Hãy xoá bỏ sự kỳ thị để cùng nhau vượt qua đại dịch
- Những hình ảnh đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 tại Việt Nam
- Nhân viên y tế Mỹ "dị ứng nghiêm trọng" sau khi tiêm vaccine COVID-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, sự kỳ thị có thể gây ra những hậu quả như: khiến nhiều người muốn che giấu bệnh để không bị kỳ thị; ngăn cản mọi người không sớm tìm đến các cơ sở y tế chữa trị và không khuyến khích được họ thực hiện những hành vi lành mạnh bảo vệ bản thân và người khác. Tất cả những rào cản đó có nguy cơ gây ra các vấn đề y tế nghiêm trọng hơn.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Chủ tịch Hội phòng chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh chia sẻ một câu chuyện trước đây từng có trường hợp bệnh nhân HIV/AIDS qua đời. Mặc dù cha mẹ của người này được thông báo con họ qua đời nhưng không một người thân nào đến, coi như họ bỏ đứa con. Điều này cho thấy sự kỳ thị ngay từ chính người thân của những người bị bệnh.
Các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe công cộng như đại dịch COVID-19 hay đại dịch HIV/AIDS là những giai đoạn căng thẳng cho người dân, cho cộng đồng và thường tồn tại kèm theo là sự kỳ thị đối với nhóm người mắc bệnh. Sự kỳ thị xảy ra có thể do việc thiếu kiến thức về cách lây lan của dịch bệnh, nhu cầu đổ lỗi cho một ai đó, nỗi sợ hãi về căn bệnh và sự chết chóc cũng như tin đồn lan truyền về những điều vô căn cứ, không có thật.
Sự kỳ thị cũng có thể khiến người ta dễ giấu triệu chứng hoặc giấu bệnh hơn, khiến họ không tìm được sự chăm sóc y tế tức thì, và cản trở người ta áp dụng các hành vi giữ gìn sức khỏe. Điều này có nghĩa là sự kỳ thị có thể khiến việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh bùng phát còn khó khăn hơn.
Cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh tích cực tham gia phát quà hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn mùa dịch COVID-19 |
Theo Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, trong mỗi đợt bùng phát dịch, cộng đồng thường tập trung chỉ trích một hay một vài bệnh nhân lây nhiễm virus cho nhiều người khác.
Việc mạt sát, kỳ thì bệnh nhân cũng không giúp cơ quan y tế truy lùng các ca tiếp xúc hay điều trị COVID-19. Nó chỉ khiến tình hình dịch và tâm lý người dân thêm tồi tệ hơn. Về sau, các F1, F2 và F0 có thể vì điều này mà không dám trình diện, khai báo y tế, càng khiến ngành y tế khó khăn hơn.
Cán bộ Công an và các ngành chức năng ở quận 10 (TP Hồ Chí Minh) tích cực hỗ trợ những người trong khu vực phong toả cách ly để phòng chống COVID-19 |
Theo đại diện Trung tâm kiểm soát bệt tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), trong giai đoạn khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng, điều đặc biệt quan trọng là cần phòng tránh và ngăn chặn hành vi phân biệt đối xử. Nếu không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến việc bị từ chối chăm sóc sức khỏe, vi phạm quyền công dân và hành vi bạo lực thân thể. Điều này có thể làm lây lan thêm dịch bệnh và gia tăng các ca tử vong, cùng với tác động lớn đến cộng đồng. Chia sẻ thông tin chính xác và không khuyến khích hành vi kỳ thị, sẽ giúp chúng ta cùng nhau phòng chống được các đại dịch như HIV/AIDS hay COVID-19.
Về giải pháp giảm sự kỳ thị, ông Nguyễn Anh Phong cho rằng: “Những người HIV/AIDS hay COVID-19 hãy sống khoẻ, sống tốt thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, thì đó cũng là một trong những giải pháp”.
Theo Tâm lý gia lâm sàng Đặng Khánh An, Phòng khám tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, hiện nay HIV không còn là bệnh chết người mà là bệnh mãn tính, nên có thể kiểm soát được. Chính vì vậy, mỗi người cần gia tăng tri thức, cập nhật những thông tin mới, thông tin đúng về dịch bệnh là màng bảo vệ về tâm lý cho chính mình và lan toả tinh thần này đến nhiều người.