Phải bồi thường nếu tiêm chủng bị tai biến nặng
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết: Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất nên đã có khoảng 20 triệu trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi được tiêm phòng, đạt tỷ lệ 95%.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động tiêm chủng. Theo đó, lần đầu tiên việc bồi thường đối với các ca tai biến có nguyên nhân do tiêm chủng được quy định cụ thể. Dự thảo qui định, khi sử dụng vaccine bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm, được xác định có nguyên nhân do vaccine, nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến hoặc thân nhân người bị tai biến nặng.
Tùy mức độ (phải nhập viện điều trị; bị di chứng lâu dài hoặc tử vong), Nhà nước sẽ chi trả chi phí điều trị, hỗ trợ bằng tiền, bồi thường để bù đắp tổn thất tinh thần đối với người thân của người bị thiệt hại. Mức bồi thường cao nhất bằng 30 lần mức lương cơ bản.