Hà Nội lên kế hoạch ứng phó với nguy cơ dịch bùng phát
- Hà Nội chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết từ đầu mùa
- Lo ngại biến chứng của dịch bệnh truyền nhiễm dịp cuối năm
- Nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ tại Sơn La
- Nhiều dịch bệnh gia tăng vào mùa hè
- Các bệnh viện tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa hè cho người bệnh
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho hay, biện pháp phòng chống dịch lâu dài và hiệu quả là tiêm vaccine phòng bệnh với những bệnh có vaccine phòng. Do đó, công tác tiêm chủng các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được đẩy mạnh, nhất là tiêm vaccine phòng 10 bệnh truyền nhiễm với mục tiêu đạt tỷ lệ trên 95%.
Hiện nay, ngành y tế Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng ở các trạm y tế hằng tuần thay vì tiêm chủng hằng tháng như trước. Lịch thay đổi này dù khiến nhân viên y tế vất vả hơn, nhưng lại giúp cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, để tăng miễn dịch tại cộng đồng.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, Trung tâm chủ động phối hợp với các đơn vị để đẩy mạnh việc truyền thông và khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu bệnh nặng phải đến các cơ sở y tế. Khi phát hiện chùm ca bệnh, y tế cơ sở phải triển khai các biện pháp bao vây, khoanh vùng, xử lý ngay, để không lây lan thành những ổ dịch lớn hơn...
Cảnh giác trước các bệnh cúm gia cầm độc lực cao có thể vào Việt Nam, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tổ chức kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài với hệ thống máy đo thân nhiệt, nhằm phát hiện sớm người mang bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường giám sát bệnh tại cộng đồng và tại cơ sở y tế, tổ chức các xét nghiệm để phát hiện sớm.
Tiêm chủng vẫn là biện pháp hữu hiệu phòng chống dịch |
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngành y tế Thủ đô cũng phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để giám sát ngay từ khi dịch trên gia cầm, đồng thời, phát hiện sớm những bệnh nhân đầu tiên mắc cúm, điều trị tích cực để giảm tử vong, không để bệnh lây lan thành dịch.
Hiện đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân và du khách tăng cao, nhất là khi trên địa bàn Hà Nội có nhiều điểm du lịch, lễ hội lớn thu hút đông du khách thập phương như chùa Hương, chùa Đậu, chùa Tây Phương, Phủ Tây Hồ… sẽ càng làm tăng nguy cơ mắc dịch bệnh, nên Sở Y tế Hà Nội đã và đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa xuân, nhất là ở các khu vực lễ hội, điểm văn hóa tâm linh.
Dự báo mùa hè năm nay thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tiềm ẩn, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng chống. Từ kinh nghiệm của vụ dịch năm 2017, Sở Y tế sẽ tái lập mạng lưới cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết, cũng như tiếp tục duy trì đội xung kích diệt bọ gậy, phát động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
Trước tình hình có nhiều người mắc sốt xuất huyết và sởi những tháng qua, ông Ngô Văn Quý Phó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các ngành và quận, huyện tăng cường phòng chống dịch mùa xuân hè và lễ hội năm 2018, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè trên địa bàn.
UBND TP yêu cầu Hà Nội cũng Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường các biện pháp giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát lan rộng; giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch tại các lễ hội, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ quy mô ở xã, phường.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cần chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thường trực cấp cứu, tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc dịch bệnh ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu; tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh sởi, cúm và các dịch bệnh khác, các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh và lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh. Triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài.