Khống chế dịch còn nan giải nếu người dân thiếu ý thức phòng bệnh

17:23 31/07/2017

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trong cả nước, khi gần như các tỉnh, thành đều có dịch. Số người mắc tiếp tục tăng khi đã vượt qua con số 50 ngàn người của tuần trước. TP Hồ Chí Minh vẫn đang dẫn đầu cả nước về số người mắc với 11.195 ca mắc, trong đó có 4 ca tử vong và Hà Nội giữ vị trí “á quân” về SXH.


Ngành y tế và chính quyền địa phương nhiều nơi đã và đang làm hết sức mình để khống chế dịch. TP. Hồ Chí Minh tăng cường truyền thông, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, khống chế các vùng dịch. UBND TP Hà Nội cũng huy động từ cảnh sát cơ động, đến giáo viên, các đoàn thể vv… tham gia diệt bọ gậy, đồng thời, xử phạt một số doanh nghiệp cố tình không hợp tác trong phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch gia tăng, Sở Y tế đã xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học về công tác phòng chống dịch SXH và được đánh giá là công tác phòng dịch làm bài bản.

Nhưng đến nay, dịch SXH vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Phân tích nguyên nhân của dịch SXH năm nay, các chuyên gia cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, năm nay dịch diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc gia tăng, địa bàn phát sinh dịch mở rộng, thời gian dịch đến sớm hơn. Virus gây bệnh SXH đã xuất hiện loại khác so với trước, Việt Nam lại chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu SXH nên số người mắc tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH

Điều đáng nói là, các biện pháp phòng chống SXH hiện chủ yếu vẫn là xử lý tại cộng đồng. Thế nhưng ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, còn chủ quan, thậm chí xem thường bệnh SXH. Tại công trường xây dựng tòa nhà Hồng Kông Tower ở 243 Đê La Thành, Hà Nội – nơi đang ở tâm dịch SXH, mà khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến kiểm tra, mặc dù đã có sự chuẩn bị trước về mặt vệ sinh, vẫn thấy sự ẩm thấp, tối tăm và muỗi dĩn ở tầng hầm, khiến tất cả những người trong đoàn đều phải ngỡ ngàng vì giữa trung tâm Hà Nội mà tình trạng vệ sinh môi trường kém đến thế. 

Giữa công trường, một bể nước to không có nắp đậy. Rõ ràng, đơn vị thi công đã coi thường việc phòng dịch cho cả công nhân lẫn nhân dân ở khu vực, mặc dù đây đang là điểm nóng của dịch SXH.

 Tại nghĩa trang ở Chùa Láng, nằm sát một khu trọ của người lao động ngoại tỉnh, cũng có nhiều bình hoa, lọ nước đọng nước mưa- điều kiện cho các ổ muỗi gây bệnh phát triển. Thực tế này lý giải vì sao trong số bệnh nhân SXH ở Hà Nội, chiếm tới 40% là học sinh sinh viên và lao động ngoại tỉnh.

Số người nhập viện do SXH vẫn tiếp tục tăng

Đó chỉ là ví dụ ở Hà Nội, còn theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, trên cả nước còn rất nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy và khu tập thể cũ sửa chữa, thi công … tạo nên những ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy.

Một nguyên nhân rất đáng nói nữa là sự phối hợp của người dân với ngành y tế chưa cao. Tại nhiều khu dân cư, mặc dù gia đình có người bị SXH phải nằm viện và nhân viên y tế chủ động đến phun thuốc muỗi để khống chế ổ dịch, nhưng người dân lại không cho phun vì sợ mùi độc. 

Ở Hà Nội, 20% hộ gia đình đi vắng cả ngày khiến cán bộ y tế không thể phun thuốc muỗi, chưa kể có tới 5% hộ gia đình không đồng ý cho phun hóa chất. Có tới 7% hộ gia đình nằm trong vùng dịch không ở nhà khi cán bộ y tế đến phun hóa chất.

Trong khi đó, một số nhân viên y tế không giải thích với người dân về việc độc hại hay lợi ích khi sử dụng thuốc chống muỗi. Đặc biệt, ở một số nơi nhân viên phun thuốc theo kiểu cho có, chỉ phun ở tầng 1, trong khi các tầng trên của nhà dân đều có cây cảnh, bể cá, thậm chí, có nhà còn trồng rau. Vì thế, mặc dù UBND TP Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội rất “nóng” trong chỉ đạo chống dịch, thì y tế cơ sở lại rất “nguội” và điều đó đã tác động đến hiệu quả của việc phòng dịch.

Ông Trần Đắc Phu cũng cho rằng ở một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt, dẫn đến nhiều gia đình sử dụng các thùng, bể chứa nước lớn ngoài sân, vườn mà không đậy nắp kín và thau rửa thường xuyên, tạo môi trường cho muỗi sinh sôi và gây bệnh.

 Nhiều bãi đất trống, khu nhà chưa có người ở cũng là nơi cho muỗi vằn sinh sản. Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm, hiện nay có tới 14 loại chủ yếu là ở các bể xi măng chứa nước không có nắp chiếm trên 40%, tiếp đó là các xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu, phế thải, chậu hoa cảnh…

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, một lý do để dịch SXH ở Hà Nội phức tạp là dân số đông, mật độ cao, nhiều người ngoại tỉnh đến làm ăn và sinh sống tạm bợ nên những người mắc SXH là học sinh sinh viên và lao động ngoại tỉnh chiếm nhiều. Việc diệt bọ gậy, phun hóa chất chống dịch tại các ổ dịch chưa triệt để, hiệu quả chưa cao. Khó xử lý triệt để đối với các khu đất trống không có người trông coi, khu đất xen kẹt, công trường, khu vực xây dựng chưa hoàn thiện... có nhiều dụng cụ chứa nước là nơi phát sinh tác nhân lây truyền bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian tới, SXH vẫn tiếp tục gia tăng. Thế nhưng, nếu chỉ riêng ngành y tế huy động nhân lực, vật lực để phòng chống dịch, mà không có sự hợp tác của người dân bằng sự tự phòng bệnh, vứt bỏ các dụng cụ chưa nước không cần thiết để giữ vệ sinh môi trường, thì việc khống chế dịch còn gian nan và số người mắc cũng như tử vong sẽ chưa thể dừng lại.  


Thanh Hằng

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Khoảng hai tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay đã có khoảng 200ha sầu riêng ở địa phương bị chết.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文