Nguy cơ bùng phát bệnh thủy đậu vào thời gian tới
Đây là điều đáng lo ngại bởi hiện chưa phải là mùa của bệnh này, hơn nữa, đã có nhiều trẻ bị biến chứng. Vì thế, các nhà chuyên môn dự báo, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, nguy cơ bệnh sẽ bùng phát vào thời gian tới (từ tháng 3 - tháng 5 là mùa thủy đậu), là điều có thể xảy ra. Trước tình hình này, ngày 11/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo với người dân, để phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter gây ra (bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Bệnh thủy đậu biến chứng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. |
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chú ý tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi và hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày, từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Để bệnh nhân nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho người bệnh bằng nước ấm, đồng thời, vệ sinh mũi họng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Trẻ bị bệnh cần được cắt móng tay và giữ móng tay trẻ sạch, nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
Cho bệnh nhân ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Vệ sinh phòng ở của người bệnh hằng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B 2% sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Thêm nhiều cảnh báo về dịch sởi Ngày 11/2, Bộ Y tế đã thông báo đến các cơ sở y tế và Sở Y tế các địa phương về tình hình bệnh sởi hiện đang diễn biến phức tạp, khi từ đầu năm 2015 đến nay cả nước đã có 123 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 25 tỉnh, thành phố, trong đó 35 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Để kiểm soát bệnh dịch, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm sởi tại các bệnh viện, không để tái diễn dịch sởi lan rộng như năm 2014, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện chỉ đạo tốt việc sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ/mắc sởi ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu; phân công điều dưỡng có kinh nghiệm tiếp đón, sàng lọc người bệnh ngay tại nơi tiếp đón, phát hiện những trường hợp nghi mắc sởi để hướng dẫn ngay vào buồng khám sởi tại Khoa Khám bệnh. Thanh Hằng |