Nhiều trẻ nhập viện do thủy đậu dù đã được tiêm phòng
Về ý kiến này, ngày 21-3, PV Báo CAND đã trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và được ông cho biết: Trước hết, cần phải đi khám để xác định xem trẻ có đúng là mắc bệnh thủy đậu không, hay do chẩn đoán nhầm.
Bởi hiện nay đang có dịch tay –chân- miệng và cũng dễ nhầm bệnh này với bệnh thủy đậu. Cũng có thể những nốt phồng là do trẻ bị viêm da dị ứng, hay zona. Tuy nhiên, bệnh zona gặp nhiều hơn ở người lớn.
Còn về vấn đề liên quan đến chất lượng vaccine tiêm phòng, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết: Khi tiêm vaccine phòng thủy đậu, hiệu lực cao cũng chỉ 90%, còn 10 là không miễn dịch với vaccine. Có thể trẻ được tiêm phòng mà vẫn bị thủy đậu, là nằm trong số 10% này.
Đã có nhiều trẻ bị thủy đậu phải nhập viện. |
Trước tình hình bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng những ngày gần đây, PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo: Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Các bậc phụ huynh chý ý tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.