Nhiều nữ học sinh bỗng dưng mắc bệnh “lạ”
Sự việc trên bắt đầu xảy ra từ ngày 11-12. Cô Nguyễn Thị Nhung (giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1) cho biết, trong lúc cô đang giảng bài thì em Thào Thị Chúa (12 tuổi) ngồi học trong lớp bỗng nhiên lên cơn nói nhảm, la hét, mặt tím tái không làm chủ được bản thân.
“Chúa là một học sinh ngoan hiền, ít nói nhưng hôm đó em ấy bỗng nhiên la hét, nói nhảm rồi đòi bỏ chạy ra ngoài khiến cả lớp học ai cũng hoảng sợ. Trước vụ việc trên, nhà trường đã báo cho gia đình đưa em về. Tuy nhiên, vài ngày sau đó tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra”, cô Nhung cho hay.
Em Thào Thị Chúa thường có những biểu hiện lạ trong khi tiếp xúc với phóng viên. |
Cũng theo cô Nhung, không chỉ riêng em Chúa mà vài ngày sau đó, tại 2 điểm trường Ea Lang và Ea Uôl của Trường Tiểu học Cư Pui 2 đã có thêm 5 học sinh nữ khác: Sình Thị Chai, Sính Thị Hờ (cùng học lớp 5A1), Mua Thị Sò (lớp 4A3), Sính Thị Pà (lớp 3A1) và Sùng Thị Dùa (lớp 2A2) cũng mắc chứng bệnh “lạ” tương tự.
Các thầy cô trong trường cho hay, trong 3 học sinh của lớp 5A1 có những biểu hiện “bất thường” thì em Chúa là người bị nặng nhất. Riêng hai em Sình Thị Chai và Sính Thị Hờ chỉ nói nhảm, hành động theo sự chỉ đạo của em Chúa. “Nhiều hôm đang ngồi học thì cả 3 em đều có hành động tương tự như hất tung sách vở, cùng nhảy vào đánh bạn trong lớp mà không cần có nguyên nhân. Vụ việc diễn ra đã khiến học sinh trong trường hết sức lo lắng”, một giáo viên tâm sự.
Ban giám hiệu Trường Tiểu học Cư Pui 2 đã báo cáo cho Phòng Giáo dục huyện Krông Bông cũng như Trạm Y tế xã và chính quyền địa phương có hướng xử lý kịp thời.
Để tìm hiểu thực hư, chiều 20-12, chúng tôi đến nhà em Thào Thị Chúa đang trong căn nhà gỗ tuềnh toàng. Anh Thào Mí Dính (bố em Chúa) cho biết, hơn một tuần qua, Chúa thường xuyên có những biểu hiện “lạ” như nói nhảm, ngồi co ro một mình. Mỗi khi có ai hỏi em lại nổi nóng, chửi bới rồi bỏ đi.
Nằm cách nhà của em Chúa không xa, gia đình anh Sính Vạn Chơ (bố của cháu Sính Thị Hờ) cũng hết sức lo lắng trước những biểu hiện “lạ” của con gái. “Nhiều hôm nó đang ngủ thì bỗng nhiên thức dậy nói nhảm rồi bỏ chạy đi đâu đó không rõ. Sau khi hồi tỉnh, gia đình có hỏi chuyện thì nó không nhớ gì. Ngoài ra, kể từ khi bị triệu chứng này thì nó ít ngủ hẳn”, anh Chơ lo lắng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, bác sỹ Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin từ Trường Tiểu học Cư Pui 2, đơn vị đã cử cán bộ xuống để thăm khám, giám sát, tìm hiểu nguyên nhân. “Theo thống kê, hiện đã có 6 học sinh trong trường cùng bị các triệu chứng trên. Qua tìm hiểu, những học sinh này đều là người dân tộc Mông, chưa từng mắc bệnh nan y, mãn tính và cấp tính”, bác sỹ Việt cho hay.
Cũng theo bác sỹ Việt, gia đình các em sống rất hòa thuận, bố mẹ không ly hôn, không có xích mích. Bản thân các nữ sinh này trước đó không tinh nghịch, phá phách, ngược lại rất chăm ngoan, học giỏi. Mặt khác, bản thân các em cũng không hề bị nghiện game online, không đi ra khỏi địa bàn huyện trong thời gian qua. Thị giác bình thường, không có biểu hiện rung giật nhãn cầu, đảo nhãn cầu, rung giật mi mắt.
Kết quả giám sát cho thấy, cả 6 nữ sinh có biểu hiện lạ trong thời gian từ 15 phút đến hơn 1 giờ đồng hồ. Trong trường hợp nặng, cơn có thể kéo dài từ 2-3 giờ đồng hồ. Sau khi hết cơn, các em lại tỉnh táo, vẫn ngồi học và vui chơi với các bạn, sức khỏe của các em bình thường.
“Hiện vụ việc đã được Trung tâm Y tế huyện báo cáo và đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ cán bộ có đủ trình độ chuyên môn về chuyên khoa nhi và tâm thần về Trường Tiểu học Cư Pui 2 để giám sát, xác minh và thăm khám để đưa ra kết luận cuối cùng nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, trên các cơ sở triệu chứng của 6 học sinh như đã nêu, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông sơ bộ nghĩ đến, các học sinh này bị rối loạn phân li tập thể chưa rõ nguyên nhân giống hệt biểu hiện lâm sàng của 9 học sinh mắc bệnh tại tỉnh Bắc Kạn”, bác sỹ Việt nói.