Người dân phải có trách nhiệm phòng dịch và khai báo y tế

08:37 09/08/2020
Đợt dịch thứ hai của COVID-19 đã lan ra 12 tỉnh, thành trên cả nước, dự báo trong những ngày tới Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh mới trong cộng đồng ở nhiều địa phương. Virus SARS-CoV-2 giai đoạn hai lây lan rộng hơn đợt dịch trước, số ca nhiễm mới tăng nhanh, Việt Nam đã ghi nhận ca tử vong thứ 10.

Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 thường xuyên có các chỉ đạo kịp thời, quyết liệt theo từng diễn biến mới của dịch, đảm bảo mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia y tế dự phòng - PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, sự trở lại dịch COVID-19 lần này có bất ngờ hay đã nằm trong dự liệu của chúng ta?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch bùng phát trở lại và khởi nguồn ca đầu tiên tại TP Đà Nẵng không phải là điều bất ngờ, mà nằm trong dự liệu của chúng tôi. Bởi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới còn rất phức tạp, diễn biến đáng lo ngại, một số khu vực trên thế giới xuất hiện các đợt bùng phát dịch thứ hai, thứ ba. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn là nước có số ca mắc cao.

Sau giãn cách xã hội, toàn quốc đã thành công dập dịch COVID-19 trước, chúng ta bước vào thời kỳ bình thường mới, nới lỏng để làm kinh tế và làm du lịch. Tuy nhiên, dù Chính phủ, các ngành, Bộ Y tế có quy định rất rõ ràng về bình thường mới, nhưng một số nơi kể cả chính quyền và người dân chưa thực hiện tốt những quy định đó.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

PV: Ổ dịch Đà Nẵng đến nay rất phức tạp, ngoài các chùm ca bệnh trong bệnh viện thì còn xuất hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây. Ông đánh giá thế nào về ổ dịch Đà Nẵng nói riêng và diễn biến dịch hiện nay nói chung?

PGS.TS Trần Đắc Phu: So với lần trước, tình hình dịch bệnh giai đoạn này có diễn biến phức tạp hơn, mức độ phát tán rộng hơn. Ổ dịch ở Đà Nẵng đã xuất hiện sau 99 ngày chúng ta kiểm soát không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Ở đây có 2 điều đáng lo ngại, thứ nhất là ổ dịch lần này được phát hiện ở trong bệnh viện. Như vậy, chắc chắn ngoài cộng đồng đã có ca bệnh và lây nhiễm vào trong cơ sở y tế chỉ là chùm ca bệnh mà chúng ta phát hiện được, trong đó có cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Việc lây nhiễm COVID-19 cho bệnh nhân, những người vốn có sẵn các bệnh nền, dễ dẫn đến tử vong. Và đến nay chúng ta đã ghi nhận 10 ca tử vong đều là những bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền như suy thận mạn tính, chạy thận nhiều năm, bệnh nhân ung thư…

Hơn nữa, việc lây nhiễm COVID-19 trong bệnh viện tạo thành ổ dịch cũng là nguồn lây rất nhanh và rộng. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có nhiều F1 dương tính. Việc truy vết F0 ở Đà Nẵng là rất khó, không chừng F0 đã khỏi bệnh. Ca bệnh phát hiện đầu tiên chưa chắc đã là F1 và có thể ca này là F bao nhiêu rồi. Truy tìm được F0 là tốt, nhưng quan trọng lúc này là phải tìm ổ dịch mới, tìm những người tiếp xúc liên quan tới những ổ dịch này.

Bộ Y tế đã cử đoàn chuyên gia dịch tễ hàng đầu tới Đà Nẵng, với việc khoanh vùng, truy vết như hiện nay, việc dập ổ dịch trong bệnh viện hoàn toàn có thể kiểm soát. Nhưng, điều đáng ngại nhất là lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt khi Đà Nẵng là điểm du lịch lớn với hàng chục nghìn du khách đến và đi khắp nơi mỗi ngày trong suốt thời gian qua. Cụ thể, khách du lịch tới Đà Nẵng về các tỉnh đã nhiễm COVID-19 như Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang… nhưng lại không có mối liên hệ với 3 bệnh viện. Ngoài ra, người dân ở một số tỉnh đi thăm/chăm bệnh nhân tại ổ dịch 3 bệnh viện ở Đà Nẵng khi trở về đã nhiễm COVID-19. Nếu người dân không có ý thức khai báo, cách ly thì dịch bệnh dễ bùng phát.

