuộc các Tổ chức quốc tế, Sở Y tế các tỉnh thành, các bệnh viện PHCN các tỉnh thành tham dự.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hiện mạng lưới cơ sở y tế về PHCN đã được củng cố với 1 Bệnh viện PHCN thuộc Bộ Y tế, 1 Trung tâm PHCN trực thuộc BV Bạch Mai, 36/63 tỉnh có bệnh viện PHCN; 100% các bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa PHCN.
Các khoa/đơn nguyên/tổ PHCN ở các bệnh viện/TTYT tuyến huyện ngày càng được củng cố. Các Bộ, ngành khác có 4 bệnh viện, 16 trung tâm PHCN. Hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng cũng được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương. Ngày càng có nhiều kỹ thuật PHCN được ứng dụng phục vụ người bệnh và người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.
Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu tham dự |
Tuy nhiên, công tác PHCN còn tồn tại những vấn đề cơ bản là: Đội ngũ cán bộ chuyên ngành PHCN còn mỏng, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, đặc biệt là rất thiếu kỹ thuật viên PHCN chuyên sâu như: Hoạt động trị liệu (OT), Ngôn ngữ trị liệu, KTV chỉnh hình...; việc đầu tư cho lĩnh vực PHCN còn hạn chế, trang thiết bị chuyên khoa PHCN một số nơi còn nghèo nàn lạc hậu; giá dịch vụ PHCN còn thấp chưa bù đắp được công sức, trí tuệ của thày thuốc, nên chưa thu hút được người theo học và làm việc chuyên ngành PHCN;
Việc thanh quyết toán BHYT ngày càng chặt chẽ và phức tạp nên mất nhiều thời gian, công sức của cán bộ y tế. Đặc biệt, trong cơ chế tự chủ về mặt tài chính hiện nay, có một số bệnh viện, cơ sở PHCN chưa tập trung phát triển chuyên môn PHCN một cách toàn diện, đặc biệt là chất lượng dịch vụ lâm sàng và dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cho người bệnh, người khuyết tật.
Để nâng cao chất lượng bệnh viện, thu hút ngày càng đông người bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã đề nghị hệ thống các BV PHCN nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn người bệnh. Các bệnh viện cần năng động và sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ y tế phục vụ người bệnh.
Bên cạnh đó, các bệnh viện cần đề xuất các nội dung, giải pháp phù hợp, hiệu quả để triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Bí thư về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, trong đó tập trung đề xuất các giải pháp phát triển tổ chức hệ thống PHCN, nâng cao chất lượng dịch vụ lâm sàng, dịch vụ chăm sóc người bệnh, người khuyết tật, quan tâm đời sống nhân viên y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, người khuyết tật và nhân viên y tế.