Những kiến thức cần thiết khi tiêm vaccine cho trẻ
Góc nhìn chuyên môn và tính pháp lý
Vaccine Combe Five do Ấn Độ sản xuất đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5-2017, và có giá trị trong 5 năm.Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) được hiệu quả thì công tác truyền thông giữ vai trò vô cùng quan trọng, nhất là sau những diễn biến không mong muốn xảy ra với việc tiêm ngừa Quinvanxem.
Một nguyên nhân cơ bản phải chuyển đổi - PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, do nhà sản xuất Berna Biotech (Hàn Quốc) đã ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem, số vaccine Quinvaxem còn lại trong TCMR dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5-2018.
Công tác tư vấn, sàng lọc bệnh tốt và niềm tin của người dân là những yếu tố quyết định tới việc thành công của chiến dịch tiêm chủng. Ảnh minh hoạ |
Vaccine này cũng có thành phần tương tự như Quinvaxem, có hiệu quả phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin, vaccine Combe Five đạt tiêu chuẩn thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đã được sử dụng trên 400 triệu liều tại 43 quốc gia. Riêng tại Ấn Độ, vaccine này đã được sử dụng trên 5 năm. Đã có 130 triệu liều được sử dụng cho TCMR và hơn 1 triệu liều cho tiêm chủng dịch vụ từ năm 2011 đến nay tại Ấn Độ, tất cả đều an toàn.
Theo kế hoạch, vaccine Combe Five sẽ được thí điểm tại 4 tỉnh gồm: Hà Nam, Bình Định, Kon Tum và Đồng Tháp với hơn 11.000 điểm tiêm chủng. Cũng theo khuyến cáo của Chuyên gia YTDP, nếu trẻ nào đã được ngừa các bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) bằng 1-2 mũi Quinvaxem rồi thì vẫn có thể tiêm tiếp Combe Five cho đủ liều mà không cần phải tiêm lại từ đầu.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh - BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh giải thích: "Trước khi Combi Five có mặt tại Việt Nam, đã có sự chuyển đổi của vaccine TCMR rồi. Đó là sự chuyển đổi hết sức bình thường.
Các bà mẹ chỉ cần nhớ làm sao chích cho đủ 3 mũi cơ bản. Chích trước 6 tháng tuổi là mũi 5 trong 1 Quinvaxem hay Combi five để đảm bảo có kháng thể cho trẻ.
TCMR luôn tính tới độ an toàn cho trẻ là điều trước tiên, thứ nữa là phải đạt độ bao phủ trong cộng đồng. Nếu không dám cho con tiêm những mũi vaccine trong chương trình TCMR Quốc gia thì cũng nên tiêm mũi thuốc tương đương của hệ thống tiêm Dịch vụ".
Sự thông hiểu sẽ an tâm tiêm chủng
Theo TS BS Trương Hữu Khanh, thành - bại của một chiến dịch tiêm chủng phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác giữa bà mẹ và cơ sở tiêm ngừa. Làm sao để giảm thiểu tối đa xảy ra các "sự cố" trong tiêm chủng. Vaccine luôn có một tỉ lệ nhất định về tai biến nhưng nó luôn được giám sát ở tỉ lệ cho phép trước khi nghiên cứu, sau khi đưa ra nó luôn được khuyến cáo rõ ràng, nếu tỉ lệ phản ứng sau tiêm vượt qua ngưỡng cho phép thì chắc chắn sẽ bị bãi bỏ.
Cái lo nữa của tiêm chủng đó là quá trình trước khi đưa thuốc vào dưới da của em bé phải đảm bảo an toàn. Vì phản ứng xảy ra do chất lượng vaccine. Bao gồm: dụng cụ tiêm bảo quản không tốt. Hay do lỗi tiêm chủng xảy ra khi không làm đúng qui định khuyến cáo của qui trình tiêm chủng.
Tất cả những cái lo trên nếu có đều có thể gây ra "sự cố" trong tiêm chủng. Vấn đề triển khai tiêm còn phải đối phó, đó là yếu tố tâm lý. Trong hàng loạt em bé, chỉ cần sự cố 1 bé ngất, nhiều bé khác cũng sợ mà xỉu. Cái cuối cùng là việc "trùng hợp ngẫu nhiên" mà nhà quản lý rất khó giải thích với người nhà.
Do khâu khám sàng lọc bị bỏ sót. Ví như bé bị tim bẩm sinh, bị bệnh gì đó mà mẹ không khai với tổ tiêm chủng, bị sặc sữa (do lúc đó không xử lý được). Sau nhiều nghiên cứu, WHO đã đưa ra kết luận quan trọng: "Phản ứng sau tiêm chủng là bất kỳ sự kiện bất lợi nào xảy ra sau khi tiêm chủng và sự kiện đó không nhất thiết liên quan đến việc sử dụng vaccine".
Xung quanh việc dùng vaccine bằng đường uống và đường tiêm khác nhau không? TS-BS Trương Hữu Khanh cho biết, khuynh hướng thế giới là chuyển qua tiêm vì uống gây nhiều tâm lý. Chỉ cần trẻ bị ói khi uống thuốc thì bà mẹ chắc chắn lo không biết thuốc còn tác dụng không. Còn tiêm là đảm bảo thuốc vào cơ thể trẻ đủ liều lượng. Chỉ khi không có khả năng tổ chức cho tiêm vaccine thì địa phương nơi đó buộc phải thực hiện việc cho trẻ uống thuốc.
Ngoài ra, do lo lắng, nhiều bà mẹ còn có những cách tự chữa cho con rất nguy hiểm cần cảnh báo, như: tìm cách đắp miếng khoai tây vào vết tiêm, khoét một lỗ trên miếng dán để dán vào vết tiêm, mong giảm bớt sưng nơi vết tiêm. Hay có bà mẹ tự uống vào người mình nước lá tía tô, hy vọng khi cho con bú, tía tô sẽ theo dòng sữa ngấm vào làm bé được giảm đau sau tiêm chủng.
Theo TS-BS Trương Hữu Khanh, cách này là phản khoa học. Tốt nhất là 24 giờ đầu chỉ chườm mát cho trẻ. Nhưng không để đá lạnh vào chườm trực tiếp vết tiêm, gây bỏng lạnh. Chỉ đưa con đi BV khi thấy bé sốt quá cao, cho uống thuốc hạ sốt mà không hết.