Được cứu sống khi phẫu thuật 3 van tim cùng lúc
- Hạ thân nhiệt, cứu sống bệnh nhân bị điện giật ngưng tim
- Huy động 20 bác sỹ cứu sống bệnh nhân bị xe container cán qua người
- Bác sỹ bị ngưng tim 90 phút được cứu sống
- Phẫu thuật xuyên đêm cứu sống bệnh nhân u tim nguy kịch
Ngày 9/11, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết, các BS của BV vừa phẫu thuật thành công cùng lúc 3 van tim, 3 cầu nối mạch vành trên bệnh nhân bị tim mạch – hô hấp cực nặng.
Theo đó, bệnh nhân Huỳnh Văn T. (SN 1954, ngụ Vĩnh Long), 2 lần nhập viện trong tình trạng đau ngực trái, mệt, khó thở phải ngồi, tràn dịch đa màng. Bệnh nhân hút thuốc lá nhiều năm, bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Các BS đang phẫu thuật cho bệnh nhân T. |
Chẩn đoán xác định, bệnh nhân hẹp hở nặng van động mạch chủ, hở nặng van 2 lá, hở trung bình van 3 lá; tăng áp lực động mạch phổi nặng; suy tim độ III; hẹp nặng ba nhánh động mạch vành.
Do tình trạng rất nặng chưa cho phép phẫu thuật nên bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực trước mổ. Khi tình trạng tim mạch ổn định sẽ xem xét chỉ định phẫu thuật. Hội chẩn phẫu thuật bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cầu nối chủ - vành (3 cầu) kết hợp can thiệp 3 van tim (sửa van 2 lá, thay van động mạch chủ, sửa van 3 lá ).
Ê kíp BSCK2 Lâm Việt Triều (Trưởng Khoa phẫu thuật tim); Ths-BS Nguyễn Công Cửu; BSCK1 Nguyễn Văn Vĩnh cùng với sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật cho bệnh nhân.
BS thăm khám cho bệnh nhân T. sau phẫu thuật. |
Các BS tiền hành cầu nối chủ - vành (3 cầu) vào các động mạch vành quan trọng với vật liệu làm cầu nối là động mạch ngực trong hai bên và tĩnh mạch hiển. Sau đó các BS tiến hành đồng thời sửa van 2 lá bằng vòng van cứng, thay van động mạch chủ cơ học, sửa van 3 lá Devega.
Đặc biệt, để rút ngắn thời gian ngừng tim, toàn bộ giai đoạn phẫu thuật cầu nối mạch vành được thực hiện dưới sự hỗ trợ của máy tuần hoàn ngoài cơ thể và không ngừng tim. Chỉ ngừng tim ở giai đoạn can thiệp trên các van tim. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi hồi sức sau mổ tim.
Ngày hậu phẫu thứ 2 ghi nhận có tình trạng tràn khí màng phổi trái, tràn khí trung thất và tràn khí dưới da nhiều do vỡ kén khí phổi trái (hậu quả của hút thuốc lá và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhiều năm) và được đặt dẫn lưu màng phổi hai bên, hút áp lực âm liên tục, tập thở, tập vật lý trị liệu tích cực. Chỗ vỡ bóng khí dần bít lại, rút dẫn lưu màng phổi sau 7 ngày.
Giai đoạn hồi sức đặc biệt quan trọng quyết định sự hồi phục của bệnh nhân sau cuộc đại phẫu. BS, điều dưỡng luôn theo dõi sát thông qua các phương tiện theo dõi hiện đại và các trang thiết bị chuyên sâu.
Hiện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, phổi thông khí rõ, vết mổ khô, không còn tràn khí dưới da, các chỉ số xét nghiệm ổn định; dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Khoa Phẫu thuật tim và Phòng Công tác xã hội BVĐKTƯCT vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần chi phí điều trị.
BSCK2 Lâm Việt Triều, cho biết: “Thông thường chỉ mổ tim bắc cầu mạch vành, hoặc phẫu thuật van tim. Tuy nhiên, trường hợp này bị đồng thời cả 2 vấn đề. Có thể nói ca phẫu thuật vô cùng phức tạp khi phải tiến hành phẫu thuật 3 van, vừa phải bắc 3 cầu mạch vành trong cùng một thời điểm. Vì vậy, vấn đề hồi sức sau mổ sẽ nặng nề, khó khăn hơn những ca phẫu thuật khác”.
Được biết, đây là một trong những trường hợp phẫu thuật tim rất phức tạp được BVĐKTƯCT thực hiện thành công với kỹ thuật tiệm cận các trung tâm phẫu thuật tim trong nước và thế giới (thực hiện cùng lúc nhiều kỹ thuật phẫu thuật tim phức tạp, tiên lượng hồi sức khó khăn do bệnh nhân suy tim nặng, lớn tuổi và có bệnh phổi mãn tính đi kèm).