Hà Nội phải chống dịch ở mức độ cảnh báo cao hơn các địa phương khác
- 305 ca mắc COVID-19 trong ngày, riêng TP Hồ Chí Minh 161 ca
- Thêm 112 ca mắc COVID-19
- Hai bệnh nhân COVID-19 tử vong ở TP Hồ Chí Minh và Kiên Giang
Ngày 25/6, Đoàn Công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19 và đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, TP đã ban hành phương án đáp ứng 1.000 giường bệnh điều trị người bệnh COVID-19. Sở Y tế đã phân công 3 bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận cách ly điều trị người bệnh COVID-19 là BV Đức Giang, BV Bắc Thăng Long và BV Thanh Nhàn.
Tổng số ca dương tính tiếp nhận và điều trị tại 3 bệnh viện là 277 bệnh nhân, trong đó có 129 trường hợp đã khỏi bệnh và ra viện, chưa ghi nhận ca tử vong.
Hà Nội đã hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và đợt 2, số ca phản ứng bất lợi là 23 trường hợp, đã được cấp cứu kịp thời.
Đợt 3 đã tiêm được trên 82.000 liều, có 1 trường hợp tử vong sau 39 giờ tiêm chủng, chưa rõ nguyên nhân.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội |
Trong tuần, Sở Y tế tiếp nhận thêm 43.000 liều vaccine do Bộ Y tế cấp đợt 4. Hiện, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng tại 133 điểm tiêm chủng của các bệnh viện, Trung tâm y tế, trong đó có 24 điểm tiêm tiếp nhận các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng.
Theo phương án xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng với mục tiêu có thể tiêm 200.000 liều/ngày, Sở Y tế đang dự kiến thành lập 100 kíp cấp cứu (mỗi kíp có 1 bác sỹ, 2 điều dưỡng) để phục vụ công tác cấp cứu tại các điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, sẵn sàng ứng trực cấp cứu và vận chuyển người có diễn biến nặng đến bệnh viện.
Sở Y tế Hà Nội đề xuất Bộ Y tế sớm có hướng dẫn việc thành lập, vận hành, giải thể bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu điều trị trong trường hợp cần thiết.
Sau khi nghe ý kiến của các bệnh viện điều trị COVID-19 của Hà Nội, các ý kiến góp ý của các thành viên trong đoàn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, ngành y tế Thủ đô phải chống dịch cao hơn các tỉnh, thành phố trên một mức.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hoan nghênh Sở Y tế Hà Nội trong thời gian qua đã nỗ lực trong phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm công tác y tế các sự kiện trọng đại của đất nước.
Trong giai đoạn đầu, ngành y tế Hà Nội không phải điều trị một ca bệnh dương tính nào, các ca mắc đều chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Trước tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành y tế Hà Nội phải thực hiện 4 tại chỗ, chủ động tích cực trong tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại 3 bệnh viện và dự kiến có thêm một số bệnh viện khi dịch bùng phát.
Để tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, Đoàn công tác đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục xây dựng kịch bản 3.000- 5.000 giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19. Cùng với đó, Sở Y cần rà soát nguồn nhân lực từng chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành về hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, lọc máu, ECMO…để có kế hoạch đào tạo, phân công và điều chuyển nhân lực.
Các bệnh viện cần tham gia các buổi hội chẩn quốc gia Teleheath để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19.
Sở Y tế cần tiếp tục tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho từng cán bộ tiêm chủng, bên cạnh đó cần sàng lọc trước tại khu dân cư, khu công nghiệp, trường học... các đối tượng được tiêm chủng để lọc ra các đối tượng có bệnh nền, có tiền sử dị ứng phải được tiêm ở bệnh viện. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể người tiêm chủng theo dõi các phản ứng, các dấu hiệu cảnh báo sau khi được tiêm chủng.
Sở Y tế cần tiếp tục mở rộng và nâng cao năng lực xét nghiệm, đào tạo cán bộ lấy mẫu...
Tiếp thu những đóng góp của Đoàn công tác, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành y tế Thủ đô nỗ lực thực hiện những hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, đặc biệt là những hướng dẫn cụ thể của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
Sở Y tế Hà Nội sẽ xây dựng phương án 3.000-5.000 giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19; huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc trong chiến dịch tiêm chủng, để đảm bảo công tác tiêm chủng đạt mục tiêu an toàn, nhanh, số lượng lớn.