Nâng cao tin học hóa trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc thông tuyến là đúng đắn, vì lợi ích của người dân. Nhưng vì là lần đầu tiên làm nên có nhiều bất cập, vướng mắc và cả tiêu cực. Song không vì thế mà lùi quyết tâm mà phải tiếp tục đẩy nhanh hơn thông tuyến. Chính phủ nhận thức rằng các thời hạn do Quốc hội quy định là thời hạn chậm nhất, còn sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cùng với việc giao quyền tự chủ cho cơ sở KCB và thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB BHYT theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ. Người tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế, nhất là người nghèo, dân tộc thiểu số đã có thêm rất nhiều quyền lợi.
Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo giải trình thực hiện thông tuyến trong khám, chữa bệnh |
Với việc thông tuyến KCB BHYT có tác động tích cực đối với cả người bệnh, các cơ sở y tế. Đặc biệt là người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; sống ở xã đảo, huyện đảo được KCB nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương mà không cần giấy chuyển viện.
Cùng với đó, các cơ sở KCB, nhất là tuyến huyện bắt buộc phải đổi mới phong cách phục vụ, đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng KCB để thu hút người bệnh; tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHYT, tạo sự công bằng hơn giữa cơ sở y tế công và tư.
Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực, một số đại biểu cũng cho rằng việc thông tuyến sẽ có thể nảy sinh nhiều tiêu cực, tốn kém không cần thiết. Số lượng người có thẻ BHYT đi KCB tại trạm y tế xã giảm hẳn, ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước là hướng về y tế cơ sở và làm gia tăng chi phí KCB, lãng phí nguồn lực của xã hội và gây quá tải tại nhiều cơ sở KCB tuyến huyện. Một số bệnh viện tuyến tỉnh xin xuống hạng để được áp dụng quy định thông tuyến...
Trước ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thông tuyến nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân khi KCB, nhưng cũng có hệ lụy là vượt tuyến lớn, quá tải tuyến trên, bỏ tuyến dưới và chi phí tăng lên khi những bệnh đơn giản cũng lên tuyến Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra giải pháp là tăng cường cho y tế cơ sở, đổi mới về phương thức hoạt động, cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường hơn hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và dự phòng, quản lý hồ sơ cá nhân và mô hình bác sỹ gia đình… để phân tuyến tốt.
Tổng Giám đốc BHXHVN cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin là vấn đề sống còn để quản lý, giám định BHYT, hạn chế trục lợi, thực hiện tốt việc quản lý Quỹ BHYT. Nhưng do chuẩn bị điều kiện chưa tốt nên khi thông tuyến huyện đã xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi.
Thông tuyến KCB tạo thuận lợi cho người dân hơn |
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để chi tiêu tiết kiệm nhất có nhiều giải pháp, trong đó có đấu thầu tập trung, quản lý giá thuốc tốt. Không nên vì một số thông tin về tiêu cực hay một số nơi khám vượt tuyến nhiều, chi BHYT vượt thu trên 5.000 tỷ đồng mà đặt lại vấn đề về chủ trương thông tuyến. Vì trong tổng số 41,6% tăng chi BHYT chỉ có 5,3% là do thông tuyến.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải thực hiện tin học hóa. Nếu không thì chưa nói tiêu cực, chỉ nhầm lẫn cũng đã quản lý không hiệu quả. Điều quan trọng nhất phải tin học hóa việc quản lý các BV. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng nơi nào không nỗ lực tin học hóa cơ sở của mình là nơi đó có biểu hiện tiêu cực.
Báo cáo của Bộ Y tế nói rằng phấn đấu đến hết năm 2017 các BV đều kết nối, là không đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, mà ngay lập tức phải làm. Ngành y tế phải lấy y tế cơ sở, lấy dự phòng làm gốc vì lĩnh vực này có tiến bộ nhưng khá chậm so với bên điều trị, chuyên sâu. Bộ Y tế phải ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản ,chậm nhất là 31-12-2018.