Một năm cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam

10:36 24/01/2021
Việt Nam được coi như một điểm sáng trên bản đồ thế giới về chống dịch COVID-19, ghi dấu ấn với những ca bệnh nặng bên bờ sinh tử được cứu sống. Đến ngày 23/1/2021, Việt Nam ghi nhận 1.548 người mắc, trong đó có 35 ca tử vong. Chúng ta đã bước đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh...


Ngày 23/1, tròn 1 năm Việt Nam phát hiện 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên là 2 cha con người Trung Quốc, người cha từ Vũ Hán sang thăm con ở Việt Nam và lây cho con. Khi đó, thế giới đã có 7 quốc gia ghi nhận người mắc COVID-19 với 846 ca mắc, 25 ca tử vong. 1 năm qua, cả thế giới chao đảo với đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, khi COVID-19 đã lan ra toàn cầu với gần 100 triệu người mắc, hơn 20 triệu người tử vong. Mặc dù nằm ngay bên cạnh vùng dịch khởi phát, song 1 năm qua, cuộc chiến “chống giặc” COVID-19 tại Việt Nam đã đạt kết quả mà thế giới ngưỡng mộ, từ một quốc gia tiềm lực còn hạn chế, nhưng chúng ta đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Thành công với chiến thuật “5 phương châm, 4 nguyên tắc”

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang chao đảo với cuộc chiến chống  COVID-19, nhiều nước đã ghi kỷ lục về số người mắc và tử vong như Mỹ (có ngày trên 5.000 người tử vong); nhiều nước có hệ thống y tế hiện đại bậc nhất cũng phải khủng hoảng thiếu máy thở, thiếu nhân viên y tế, bởi số người mắc và tử vong quá tải. Trong bối cảnh đó, Việt Nam như một điểm sáng trên bản đồ thế giới về chống dịch COVID-19, ghi dấu ấn với những ca bệnh nặng bên bờ sinh tử được cứu sống. Đến ngày 23/1/2021, Việt Nam ghi nhận 1.548 người mắc, trong đó có 35 ca tử vong. Chúng ta đã bước đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Nhớ lại thời điểm ngày 23/1/2020 Việt Nam công bố 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên, ngày hôm sau (30 Tết) cuộc họp bàn về phương án ứng phó với dịch diễn ra tại Bộ Y tế dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, có mời WHO tham dự. Thời điểm đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị không hạn chế việc đi lại, giao thương, chưa nước nào có khai báo y tế bắt buộc. Nhưng Việt Nam đã đi sớm hơn một bước so với khuyến cáo của WHO, tăng cường biện pháp kiểm soát, đặc biệt là bắt buộc khai báo y tế với người tới từ Trung Quốc.

Công an TP Móng Cái kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh từ Trung Quốc về tại nơi cách ly tập trung.

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù thời điểm đó nhận định bệnh này là "lây nhiễm hạn chế" nhưng chúng ta cũng thuyết phục và áp dụng cơ chế với bệnh "lây nhiễm". Ngay từ đầu, chúng ta đã đi sớm hơn một bước và áp dụng cao hơn một bước. Và chúng ta kiên trì chiến lược đi trước này.

COVID-19 là một dịch bệnh mới, lần đầu xuất hiện, để ứng phó, ngay từ những ngày đầu tiên, Việt Nam đã có những quyết sách chiến lược, có chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ban, ngành, tới các địa phương. Có thể nói, cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi chống dịch như chống giặc, đã hiệu triệu được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp ủy đảng và đạt được một số kết quả ban đầu trong cuộc chiến thắng giặc COVID-19.

Để có được thành công bước đầu như hôm nay, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt như: Công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virrus corona gây ra là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu và đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc vào tháng 4/2020; hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về; truy vết người tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc; khoanh vùng, cách ly dập dịch…

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam là việc thực hiện kiên trì 5 phương châm (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch), 4 nguyên tắc (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong chống dịch. Chúng ta quyết định phong tỏa cách ly cả 1 xã (Sơn Lôi, Vĩnh Phúc) trong 21 ngày và đã rất thành công dập tắt ổ dịch này, không để lây nhiễm ra cộng đồng. Tiếp đó là việc cách ly tập trung trên diện rộng với thời gian 14 ngày tất cả các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam; truy vết các F1, F2 đưa đi cách ly tập trung để đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng ổ dịch Bạch Mai, Hạ Lôi, Đà Nẵng… để nhằm phát hiện ca bệnh sớm.

Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, một lần nữa Việt Nam lại thành công trong việc áp dụng các chiến thuật trên. Bộ Y tế thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng để chỉ đạo chống dịch, huy động hơn 300 giáo sư, bác sĩ, chuyên gia hàng đầu của Bộ, của các bệnh viện đầu ngành vào giúp Đà Nẵng khoanh vùng, dập dịch và điều trị bệnh nhân nặng. Có thể nói, cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam là một hình mẫu, đã được WHO và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất thế giới trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế.