Theo dự báo, thời gian tới sẽ còn tiếp tục có các ca nhiễm COVID-19 lây trong cộng đồng xuất hiện ở các tỉnh, thành khác ngoài Đà Nẵng. Thời gian ủ bệnh của bệnh là 14 ngày nên đã có thể có những người đã nhiễm mà bệnh chưa khởi phát, chưa kể người dân không phòng bệnh nhưng sẽ lây lan. Vì vậy, Hà Nội đã quyết định xét nghiệm PCR cho người từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7, thay vì trước đó đã xét nghiệm hơn 72 nghìn test nhanh.

PV: Nhiều địa phương đã có ca lây nhiễm COVID-19 từ Đà Nẵng về và tiếp tục phát hiện thêm ca mới. Làm thế nào để kiểm soát được dịch trong thời điểm này, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Từ ổ dịch Đà Nẵng, chúng ta rất lo ngại lây nhiễm theo vết dầu loang. Tuy nhiên, với việc lây ra các tỉnh, thành phố khác thì chống dịch phải phù hợp theo từng địa phương và bối cảnh. Các địa phương phải tăng cường phát hiện. Điều này còn phụ thuộc vào đáp ứng của các tỉnh. Khi phát hiện phải khoanh vùng, bao vây từng ổ dịch để dập tắt ngay theo “dịch đến đâu dập đến đấy để nó không bùng cháy”. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tùy hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương áp dụng Chỉ thị 19 hoặc Chỉ thị 16 một cách kịp thời với các ổ dịch đã được phát hiện. Từng địa phương đều có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu chống dịch.

Đối với người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện các hướng dẫn phòng bệnh COVID-19 của ngành Y tế, tránh tập trung đông người, cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch diệt khuẩn, thực hiện giãn cách… Những nơi có dịch bệnh không tổ chức các lễ hội lớn, kể cả vận động không tổ chức đám tang, đám cưới đông người...

PV: Vừa qua, có tình trạng người đi từ Đà Nẵng về không khai báo y tế, không thực hiện cách ly, đây là nguồn nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn. Theo ông, chúng ta phải xử lý thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Các địa phương cần nghiêm túc tuân thủ theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu người dân đã đến Đà Nẵng và trở về địa phương từ ngày 8-7 thực hiện khai báo điện tử, tự theo dõi sức khỏe và nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở phải đến cơ sở y tế ngay để được xét nghiệm và tư vấn phòng bệnh và điều trị. Những người đã đến vùng dịch tại Đà Nẵng phải tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày và được lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra. Đồng thời, chúng ta cũng phải tăng cường lấy mẫu những người có dấu hiệu sốt, viêm phổi. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng, khi phát hiện ở đâu thì phải khoanh vùng, dập dịch ngay.

Người dân phải có trách nhiệm phòng dịch và khai báo y tế. Trách nhiệm và ý thức của người dân là vô cùng quan trọng. Nếu người dân che giấu, không khai báo thì cơ quan chức năng và ngành Y tế không thể biết được. Chỉ cần một người nhiễm thì có thể thành ổ dịch và ổ dịch đó còn lây lan ra người khác. Giải quyết một ổ dịch tốn kém rất nhiều về con người, tiền bạc… Chính sự trung thực, trách nhiệm của mỗi người dân sẽ góp phần kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Chúng ta cũng ra quy định, những trường hợp ho, sốt khi đến mua thuốc thì nhà thuốc phải nhắc nhở họ khai báo y tế; ghi lại thông tin của người đến mua thuốc. Điều này hy vọng vào tính tự giác của người dân và tự giác của hiệu thuốc. Qua đây cũng muốn nâng cao tính tự giác của khách hàng và đặc biệt là trách nhiệm của người bán hàng.

