Hãy nhớ đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình
Tăng huyết áp là căn bệnh giết người thầm lặng, thế nhưng tại Việt Nam có đến 51,6% người bị tăng huyết áp nhưng không biết mình bị tăng huyết áp; có 38,9% người bị tăng huyết áp nhưng chưa được điều trị và có đến 63,7% người tăng huyết áp được điều trị nhưng không đạt được huyết áp mục tiêu (<140/90 mmHg).
- Tăng huyết áp, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam
- Việt Nam có 12 triệu người bị tăng huyết áp và 3 triệu người đái tháo đường
- Triển khai kế hoạch phòng chống tăng huyết áp trên 63 tỉnh, thành
Con số tử vong do tăng huyết áp mỗi năm làm chúng ta giật mình, vào khoảng 9,4 triệu người, nhiều hơn tổng dân số của TP Hồ Chí Minh năm 2019. Tăng huyết áp làm gia tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong, đây là vấn đề cấp bách cần nâng cao công tác tuyên truyền để người dân phòng ngừa.
Ông Nguyễn Văn Ba (SN 1964, Hà Nội) cho biết: "Vì chủ quan mình khỏe mạnh nên gần 2 năm nay tôi không đi khám sức khỏe. Hai tháng trước, đang đi xe máy trên đường, tôi bỗng chóng mặt, người nóng bừng, loạng choạng, vừa dừng xe vào lề đường tôi ngã gục xuống. Tỉnh dậy mới biết mình bị tai biến mạch máu não do tăng huyết áp. Nằm viện mất gần một tháng giờ mới bình phục, nhưng di chứng để lại là chân trái của tôi đi lại khó khăn, phải chống gậy và tập đi dần".
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc tăng huyết áp.
Đáng lưu ý, khoảng 3 năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ không ngừng tăng, từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm, trong đó gần 50% tử vong. Tỷ lệ nam giới bị đột quỵ gấp 4 lần nữ giới và độ tuổi bị đột quỵ ở nước ta đang ngày càng trẻ hóa. Nguy cơ đột quỵ sau tuổi 25 lên tới 17-22%, tức là trung bình cứ 5 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người đối mặt nguy cơ đột quỵ.
Không chỉ gây ra đột quỵ, tăng huyết áp còn gây suy thận, nhồi máu cơ tim, suy tim, xơ vữa động mạch... Tại nước ta, chỉ tính riêng nhồi máu cơ tim đã có từ 104.000-150.000 người chết mỗi năm.
Thế nhưng, hiện có 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Một người được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Hãy luôn nhớ đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình |
Vậy, làm cách nào để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp. Nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp do triệu chứng mờ nhạt, một số ít thì gặp phải triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, có những cơn bừng mặt hoặc khi có những tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận…thì mới phát hiện ra.
Còn lại nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không hề gặp phải các triệu chứng cơ năng hay các dấu hiệu cảnh báo trước. Chỉ đến khi tình cờ khám bệnh hoặc đã bị một triệu chứng nặng nào đó, họ mới biết mình đã bị tăng huyết áp.
Chính vì vậy, biện pháp duy nhất để biết có bị tăng huyết áp hay không là phải đo huyết áp để biết được chính xác con số huyết áp của bản thân.
Nếu bác sĩ chẩn đoán bị tăng huyết áp, phải tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, không nên tự ý mua thuốc điều trị.
Ngoài ra, có những cách giảm huyết áp tự nhiên mà không cần dùng thuốc, đó là thực hiện chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi, ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần. Đặc biệt, những người bị tăng huyết áp nên ăn nhiều cá, giảm các loại thịt đỏ, nội tạng động vật vì các thực phẩm này có hàm lượng mỡ bão hòa cao, là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa.
Thường xuyên tập thể dục, giữ trọng lượng cơ thể hợp lý. Hạn chế uống rượu, bia và ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Với người tăng huyết áp, đi bộ nhanh rất có lợi cho việc giảm mỡ máu, giảm tăng huyết áp.
Ngoài ra, cần nâng cao công tác truyền thông để người dân hiểu biết hơn về bệnh, luôn nhớ đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình để phòng ngừa tăng huyết áp và những bệnh lý kèm theo.