Ngăn chặn dịch từ bên ngoài, đảm bảo an bình cho người dân

Một năm trôi qua, các quốc gia đang phải đối mặt với sự khốc liệt và tốc độ lây lan chóng mặt của virus SARS-CoV-2; đã có những biến thể mới, trong đó, biến thể từ Anh đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ, biến thể được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 nước và vùng lãnh thổ. Trước những biến thế mới của chủng virus SARS-CoV-2 có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương chung là hạn chế tối đa chuyến bay từ nước ngoài về để ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập, giữ cho chúng ta có một cuộc sống bình thường mới, nhân dân được đón Tết an lành.

Đây là thành quả của sự nỗ lực, sự vất vả hy sinh của rất nhiều lực lượng tuyến đầu như Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, y, bác sĩ… Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực cố gắng ngăn chặn COVID-19 từ  bên ngoài vào. Thời gian tới, việc ngăn chặn này là đặc biệt quan trọng và chúng ta càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, để dịch không xâm nhập vào cộng đồng.

Nhấn mạnh về điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong cuộc họp Ban Chỉ đạo mới đây cho biết, phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, ngoài lực lượng Biên phòng, Công an, thì toàn dân cần tham gia ngăn chặn nhập cảnh trái phép qua đường bộ, đường thủy. Gia đình nào có người thân ở nước ngoài cần tuyên truyền, khuyên người thân thực hiện các quy định của nước sở tại, nếu thực sự về nước thì về hợp pháp qua các cửa khẩu và thực hiện cách ly theo đúng quy định. Ngoài ra, người dân khi phát hiện người có dấu hiệu từ nước ngoài về cần báo ngay với Công an, y tế và chính quyền địa phương.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, một số nước đã bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19, nhưng dịch bệnh còn phức tạp. Trong thời gian ngắn, ít nhất nửa năm tới, chúng ta chưa có vaccine cho số đông người dân tiêm phòng. Hai đơn vị nghiên cứu sản xuất vaccine của Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng và dự kiến đến cuối năm 2021 mới xong. Vì vậy, mọi người dân không được chủ quan, phải cảnh giác bằng các biện phòng dịch khi đã xuất hiện các biến thể mới. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nếu chúng ta nới lỏng, dịch bệnh bùng phát, lan rộng thì hệ thống y tế của đất nước khó đáp ứng nổi và toàn bộ những nỗ lực kiểm soát dịch để phát triển kinh tế sẽ đổ bể.

Cuộc chiến phòng chống dịch chắc chắn còn kéo dài, đầy cam go ở phía trước, do vậy, để kết thúc thắng lợi, rất cần ý thức tuân thủ phòng dịch của người dân; sự cảnh giác, quyết tâm, quyết liệt của các địa phương, các lực lượng chức năng.

Cảnh báo lây lan COVID-19 từ người nhập cảnh trái phép

Ngày 23/1, UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết, ngay khi phát hiện 38 đối tượng nhập cảnh trái phép từ Malaysia, cơ quan chức năng đã đưa đi cách ly tập trung để đảm bảo phòng, chống COVID-19.

Theo thông tin ban đầu, 38 người này có hộ khẩu thường trú ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, sang Malaysia làm lao động tự do. Vừa qua, nhóm người này lên tàu đánh cá của ngư dân nhập cảnh trái phép từ Malaysia vào cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) để về quê ăn Tết. Cơ quan chức năng địa phương làm thủ tục buộc các đối tượng đi cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh. Ngoài 38 người về từ Malaysia, còn có 2 người địa phương cũng bị đưa đi cách ly tập trung do đưa phương tiện đi đón người nhập cảnh trái phép. Công an tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận điều tra, làm rõ vụ việc này.

“Tình trạng nhập cảnh trái phép bằng đường biển về có chiều hướng phức tạp. Do địa bàn có đường bờ biển dài, khó quản lý hết nên chúng tôi rất cần sự chung tay phòng, chống dịch COVID-19 từ người dân. Khi phát hiện đối tượng nghi ngờ về địa phương, người dân cần báo ngay cho chính quyền cơ sở để kịp thời xử lý”, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết.

Toàn tỉnh Cà Mau có đường bờ biển dài trên 250km với hơn 80 cửa sông thông ra biển. Hiện các cơ quan chức năng đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh trái phép vào tỉnh. Tuy nhiên, với địa bàn rộng thì vấn đề nhập cảnh trái phép bằng đường biển rất khó quản lý chặt nên rất cần ý thức tự giác chấp hành của người dân.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau cho biết, vừa đưa cách ly tập trung 6 ngư dân trở về từ vùng biển Thái Lan.

Văn Đức


Trần Hằng

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文