PV: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh lần này, chúng ta cần làm gì để vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, thưa ông? Liệu có một cuộc giãn cách xã hội trên toàn quốc nữa không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Áp lực chống dịch lần này lớn hơn lần trước nhiều vì chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Ngay từ ca nhiễm đầu tiên, Chính phủ chỉ đạo liên tục, Ban Chỉ đạo Quốc gia họp thường xuyên để quyết sách kịp thời. Bộ Y tế đã tung một lực lượng đông và mạnh nhất chưa từng có vào Đà Nẵng để dập dịch. Bên cạnh việc tập trung dập dịch trong cụm 3 bệnh viện, Bộ Y tế cũng đặt trọng tâm trong việc phòng, chống các ca bệnh trong cộng đồng. Bộ Y tế đã sử dụng tất cả các phương án nâng cao năng lực xét nghiệm, tốc độ tăng gấp 3 lần so với hồi tháng 4. Đồng thời cũng đưa ra 2 nhóm nguy cơ lớn nhất, hiện hữu nhất là nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở cụm 3 bệnh viện và nhóm người đi từ Đà Nẵng về nhưng không có mối liên hệ với 3 bệnh viện. Đánh giá như vậy để triển khai đồng loạt các biện pháp quyết liệt, truy vết và cách ly tập trung các ca F1.

Theo tôi, đến thời điểm này, công tác chống dịch không còn chỉ là Đà Nẵng mà tất cả các địa phương phải vào cuộc. Nguy cơ dịch bệnh đang thường trực ở tất cả các tỉnh, thành phố. Do vậy, các tỉnh, thành phải thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế về theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng theo đúng quy định. Ban Chỉ đạo đã họp và sẽ đề nghị Thủ tướng xử lý nghiêm các địa phương để xảy ra vi phạm.

Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm túc kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn vệ sinh dịch tễ, phân tuyến, phân luồng người đến khám, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng không có các biện pháp phòng hộ cho người đến khám và nhân viên y tế.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, căn cứ vào tình hình dịch của từng địa phương, chúng ta sẽ có đáp ứng một cách linh hoạt và không để xảy ra hệ lụy không đáng có, ảnh hưởng đến kinh tế và an sinh xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!

Trần Hằng (Thực hiện)

Tại bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn giai đoạn 1, Hội đồng xét xử TAND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp nộp hàng ngàn tỷ đồng về Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong toàn bộ vụ án.

Tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Sơn La, chiều 13/5, Đoàn Công tác của Bộ Công an do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã thăm, làm việc với Công an tỉnh về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, công tác bảo đảm ANTT.

Phần mềm phòng chống lừa đảo cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Hiệp hội an ninh mạng quốc gia đặt kế hoạch hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây là dự án mang tính cộng đồng, phi lợi nhuận, không sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí được huy động từ nguồn tài trợ xã hội.

Ngày 13/5, Viện KSND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã ra cáo trạng truy tố bị can Lê Dương (SN 1991) Phó giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi về tội “Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, đồng thời truy tố tài xế Hoàng Văn Tính (SN 1986) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”…

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa chủ trì, phối hợp cục nghiệp vụ Bộ Công an, phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương phá chuyên án, bắt giữ 21 đối tượng sử dụng công nghệ cao để đánh bạc bằng hình thức đánh lô, đề.

Ngày 13/5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin vừa có văn bản khẩn yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập, các trung tâm y tế và phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, cung cấp thông tin về lịch khám chữa bệnh (nếu có) của 3 người trong vụ án hình sự loạn luân ở Tịnh thất Bồng Lai - Long An.

Phát hiện cháu N đã rời khỏi điểm trông giữ trẻ, 2 cô giáo đã trình báo với chính quyền địa phương. Theo người dân địa phương, một số người nhìn thấy cháu bé này đi về hướng biển ở khu vực tổ dân phố Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文