Kỳ tích 16 ca ghép tạng trong một tháng từ người chết não
- Ca ghép tạng "vô tiền khoáng hậu" cứu sống 5 người của nam thanh niên chết não
- Thiếu nguồn tạng là rào cản lớn nhất của việc ghép tạng
- Chuẩn bị ca ghép tạng phổi cho người lớn ở Bệnh viện Việt Đức
- Nghịch lý ghép tạng ở Việt Nam: Đa số từ người cho sống
- Lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Y tế chúc mừng 2 kíp ghép tạng “xuyên Việt” thành công
- Bài cuối: Còn nhiều thách thức cho ngành ghép tạng ở Việt Nam
- Ghép tạng cho những người "ở trọ trần gian"
- Những câu chuyện bất ngờ trong ca ghép tạng xa 2.000km
Ông T. bị bệnh gan B từ năm 2005, xơ gan đã teo khiến ông rất mệt mỏi, không đi lại được, thậm chí nói không ra tiếng. Sự sống chỉ còn tính từng ngày. Nhờ có người hiến tạng, ông đã được thay gan vào ngày 1-6-2018 và chỉ sau 3 ngày, ông đã thấy sức khỏe thay đổi rõ rệt. “Tôi phát khóc khi thấy mình đã được cứu sống và còn trở lên khỏe mạnh. Tôi cảm ơn các bác sĩ ở BV Việt Đức, nhưng tôi cũng rất biết ơn người đã hiến tạng để tôi được tái sinh” – Ông T. bày tỏ.
Chỉ trong chưa đầy 30 ngày (từ 16-5 đến 13-6), BV Việt Đức đã tiếp nhận nguồn tạng từ 4 người hiến chết não để ghép cho 16 bệnh nhân, trong đó 4 bệnh nhân suy tim, 4 bệnh nhân suy gan và 8 bệnh nhân suy thận.
“Đây cũng là một kỷ lục của BV Việt Đức trong lĩnh vực ghép tạng khi lần đầu tiên ghép nhiều tạng thành công liên tiếp. Với một đội ngũ bác sĩ có trình độ, năng lực chuyên môn và tay nghề cao, các bệnh nhân đều ổn định nhanh và hiện có 2/3 số bệnh nhân được ghép tạng đã xuất viện.” – GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức thông tin tại cuộc họp báo sáng ngày 20-6.
GS. Trần Bình Giang thông tin về kết quả 16 ca ghép. |
Trong những người được ghép tạng, có 2 quả tim đã được chuyển vào BV Trung ương Huế để ghép cho các bệnh nhân có chỉ số phù hợp với người hiến tạng, cho thấy khả năng phối hợp giữa các Trung tâm ghép tạng rất hiệu quả.
PGS. Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng của BV Việt Đức cũng cho biết, trong số 4 người ghép gan, có 3 người trong tình trạng nguy cấp khi gan đã ngừng hoạt động, suy gan giai đoạn cuối, khả năng tử vong cận kề. Sau ghép, sức khoẻ những bệnh nhân này đang hồi phục rất tốt.
Theo PGS. Nghĩa, các ca ghép trong một tháng qua đều là những thử thách với các phẫu thuật viên. Do người hiến đã chết não, nên việc ghép phải chuẩn bị trong tình huống cấp cứu nên Giám đốc BV phải cho hoãn nhiều ca mổ phiên để ưu tiên cho ghép tạng.
Theo PGS. Nghĩa, từ năm 2010 đến nay có hàng trăm bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối đã được ghép thành công. So với thế giới, tỉ lệ sống sau ghép của Việt Nam tương đương, hoặc cao hơn: Trên thế giới, những người bị xơ gan và ung thư được ghép gan thì tỉ lệ sống sau 5 năm 60%, sau 10 năm là 70%, còn ở BV Việt Đức tỉ lệ sống sau 5 năm là 78% và sau 10 là 68%.
Ghép tạng tại BV Việt Đức |
GS. Trần Bình Giang khẳng định trình độ chuyên môn của các thầy thuốc BV Việt Đức không thua các Trung tâm ghép tạng lớn của thế giới.
