Những nỗ lực của Việt Nam trong chống đại dịch COVID-19 và tiến tới thử nghiệm vaccine

07:58 08/12/2020
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 thấp trên thế giới. Trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, đặc biệt vào mùa đông năm nay, Việt Nam đã từng bước khống chế và ngăn chặn dịch lây nhiễm trong cộng đồng.

Sau khi phát hiện 4 ca mắc COVID-19 tại TP HCM, đến nay đã 6 ngày không ghi thêm ca mắc mới trong cộng đồng. Ngày 10-12, Việt Nam chính thức thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người. Theo lộ trình, có khoảng 20 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1.

Truyền thông mạnh mẽ thông điệp 5K

Sau 88 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, TP HCM lại xuất hiện dịch COVID-19 với 3 ca lây nhiễm. Thành phố đã khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch, trong đó đẩy mạnh việc truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly và dập dịch.

Đến 7/12, sau 6 ngày xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, thành phố không phát hiện ca lây nhiễm mới. Toàn bộ 3.263 mẫu xét nghiệm của các trường hợp tiếp xúc với các ca dương tính (bệnh nhân 1.342, 1.347, 1.348, 1.349), trong đó 861 trường hợp tiếp xúc gần, 1.400 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần đều âm tính; 1.002 trường hợp lấy mẫu giám sát (518 âm tính, 484 đang đợi kết quả).

Thành phố tiếp tục giám sát tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại địa bàn và mở rộng xét nghiệm giám sát các nhóm nguy cơ cao, cách ly người nhập cảnh theo quy định, giám sát người đã thực hiện cách ly ở các tỉnh, thành phố khác về cư trú.

Thành phố cập nhật giám sát và xét nghiệm đối với người bệnh COVID-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung và người sau cách ly. Đồng thời khuyến cáo người dânhãy cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo, đồng thời thực hiện phòng dịch theo khuyến cáo 5K. Ngoài ra, người dân nên cập nhật thông tin chính thống để phản ứng phù hợp, tránh hoang mang vì những thông tin sai lệch.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào chống dịch, giúp chúng ta khống chế thành công hai đợt dịch. Song, thời điểm này, nguy cơ dịch COVID-19 lây nhiễm vào nước ta là rất lớn, bài học hữu hiệu là việc lây nhiễm trong cộng đồng ở TP HCM vừa qua. Hiện nay, chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Chính vì vậy mà các địa phương, người dân không được lơ là. Tăng cường ý thức phòng bệnh của mỗi người dân, mỗi cán bộ y tế lúc này là vô cùng quan trọng.

Bộ Y tế liên tục triển khai các chiến dịch truyền thông về thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) để người dân thực hiện. “Điều quan trọng nhất lúc này là người dân cần thực hiện thông điệp 5K, đặc biệt lưu ý đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế”, ông Phu nói. 

Năng cao năng lực xét nghiệm, nghiên cứu sản xuất vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

Nỗ lực để có vaccine COVID-19 “Made in Việt Nam”

Trên thế giới, một số quốc gia đã xong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 và tiến tới tiêm phòng để ngăn ngừa đại dịch. Tại Việt Nam, song song với công tác phòng chống dịch, có 4 công ty ngày đêm nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19.

Ngày 10/12, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN (Công ty NANOGEN) phối hợp với Học viện Quân y chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine COVID-19 của Việt Nam. Học viện Quân y sẽ là nơi tuyển tình nguyện viên, sau đó sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm.

TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc Nghiên cứu phát triển, Công ty NANOGEM - đơn vị đưa vaccine đầu tiên vào thử nghiệm trên người cho biết, test quan trọng nhất chính là bước thử nghiệm tiền lâm sàng để chứng minh khả năng đáp ứng miễn dịch trên động vật. Đáp ứng miễn dịch trên động vật chỉ là một trong số những tiêu chí để được thử nghiệm vaccine trên người. Trước đó, vaccine của Nanogen đã được thử nghiệm thành công trên chuột và khỉ.

Dự kiến 1 tuần sau, có khoảng 20 người tình nguyện khỏe mạnh có độ tuổi từ 18-40 sẽ được tiêm những mũi vaccine COVID-19 thử nghiệm. Một nhóm nhỏ khoảng 1- 2 người sẽ được tiêm trước và được theo dõi phản ứng trong vòng 24 giờ đến 72 giờ mới bắt đầu tiêm cho các tình nguyện viên tiếp theo (khoảng 18 - 19 người). Sau 3 tháng thử nghiệm trên một nhóm nhỏ, vaccine COVID-19 sẽ được tiêm thử nghiệm cho khoảng 400 người.

Những người được lựa chọn tiêm thử nghiệm vaccine  COVID-19 được lựa chọn rất kỹ lưỡng. Họ là những tình nguyện viên khỏe mạnh, không có bệnh nền, không có tiền sử bệnh tật. Các cá nhân này được khai thác kỹ về tiền sử sức khỏe, tình trạng dị ứng với thuốc, thực phẩm… vì yếu tố cơ địa này liên quan nhiều đến phản ứng sau tiêm vaccine.

Theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế - TS.BS Nguyễn Ngô Quang, vaccine thử nghiệm phải đánh giá được độc tính, tính an toàn, tính sinh miễn dịch và đặc biệt yêu cầu bắt buộc là phải có kết quả đánh giá về hiệu lực bảo vệ trên súc vật, trên động vật linh trưởng để hội đồng thẩm định xem xét trước khi cấp phép triển khai thử nghiệm ở trên người, với mục tiêu bảo đảm tính an toàn, tính hiệu quả và tiến tới xác định hiệu lực bảo vệ.

Trên cơ sở kết quả tiền lâm sàng có được một cách hoàn chỉnh thì Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế sẽ xem xét tất cả các khía cạnh, trong đó có vấn đề liên quan đến thiết kế đề cương, bảo vệ sự toàn vẹn của đối tượng tham gia nghiên cứu, điều kiện của cơ sở nghiên cứu cũng như những phương án để chúng ta triển khai trong quá trình đánh giá trên người tình nguyện khỏe mạnh.

Theo ông Quang, đó là những yêu cầu hết sức chặt chẽ, phải được Hồi đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế xem xét, thẩm định và thông qua. Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế sẽ xem xét kỹ càng, quyết định cho phép các bước quan trọng trong thử nghiệm vaccine trên người.

Công nghệ sản xuất vaccine của NANOGEN dựa trên phương pháp protein tái tổ hợp, sau đó can thiệp vào gen để sản sinh kháng thể. Phương pháp này khác với việc dùng kháng thể, do đó các nhà khoa học đánh giá là an toàn. Dự kiến, một mũi tiêm có giá 5 USD, mỗi người tiêm 2 mũi sẽ chi phí 10 USD (hơn 200.000 đồng), tương đương với giá vaccine COVID-19 trên thế giới.

Hiện Học viện Quân y - đơn vị thử nghiệm lâm sàng - đã sẵn sàng các thiết bị xét nghiệm, chuẩn bị giường lưu sau tiêm cho người tình nguyện, bác sĩ về cấp cứu để theo dõi sức khỏe trong các giờ đầu sau tiêm và có thể xử trí ngay nếu có các phản ứng không mong muốn cho người tiêm vaccine thử nghiệm.

Ngoài NANOGEN, vaccine COVID-19 của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) và vaccine của Công ty vaccine sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang được đánh giá tiền lâm sàng. Dự kiến, vaccine COVID-19 của 2 đơn vị này sẽ lần lượt đưa vào tiêm thử nghiệm trên người vào tháng 2 và 3/2021.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vaccine, bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vaccine, đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đến hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Trần Hằng

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文