Ngày đầu tiên tăng viện phí ở bệnh viện: Chưa có tác động gì
- Tăng viện phí từ 1-3: Những kỹ thuật nào chưa được bảo hiểm y tế thanh toán?
- Tăng viện phí không ảnh hưởng đến người nghèo và đối tượng chính sách
Mặc dù các bệnh nhân sẽ có các mức chi trả khác nhau, nhưng hầu như người bệnh chưa cảm nhận được sự tác động từ chính sách mới này. Có chăng, các BV là nơi thực thi mới là đối tượng chịu nhiều tác động, tuy nhiên, phản ứng của các BV là khác nhau. Và các BV tuyến Trung ương đã tự chủ về tài chính được quan tâm hơn cả, vì mức viện phí tăng sẽ là 50% chứ không phải 30% như các BV hưởng ngân sách.
Nỗi lo về việc các BV sẽ bị “treo” chi phí cho bệnh nhân vì chưa được BHYT thanh toán, do danh mục kỹ thuật giữa Thông tư 37 và Thông tư 43 chưa hoàn toàn thống nhất không có ở BV Bạch Mai. Bởi là một trong các đơn vị tư vấn cho Bộ Y tế xây dựng Thông tư 37, nên BV đã chủ động xây dựng một bộ “Danh mục giá dịch vụ kỹ thuật y tế” rất chi tiết, làm cơ sở cho việc thanh toán BHYT. Trong bộ danh mục này, có tên từng dịch vụ theo Thông tư 37, giá áp dụng cho bệnh nhân có BHYT và giá áp dụng cho bệnh nhân không có BHYT vv… Với bộ danh mục này, BV Bạch Mai hoàn toàn chủ động trong việc triển khai tăng viện phí theo Thông tư 37, cũng như việc áp dụng nhiều mức giá từ ngày 1-3, vốn đang khiến nhiều BV gặp lúng túng. Rõ ràng, sự sáng tạo và chuẩn bị chu đáo của BV Bạch Mai là một kinh nghiệm tốt, thay vì trông chờ và kêu ca.
Tại cuộc họp báo về vấn đề này chiều 1-3, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, nguyên tắc triển khai giá viện phí mới của BV là không ảnh hưởng đến người bệnh, không xáo trộn về công tác khám, chữa bệnh (KCB). Có những kỹ thuật chưa trùng nhau giữa Thông tư 43 và Thông tư 37 sẽ phải làm lại, còn những kỹ thuật tương đồng vẫn được thanh toán BHYT bình thường.
TS. Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp -BV Bạch Mai cho biết thêm, trước khi tăng giá, Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn, còn Vụ Kế hoạch –Tài chính (Bộ Y tế) cũng đã lập phần mềm cho việc này, nên công tác chuẩn bị của BV diễn ra suôn sẻ, chỉ có một chút trục trặc về phần mềm công nghệ thông tin nhưng được giải quyết kịp thời và ngày 1-3, BV triển khai song song 2 phần mềm theo giá cũ và giá mới. Mặc dù là một trong 9 BV tăng viện phí mức 50%, nhưng không có xáo trộn gì cho người bệnh. Vì hiện người bệnh không có BHYT vẫn được thanh toán theo mức giá cũ, còn người có BHYT được hưởng mức giá mới nhưng lại do BHYT thanh toán, chứ không phải bỏ tiền túi ra. Mà là BV tuyến cuối, nên số người có BHYT ở BV Bạch Mai chiếm đa số, khoảng 80%.
TS. Dương Đức Hùng cũng khẳng định, dù tăng viện phí hay không thì BV vẫn luôn chủ trương tăng chất lượng KCB, với việc không để nằm ghép, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân bằng cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán thẻ tín dụng điện tử, khép kín từ việc khám, chẩn đoán, cho đơn trong ngày, không để người bệnh chờ đến hôm sau, vì BV hiểu rằng, thời gian chờ đợi lâu là nguy cơ gây nên bức xúc. Bên cạnh đó, là BV tuyến cuối nên càng không được phép từ chối bệnh nhân, nhưng cũng không để quá tải, BV đã chủ động tổ chức tốt công tác chỉ đạo tuyến để giảm tỉ lệ chuyển tuyến, đồng thời, chuyển giao kỹ thuật cho hệ thống BV vệ tinh hiệu quả, để chuyển những bệnh nhân nặng đã qua thời điểm nguy kịch về chăm sóc.
Ở BV Việt Đức, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho hay, ngày đầu tiên triển khai tăng viện phí cũng chưa có phát sinh gì, do hầu hết bệnh nhân mổ đều vào trước 1-3, chỉ có bệnh nhân cấp cứu vào ngày 1-3 nên cũng chưa thanh toán. Về danh mục kỹ thuật của Thông tư 37 chưa tương đồng với danh mục của Thông tư 43, bà Nguyễn Thị Bích Hường bày tỏ quan điểm: Trước, các phẫu thuật thủ thuật xây dựng theo hình thức gom nhóm, còn nay, không gom nhóm mà đi theo chi tiết. Vấn đề là Bộ Y tế cần xây dựng làm sao để áp đủ tất cả các giá đó. Cách thức của Thông tư 37 làm những cái chính, sau đó phải phiên tương đương để các BV áp dụng, tức là các dịch vụ giống nhau và tương đương giá. Việc này trong tháng 3 phải hoàn thành.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, khó khăn nhất với các BV trong những ngày đầu triển khai mức giá viện phí mới là làm đồng loạt nhiều mức giá, khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, nên các BV phải làm sao để tính và thu chính xác, không nhầm lẫn: bệnh nhân không BHYT vẫn tính giá cũ; bệnh nhân BHYT vào viện trước 1-3 cũng theo giá cũ, còn vào viện sau 1-3 thì tính theo giá mới.
Về tác động của việc tăng giá với người bệnh, bà Nguyễn Thị Bích Hường cho rằng, người bệnh BHYT được hưởng nhiều hơn là tác động, vì chất lượng KCB cao hơn. Chi phí trước đây do cơ cấu giá không đủ nên người bệnh phải bỏ tiền túi ra nhiều, nay dịch vụ BHYT có đủ, nên người bệnh không phải bỏ tiền.
Là người trong cuộc, bà Nguyễn Thị Bích Hường cũng cho rằng, việc nâng giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ làm thay đổi quan điểm, định hướng, cách nhìn nhận của các BV với các dịch vụ y tế. Trước, các BV tuyến dưới dù rất vắng bệnh nhân vẫn được cấp kinh phí theo giường bệnh. Còn nay, khi viện phí tính đủ, ngân sách không cấp nữa, BV phải thu từ phí dịch vụ do người bệnh chi trả, đòi hỏi BV phải nâng cao chất lượng để có người bệnh. Như vậy chính sách này là động lực để các BV phải phấn đấu và cạnh tranh, kể cả BV đã có chất lượng cao như Việt Đức. Hơn nữa, khi cơ cấu giá thu đủ chi phí thì BV sẽ có tiền để trang bị máy móc, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Mặt khác, khi bắt buộc phải nâng cao chất lượng KCB, đội ngũ y, bác sĩ cũng phải nâng cao tay nghề, phong cách phục vụ, giao tiếp ứng xử … để có bệnh nhân. Khi có thu nhập ổn định từ BV, nhân viên y tế sẽ chú tâm vào công việc của BV, không phải lo lắng làm các việc khác và sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng KCB.
Chưa có tác động gì với người bệnh và BV trong ngày đầu triển khai tăng viện phí (ảnh chụp chiều 1-3, tại Khoa Khám bệnh - BV Bạch Mai). |