Thời gian phẫu thuật rút ngắn hơn trước nhiều, thời gian hồi phục sau mổ cũng nhanh, từ một tuần rút xuống còn 3-4 ngày. Do kỹ thuật ngày càng cao nên việc truyền máu trong ghép tạng cũng trở về mức như mổ thường, thậm chí có ca ghép không phải truyền máu. Đây thực sự là những kỳ tích của y học Việt Nam.
Mỗi ca ghép tạng BV phải huy động hơn 100 nhân viên với 5 bàn mổ cùng lúc. Nhưng do công tác tổ chức phối hợp giữa các lĩnh vực đều đã rất chuyên nghiệp, thời gian chuẩn bị không kéo dài và phức tạp như trước mà chất lượng vẫn đảm bảo. Nhiều trường hợp từng ghép tạng ở nước ngoài không thành công, đã phải đến BV Việt Đức để mổ ghép lại.
Theo GS. Giang, khó khăn lớn nhất trong vấn đề ghép tạng vẫn là nhận thức của người dân về hiến tạng. Tại BV Việt Đức mỗi ngày có 4-6 bệnh nhân chết não do tai nạn giao thông, nhưng mỗi năm mới có 1-2 ca hiến tạng từ người cho chết não, nên hầu hết các ca ghép tạng từ người sống. Vì thế, GS. Giang rất vui mừng khi chỉ trong gần một tháng, đã có 4 trường hợp hiến tạng. Điều này cho thấy công tác truyền thông về hiến tạng đã được làm tốt và đặc biệt là cộng đồng đã thấy được việc hiến tạng của người cho chết não là nhân văn, là sẻ chia để hồi sinh sự sống. BV Việt Đức cũng dự định tổ chức lễ tôn vinh những người hiến tạng, đặc biệt là những người chết não hiến tạng.
PGS. Nguyễn Quang Nghĩa thăm bệnh nhân ghép gan chuẩn bị ra viện |
"Với ghép thận, ghép gan, có thể lấy từ người hiến sống, nhưng chúng tôi khuyến khích ghép tạng từ người cho chết não hơn. Bởi một người chết não hiến tạng có thể cứu được nhiều người từ 2 quả thận, 2 lá gan, 2 lá phổi, 1 quả tim, 2 giác mạc, gân, cơ, mạch máu và van tim”- GS. Giang nhấn mạnh.
Giám đốc BV Việt Đức cũng khẳng định, y học đã chứng minh, khi chết não là bệnh nhân đã chết, không thể sống lại. Tại Việt Nam, quy trình đánh giá chết não rất chặt chẽ, do một hội đồng khoa học tiến hành như các nước trên thế giới. BV chỉ được lấy tạng ít nhất sau 18 tiếng khi bệnh nhân qua đời, để chắc chắn não đã chết.
Đặc biệt, GS. Trần Bình Giang kêu gọi các nhà báo cùng lên tiếng trước thông tin gần đây thường xuyên xuất hiện khiến dư luận hoang mang, là việc bắt cóc trẻ em đưa ra ngoài đồng, hay bãi đất hoang để mổ lấy tạng, rồi cho vào xô, thùng ướp đá mang đi ghép.
“Đây là sự bịa đặt hoàn toàn. Trên thực tế, việc lấy tạng đòi hỏi quy trình khoa học cực kỳ phức tạp, với yêu cầu vô trùng tuyệt đối và những điều kiện sinh, hóa, lý rất khắt khe. Việc lấy tạng đồng thời phải do những phẫu thuật viên có tay nghề cao và tạng phải được bảo quản đúng cách. Thời gian của mỗi tạng sau khi lấy rất ngắn, mà muốn ghép cho người khác, phải được làm các xét nghiệm, có các chỉ số tương đồng mới ghép được, chứ không phải tạng của mỗi người đều ghép được cho bất cứ ai.”- Giám đốc BV Việt Đức khẳng định.