Lấy thành công dị vật mảnh kim loại sắc nhọn ở vùng cổ nam thanh niên
Chiều 22-1, Cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy dị vật găm vào vùng cổ bệnh nhân Nguyễn Chánh L. (SN 2000, trú tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) do bị tai nạn lao động.
- Cần lưu tâm, tránh để trẻ em nuốt dị vật
- Bé trai thủng màng nhĩ vì dị vật pin cúc áo
- Hồi sinh nhịp đập trái tim cho bé trai bị dị vật chẹn đường thở
Trước đó, trong khi sửa chữa ô tô tại tỉnh Quảng Trị, L. không may bị một mảnh kim loại sắc nhọn găm vào vùng cổ trái của bệnh nhân, gây chảy nhiều máu nên được đưa đến một Bệnh viện ở tỉnh Quảng Trị thăm khám, sau đó được chuyển đến khoa cấp cứu, Cơ sở 2 Bệnh viện T.Ư Huế điều trị. Qua chụp CT Scan vùng cổ, siêu âm Doppler động mạch cảnh, bệnh nhân được chẩn đoán là dị vật kim loại nằm trong khối cơ ức đòn chũm trái, nằm gần bó mạch cảnh bên trái. Sau quá trình hội chẩn đa chuyên khoa và thành lập ê kíp phẫu thuật, nhận thấy đây là một trường hợp dị vật có nguy cơ tổn thương mạch máu lớn nên bệnh nhân L. được chỉ định phẫu thuật lấy dị vật.
Hình ảnh dị vật kim loại (khoanh đỏ) nằm ở vùng cổ bệnh nhân L. trước khi được phẫu thuật. |
Ca phẫu thuật được gây mê nội khí quản, phẫu thuật do các bác sĩ thuộc khoa Liên chuyên khoa Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Cơ sở 2 Bệnh viện T.Ư Huế thực hiện. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật là mảnh kim loại kích thước 8x3x2mm nằm cách động mạch cảnh chung trái 2mm và không để tổn thương đến các mạch máu lân cận. Bệnh nhân sau đó được chuyển phòng hồi sức và tiếp tục điều trị. Hiện sức khỏe bệnh nhân L. ổn định, hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống bình thường.
Sau ca phẫu thuật của các bác sĩ Cơ sở 2 Bệnh viện T.Ư Huế, mảnh kim loại được lấy ra khỏi vùng cổ bệnh nhân L.. |
ThS. BS Tống Phước Hội, Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Cơ sở 2 Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, đối với trường hợp bệnh nhân L., việc chẩn đoán dị vật kim khí vùng cổ không quá khó, tuy nhiên trong phẫu thuật đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm lấy dị vật do dị vật sắc nhọn nằm sâu gần bao cảnh, khi rút ra có thể chạm vào các mạch máu lớn gây chảy máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng bệnh nhân.
Bệnh nhân L. hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật. |
“Các trường hợp mắc dị vật vùng cổ vẫn thường xuyên xảy ra do TNGT, tai nạn lao động và sinh hoạt. Vì vậy khi bị tai nạn, nạn nhân không nên tự lấy dị vật mà tốt nhất hãy đến các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện chẩn đoán để thăm khám, đánh giá và đảm bảo lấy dị vật một cách an toàn. Ngoài ra, người lao động cần chú ý đến công tác bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn sức khỏe”, ThS. BS Tống Phước Hội cho hay.