Hãy đi khám sớm để phát hiện và điều trị khỏi bệnh lao
- Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
- Mỗi năm Việt Nam có 126.000 người mắc bệnh lao
- Số người chết vì bệnh lao ở Việt Nam còn nhiều hơn tai nạn giao thông
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người trên thế giới tử vong do lao hàng năm.
Việt Nam hiện đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng về bệnh lao cao nhất trên thế giới và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông.
Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao Quốc gia.
Hiện, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn >20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
6 tháng đầu năm 2019, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện 50.645 bệnh nhân lao các thể, đạt tỷ lệ phát hiện khoảng 52/100,000 dân và điều trị thành công cho hơn 90% số bệnh nhân lao mới và tái phát phát hiện được.
Tuy nhiên, số bệnh nhân phát hiện lao có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm |
Chương trình chống Lao quốc gia thời gian qua vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được Chương trình Chống lao tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay 48/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi.
Tổ chức các đối tác Phòng chống lao cùng với Chương trình Chống lao quốc gia đã phát huy vai trò và hiệu quả trong tháng hành động phòng chống lao, công tác huy động xã hội, với nhiều hình thức.
Tuy nhiên, công tác chống lao còn gặp nhiều thách thức như cung ứng sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều khó khăn; Cung ứng Xpert gián đoạn dẫn đến việc sàng lọc và phát hiện hạn chế; Cung ứng thuốc chưa đầy đủ và kịp thời (do việc tiếp nhận thuốc từ Hợp đồng mua sắm năm 2018 bị chậm hơn nhiều so với kế hoạch dẫn tới thiếu cục bộ một số thuốc như Lzd, Cfz, Mfx); Chậm tiến độ mua sắm Hain test.
Đặc biệt, nhiều người nghĩ bệnh lao không chữa khỏi nên không điều trị dứt điểm, bỏ dở điều trị, điều trị thuốc không đúng quy định, uống thuốc không đúng liều…dẫn tới lao kháng thuốc. Lao kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc là tình trạng nguy hiểm với cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia khẳng định: Ở Việt Nam, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và tuân thủ điều trị.
Như vậy, việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng và có tính quyết định với tỷ lệ chữa khỏi khoảng 52% trên thế giới và 75% ở Việt Nam. Đặc biệt, ở Việt Nam nếu người mắc lao lần đầu được phát hiện, tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 4-6 tháng lên tới 90%.
Đặc biệt, bệnh lao được BHYT chi trả, nên người bệnh có thể yên tâm điều trị.
Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, đã đến lúc chúng ta cùng hành động để chấm dứt căn bệnh này. Tức là với dân số 100 triệu người thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao một năm (hiện nay hàng năm ước tính Việt Nam vẫn có 124.000 mắc lao mới). Ngoài các giải pháp đang triển khai thì cần sự vào cuộc của người dân trong việc phát hiện sớm bệnh và điều trị dứt điểm.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo, khi thấy các triệu chứng sau: Ho kéo dài, sốt, gầy sút cân. Hãy đi khám ngay để các bác sĩ chẩn đoán và điều trị cho mình. Đừng ngại, nếu có khó khăn về kinh tế, đã có Quỹ hỗ trợ Người bệnh chiến thắng bệnh lao.