“Phép màu” lại đến với cô bé đầu tiên được ghép gan

07:45 06/04/2017
13 năm sau ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam, chúng tôi đã gặp lại cha con anh Nguyễn Văn Phòng và cháu Nguyễn Thị Diệp khi họ lên Hà Nội tái khám. 


Bước sang tuổi 23, Diệp đã là một thiếu nữ xinh xắn, mới tốt nghiệp Khoa Dược, Trường Trung cấp Quân y (nay là Cao đẳng Quân y 1). Cách đây 13 năm, Diệp là cô bé được truyền thông đặc biệt quan tâm khi em là người đầu tiên được ghép gan ở Việt Nam và hồi sinh một cách thần kỳ từ một phần lá gan của bố.

Chúng tôi gặp cha con anh Nguyễn Văn Phòng (quê ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) tại Bệnh viện Quân y 103 khi họ vừa làm xong các xét nghiệm. Thấy tôi, anh Phòng nở nụ cười khoe: “Từ ngày ghép gan xong, mỗi tháng cháu Diệp phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe một lần. Bố con tôi phải lên đây từ chiều qua để sáng nay vào khám sớm”.

So với 13 năm trước, anh Phòng già đi nhiều bởi gánh nặng mưu sinh và chặng đường vất vả chăm sóc sức khỏe cho con gái. Nhưng mọi mệt mỏi đó đã bị xua tan khi anh hạnh phúc chứng kiến con khỏe mạnh và trưởng thành.

Diệp và bố sau 13 năm ghép gan.

Trước mặt chúng tôi là một cô gái tự tin, tràn đầy hoài bão. Nhìn bước đường trưởng thành của Diệp hôm nay, chúng tôi thầm cảm ơn sự kỳ diệu của khoa học, của tình phụ tử, đã biến cô bé đứng bên bờ vực của cái chết hồi sinh sự sống một cách thần kỳ.

Nhớ lại thời gian thơ ấu của đứa con gái mắc bệnh tắc đường mật bẩm sinh, anh Phòng không giấu được ánh mắt đau xót. Anh kể, Diệp sinh ra là một đứa trẻ bình thường, nặng hơn 3kg. Nhưng được một tháng rưỡi thì có biểu hiện vàng da, ăn thứ gì là đi ra ngoài thứ đó.

Ba tháng tuổi Diệp đã được chỉ định phẫu thuật nối đường dẫn ống mật bẩm sinh, nhưng được một thời gian thì bị biến chứng dẫn tới xơ gan. Chống chọi bệnh tật trong 10 năm, bụng Diệp trướng to, da vàng bủng, sức khỏe dần cạn kiệt.

“Để chúng tôi có thời gian đi làm kiếm tiền cứu con, bố tôi là người thường xuyên đưa cháu đi viện. Hai ông cháu “chạy sô” hết bệnh viện này tới bệnh viện khác. Có những lúc tuyệt vọng, cả nhà đều rơi nước mắt nhưng vẫn hy vọng vào phép nhiệm mầu. Khi bác sĩ thông báo chỉ có ghép gan mới cứu được con, cả gia đình đều mừng rỡ. Ông nội đã xung phong hiến gan cứu cháu nhưng bác sĩ khuyên tôi hiến gan là tốt nhất vì còn trẻ”, anh Phòng nhớ lại.

Cho con 33% lá gan của mình để thay toàn bộ lá gan bệnh của Diệp, chỉ vài tiếng sau ca mổ thành công, lá gan mới đã bắt đầu hoạt động trong cơ thể nhỏ bé. Lá gan đó theo năm tháng lớn lên và cũng ngần ấy năm, anh Phòng đồng hành cùng con trên chặng đường học tập và chăm sóc sức khỏe. Để Diệp lớn lên khỏe mạnh, vợ chồng anh Phòng phải chăm sóc vô cùng đặc biệt.

Anh kể: “Cháu chỉ đang nắng mà mưa cũng ốm, đang rét mà nắng cũng ốm. Chăm sóc sức khỏe cho cháu phải vô cùng cẩn thận, bởi chúng tôi sợ nhất là cháu bị nhiễm khuẩn. Do cháu phải uống quá nhiều thuốc nên đã bị kháng thuốc, ảnh hưởng đến thần kinh. Vì vậy chúng tôi không dám rời cháu lúc nào”.

