Nhiều cơ sở làm đẹp hoạt động sai quy định

08:37 18/09/2017
Tính đến thời điểm hiện nay, mặc dù chỉ mới có 3 cơ sở và 1 bệnh viện được cấp giấy phép phẫu thuật thẩm mỹ, song trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) có trên 30 cơ sở trưng biển, tổ chức các hoạt động làm đẹp, can thiệp vào cơ thể người để làm đẹp.

Nhan nhản thẩm mỹ viện “chui”

Nắm bắt xu thế làm đẹp của giới trẻ và một bộ phận quý bà, quý cô có nhu cầu chỉnh sửa nhan sắc, gần đây trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) nở rộ nhiều trung tâm chăm sóc sắc đẹp. Những cơ sở này không ngần ngại lập cả trang web, tài khoản Facebook để quảng bá rầm rộ, bất luận trên thực tế không hề có giấy phép hoạt động của Sở Y tế.

Qua tìm hiểu tại các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP Vinh, chúng tôi nhận thấy các chủ cơ sở này đều cho rằng họ không có các hoạt động liên quan đến sử dụng dao kéo nên không cần giấy phép của Sở Y tế, mà chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là có thể hoạt động.

Đơn cử, tại cơ sở thẩm mỹ viện H.X trên đường Đinh Công Tráng (TP Vinh), chúng tôi được nhân viên tư vấn về các gói phẫu thuật nâng mũi, tiêm môi tạo môi trái tim, tiêm hạ gò má... với giá từ 20-40 triệu đồng tùy từng gói. Tương tự, cơ sở thẩm mỹ Y.L trên đường Phan Chu Trinh, tự quảng bá là một trong những địa chỉ làm đẹp nổi tiếng và uy tín của thành phố Vinh, với các gói dịch vụ về làm trắng, trẻ hoá, tẩy lông, nâng mũi, độn cằm bằng chất làm đầy Filler...

Tiếp cận cơ sở này, nhân viên cho biết, mặc dù bà chủ mới chuyển sang nghề này chưa lâu (trước đây kinh doanh thời trang), song rất an tâm về chuyên môn khi hợp đồng thường xuyên với bác sỹ da liễu chuyên khoa thẩm mỹ có tiếng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hằng tuần đều có lịch làm việc tại đây nên tạo được uy tín.

Một cơ sở thẩm mỹ viện nằm dưới trạm biến áp, cạnh ngã tư đèn đỏ ở TP Vinh.

Khi chúng tôi đề cập đến giấy phép hoạt động, cũng như nhiều cơ sở khác, đại diện thẩm mỹ Y.L cho rằng không cần giấy phép của Sở Y tế, chỉ cần giấy phép đăng ký kinh doanh là được, vì các gói làm đẹp mà cơ sở này đang triển khai gần như không phải sử dụng đến dao kéo.

Bà Hồ Thị Hoa, Phó phòng Y tế TP Vinh cho biết, trên địa bàn TP Vinh hiện nay có gần 30 cơ sở trưng biển hiệu là thẩm mỹ viện, tuy nhiên trên thực tế chỉ mới có 3 cơ sở và 1 bệnh viện là được Sở Y tế cấp phép hoạt động, có đủ điều kiện để thực hiện các tiểu phẫu và các xâm lấn cơ thể không gây mê. Các cơ sở còn lại chưa được cấp phép.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, những cơ sở, phòng khám có bác sĩ phẫu thuật rất ít, những cơ sở trưng biển quảng cáo ghi là thẩm mỹ viện, song tại thời điểm kiểm tra không có các hoạt động có sự can thiệp của dao kéo nên rất khó để xử lý. Trước đây, với vai trò quản lý nhà nước, Phòng Y tế TP Vinh đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm trong các lĩnh vực hoạt động, song từ ngày 1-7-2016, Nghị định 109/2016/NĐ/CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề y và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh có hiệu lực thì việc kiểm tra, xử phạt gặp khó khăn hơn.

Theo đó, trước đây theo quy định cũ là các cơ sở thẩm mỹ không được phun xăm, nhưng Nghị định 109 đã cho phép được phép phun, xăm, thêu nghệ thuật. Theo Nghị định này, các cơ sở thẩm mỹ sẽ được phép gây tê, ủ tê bề mặt (chứ không được dùng kim) để làm đẹp.

Bên trong một thẩm mỹ viện.

Buông lỏng quản lý?

Điều 37 của Nghị định quy định rõ, người hành nghề phun xăm thẩm mỹ phải được tập huấn và có giấy chứng nhận phòng chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, sinh học, nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân và khách hàng. Cơ sở làm đẹp được phép phun xăm nếu đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị và nhân sự phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo hợp pháp, đồng thời phải có giấy phép hoạt động kinh doanh.

Quy định là vậy, song theo bà Hồ Thị Hoa thì qua kiểm tra, phần lớn chưa có giấy phép kinh doanh và nhân sự tham gia hoạt động trong lĩnh vực này cũng rất ít người có chứng chỉ đào tạo hợp pháp, đặc biệt là chứng nhận phòng chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu hầu như chưa có cơ sở nào có.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Thanh Hà, Chánh Văn phòng UBND TP Vinh cho rằng, bất cập hiện nay là việc cấp phép hoạt động thuộc thẩm quyền của Sở Y tế, nhưng việc giám sát, kiểm tra lại giao cho TP Vinh nên công tác quản lý luôn gặp khó khăn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên cũng đã rất nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc với Sở Y tế Nghệ An, song không nhận được sự hợp tác. 

Trở lại với vấn đề quản lý hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ viện, theo quy định tại Điều 29 - Nghị định 176/2013/NĐ- CP ngày 14-11-2013 về xử phạt hành chính với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, việc thực hiện các dịch vụ y tế ngoài giấy phép sẽ bị phạt hành chính từ 50 - 70 triệu đồng. Để phạt được mức tiền này, khi kiểm tra phải “bắt quả tang” cơ sở đang sử dụng kim tiêm, thực hiện các tiểu phẫu, đại phẫu có sự can thiệp của dao kéo thì mới đủ điều kiện ra quyết định xử phạt. Trên thực tế, rất khó để làm được điều này khi những cơ sở này có rất nhiều chiêu trò để đối phó, lách luật.

Ngoài ra, theo chỉ thị của UBND tỉnh Nghệ An thì các đoàn kiểm tra liên ngành cũng không được kiểm tra quá một lần về cùng một nội dung tại doanh nghiệp. Đồng nghĩa với việc, mỗi năm nếu muốn kiểm tra hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ này cũng chỉ được kiểm tra một lần, nếu không có các sự cố liên quan xảy ra.

Thiên Thảo

Theo một số nguồn tin quân sự, kể từ tuần trước, các lực lượng Nga đã tăng gấp đôi cường độ tấn công của họ trên một số mặt trận, trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và thời gian tới có khả năng sẽ diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình. Đặc biệt, việc Nga nối lại các hoạt động quân sự ở Zaporizhzhia từ đầu tháng 10 cho thấy khả năng Moscow sẽ mở đợt tấn công lớn nhằm vào khu vực này.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo về kế hoạch kiểm toán năm 2025 gửi tới Quốc hội. Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024). 

Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Công an xã tại Hà Tĩnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng, trong đó phổ biến vẫn là chiêu thức mạo danh người có công quyền đề nghị chuyển tiền qua tài khoản.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文