Nắng nóng gay gắt dễ gây sốc nhiệt cho trẻ và người cao tuổi
- CSGT phơi mình đứng chốt trong nắng nóng đỉnh điểm
- 5 mẹo giúp điều hòa vừa mát, vừa tiết kiệm điện trong ngày nắng nóng
- Bắc Bộ, Trung Bộ chìm trong nắng nóng
Ở Bệnh viện Nhi Trung ương, 2 ngày qua, số bệnh nhi đến khám và điều trị tăng từ 10-15% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận 3.200-3.500 bệnh nhi chủ yếu là bị sốt virus, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Lượng bệnh nhi ở Bệnh viện Bạch Mai cũng tăng nhẹ.
Ở Bệnh viện Xanh Pôn, số bệnh nhi cũng tăng 5-7% với nhiều trường hợp sốc nhiệt, viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Có một đặc điểm chung là các bệnh nhi phải đưa đến bệnh viện dịp này đều ở tình trạng nặng.
Nhiệt độ tăng quá cao, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi giảm nên nắng nóng gay gắt cũng khiến nhiều người cao tuổi không thích nghi được, nên đổ bệnh. Vì thế, số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Lão khoa gia tăng, chủ yếu là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da dị ứng gây ngứa và bệnh đường tiêu hóa...
Ở nhiều BV khác, lượng bệnh nhân vào khám và điều trị đều tăng khoảng 20%, chủ yếu là các bệnh viêm phổi, sốt xuất huyết, tiêu chảy. Nắng nóng kéo dài làm xuất hiện tình trạng nhiều người bị mất nước, rối loạn điện giải, say nóng, say nắng đến mức hôn mê, co giật.
Nắng nóng khiến nhiều trẻ nhập viện |
Để giữ gìn sức khỏe cho trẻ nhỏ, các thầy thuốc khuyến cáo: hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, nên các em dễ bị mắc bệnh. Đặc biệt là thời tiết nắng nóng dễ khiến trẻ bị viêm màng não, viêm não với các triệu chứng sốt cao, co giật, rối loạn nhịp thở, nhịp tim, có thể bị rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê.
Do đó khi trẻ bị sốt phải chú ý theo dõi để đưa đến cơ sở y tế kịp thời, tránh biến chứng lên não. Không nên cho trẻ ra ngoài trời vào những ngày nắng nóng, đặc biệt từ 10-16h là thời điểm nắng dữ dội nhất.
Cũng không cho trẻ vào ra phòng điều hòa liên tục, vì sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn cũng khiến cơ thể của trẻ không thích ứng kịp, dễ bị bệnh về hô hấp.
Trước diễn biến thời tiết như hiện nay, rất có thể số bệnh nhi nhập viện còn tăng. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, không nên để trẻ thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Các gia đình có sử dụng điều hòa, chỉ nên để ở nhiệt độ 27 - 28 độ, tránh để nhiệt độ quá thấp vì dễ làm cho trẻ bị cảm lạnh, thậm chí mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Cũng cần chú ý bổ sung vitamin, dưỡng chất, cung cấp đủ lượng nước cho trẻ hàng ngày; không cho các bé chơi đùa ngoài trời quá lâu.
PGS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương lo ngại nếu nắng nóng kéo dài dễ làm tăng lượng bệnh nhi nhập viện hơn, do các trường hợp bệnh nặng chuyển từ tuyến dưới lên.
Số trẻ đến BV Nhi Trung ương tăng hơn vào ngày nắng nóng |
Bác sĩ Trần Viết Lực (BV Lão khoa Trung ương) lưu ý, thời tiết nắng nóng dễ dẫn khiến người cao tuổi bị tăng huyết áp, gây tai biến mạch máu não.
Bệnh tai biến mạch máu não có thể dự phòng được nếu người cao tuổi quan tâm uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, không nên để đến khi mệt, đau đầu vì huyết áp tăng mới uống thuốc, bởi đã có nhiều trường hợp bị tai biến mới uống thuốc và không ít người đã tử vong vì huyết áp tăng vọt, không kiểm soát được.
Nhiều người đi ra nắng rất dễ bị ngất xỉu, kiệt sức, chuột rút, say nắng, say nóng và tình trạng sốc nhiệt này có thể gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác. Vì vậy mọi người hạn chế ra ngoài trời khi nắng nóng gay gắt như những ngày này. Những người lớn tuổi thường dễ bị sốc nhiệt khi ở ngoài trời lâu, như mùa hè năm ngoái đã có nhiều trường hợp phải cấp cứu tại các bệnh viện.
Người lớn tuổi phải đặc biệt theo dõi huyết áp thường xuyên, nhất là phải uống nước đầy đủ, tránh để mất nước, gây rối loạn điện giải, tụt huyết áp, làm những bệnh tiềm ẩn như huyết áp, rối loạn tim mạch thêm nặng và dễ tử vong.
Nhớ bổ sung nước cho người cao tuổi vì người già dù cơ thể thiếu nước nhưng ít có cảm giác khát nước. Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính càng phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ là uống thuốc đầy đủ khi thời tiết quá nóng như hiện nay.