Kể về cha, ánh mắt Diệp ngân ngấn nước. Vốn không có sức khỏe như bạn bè cùng trang lứa, suốt tuổi thơ của Diệp gắn liền với bệnh viện và sự chăm sóc của cha mẹ mình.

“Khi em thi đỗ vào Trường Trung cấp Quân y, bố mẹ em rất lo. Tháng nào bố cũng lên đón em xuống Bệnh viện 103 kiểm tra sức khỏe rồi lại đưa em về. Có khi bố vừa về đến nhà, thấy em gọi điện nói mệt, bố lại quay lên. Hai năm học, thời gian bố lên thăm em không đếm xuể. Bố vì lo mà cứ một hai tuần lại lên xem con có sao không. Trước đây bố em khỏe lắm, ai thuê việc gì cũng làm, nhưng hai năm nay sức khỏe giảm sút đi nhiều”, Diệp xót xa kể.

Mường tượng cảnh anh Phòng ròng rã 13 năm đưa con đi viện tái khám, khi thì đèo con đi xe máy, khi thì con đi xe khách, bố chạy xe máy theo sau, tôi không khỏi cảm động và nể phục tình phụ tử cao cả. “Mẹ em còn ở nhà làm đồng áng, nuôi lợn và chăm sóc 2 em, việc đi viện của em đều do bố làm hết” – Diệp xúc động nói.

Anh Phòng vốn nhận thêm việc sửa chữa điện nước nhưng không dám đi làm ăn xa vì phải ở gần chăm sóc con. Nhưng khi Diệp đi học trung cấp quân y, anh mới nhận việc làm ở tỉnh lân cận trường để khi con có việc chạy đến cho nhanh. Dù lo lắng đến mấy thì năm 2016, do ăn uống thất thường và thuê trọ ở ngoài nên Diệp đã bị nhiễm khuẩn dẫn tới men gan tăng cao phải nhập viện điều trị. Anh Phòng nghỉ việc làm thuê để chăm sóc con, khi Diệp khỏi bệnh thì công việc của anh đã có người khác thế chỗ.

Sau 13 năm được ghép gan, sự vui mừng hiện lên trong đáy mắt người cha khi thấy con khỏe mạnh. “Thời gian này em đang ở nhà nghỉ ngơi cho sức khỏe thật tốt để đi làm. Hôm nay em đã nộp đơn xin vào làm việc ở Bệnh viện Quân y 103”- Diệp khoe.

Kể với tôi, Diệp cho biết, mơ ước lúc nhỏ của em là sau này được làm cô giáo. Nhưng khi ghép gan trở về thì em lại nung nấu ước muốn sau này được trở thành dược sĩ. “Em muốn mình được học để biết nhiều về các loại thuốc để chăm sóc tốt cho sức khỏe của mình và cho mọi người. Được sự động viên của các bác sĩ Bệnh viện 103, em đã thành công thực hiện ước mơ của mình” – Diệp không giấu được niềm vui khi kể về điều đó.

Bệnh viện 103 đối với Diệp thân thuộc như ở nhà mình, còn đối với các bác sĩ thì như người thân, Diệp gọi nhiều bác sĩ ở đây là “bố, mẹ”. PGS.TS Bùi Văn Mạnh, Chủ nhiệm bộ môn Hồi sức cấp cứu, Học viện Quân y là bác sĩ theo dõi bệnh cho em thì coi Diệp như con gái, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho em suốt 13 năm nay.

Diệp kể: “Em vô cùng cảm ơn các bác sĩ ở Bệnh viện 103, chính các bác sĩ đã cho em động lực để nuôi dưỡng ước mơ dược sĩ của em thành hiện thực”. Được biết, Bệnh viện 103 luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho Diệp suốt 13 năm qua trong việc chăm sóc y tế. Chúng tôi tin rằng, chân trời tương lai luôn rộng mở để đón nhận ước mơ của một cô gái nghị lực như Diệp. Chúc cho mơ ước trở thành nữ dược sĩ viên ở Bệnh viện Quân y 103 của em thành hiện thực.

Trần Hằng

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文