Gia tăng trẻ nhỏ mắc cúm mùa
- Cúm mùa dễ lây lan, có thể gây tử vong
- Chủ động chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A (H7N9)
- Không còn lo sợ về bệnh cúm
Theo bác sĩ của Bệnh viện Medlatec thì đây là thời điểm dịch cúm mùa đang phát triển, có nhiều người mắc phải vào viện. Bệnh diễn biến trong 1 tuần, trẻ nhỏ được theo dõi cẩn trọng các biến chứng, đặc biệt là biến chứng về đường hô hấp và não. Còn tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) hằng ngày đều có trẻ nhập viện do nhiễm cúm.
Bệnh nhi Nguyễn Minh H. (14 tháng tuổi), ở Điện Biên, nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, trước đó đã điều trị 1 tuần tại tuyến y tế cơ sở nhưng không đỡ.
Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi, cháu H. được chẩn đoán mắc cúm, viêm phế quản phổi. Cúm là bệnh dễ lây, khi trẻ mắc bệnh dễ dàng lây sang trẻ khác. Đã có nhiều bệnh nhân do lây cúm trong gia đình mà hai anh em hoặc hai chị em phải vào viện điều trị.
Đưa hai con sốt cao vào nhập viện, chị Phạm Thùy Chi (Hà Nội) lo lắng cho biết: “Cả hai cháu đều sốt cao và không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Sau khi vào đây được chẩn đoán nhiễm cúm, được điều trị kịp thời nên sức khỏe các cháu đã khá lên”.
Theo Ths.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) thì thời điểm mùa đông xuân với độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.
Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm đường hô hấp trên, đặc biệt viêm họng đỏ rất rõ, một số trẻ còn viêm phế quản.
Thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị, chủ yếu dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng paracetamol). Nếu dùng các thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế, phụ huynh không được tự ý mua thuốc dùng cho trẻ. Gia đình cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm, đồng thời tránh tiếp xúc với quá nhiều người để hạn chế mang mầm bệnh khác đến cho trẻ và mang virus cúm ra cộng đồng.
BS Hải cũng khuyến cáo, trường hợp trẻ bị cúm gây viêm phổi hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa bắc bệnh lý mạn tính nào đó thì mới phải nhập viện.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu trẻ được chăm sóc tốt, không có bội nhiễm thì tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ để tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Đặc biệt, trẻ bị sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc giảm sốt thì cha mẹ cho con đến cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm cúm, tránh khám ở các phòng khám tư nhân không có đủ trang thiết bị y tế dẫn tới chẩn đoán sai bệnh, đặc biệt là trẻ mắc cúm nhưng bác sĩ lại kê đơn dùng kháng sinh vì chẩn đoán viêm đường hô hấp.