"Quả ngọt" sau 20 năm của cặp vợ chồng hiếm muộn

18:59 12/07/2020
Từng bị cắt vòi tử cung, lại có tiền sử lạc nội mạc tử cung, từng thất bại một lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), hành trình tìm con kéo dài 20 năm của vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh (SN 1977) và anh Mẫn Xuân Minh (SN 1973) ở Hiệp Hòa, Bắc Giang tưởng chừng đã hết hy vọng, nhưng chị vẫn năn nỉ chồng lần cuối làm IVF, dù kết quả có thế nào, chị cũng toại nguyện.

Lần thử cuối cùng ấy, vợ chồng họ đã may mắn có cậu con trai đến nay được 9 tháng tuổi. Tại Chương trình kỷ niệm 8 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 - 2020) và Hội thảo tổng kết “Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2020 - Hạnh phúc sẻ chia” ngày 12/7 của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng chị Minh đã chia sẻ câu chuyện hạnh phúc nhưng cũng quá đỗi gian truân trên hành trình tìm con của mình. 

 Hạnh phúc đến muộn

Bế con trai 9 tháng tuổi Mẫn Xuân Thiện Nhân trên tay, anh Minh không giấu được ánh mắt hạnh phúc. Anh cho biết, cuộc đời mình tưởng rằng đã không còn niềm hạnh phúc được làm cha, song ông trời cuối cùng đã cho vợ chồng anh mụn con, một bé trai kháu khỉnh sau 20 năm mệt mỏi, đau khổ đeo đuổi “săn con”.  

Kết hôn năm 2000, cuộc sống hạnh phúc nhưng trong nhà trống vắng thì thiếu mụn con. Chị Minh 2 lần mang thai nhưng đều ngoài tử cung, phải cắt bỏ vòi tử cung, chị lại có tiền sử lạc nội mạc tử cung. Năm 2008, hai vợ chồng đã làm IVF tại một bệnh viện sản tuyến Trung ương nhưng kết quả không thành công. Sau nhiều năm chạy chữa cả Đông và Tây y, nhưng vợ chồng họ vẫn không có mụn con, kinh tế lâm vào kiệt quệ, cuối cùng anh Minh phải đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền giả nợ.

7 năm sau, gom góp được chút tiền, hai vợ chồng định tiếp tục làm IVF tại một bệnh viện lớn, nhưng lo lắng lại thất bại giống lần trước, anh chị quyết định từ bỏ. Năm 2018, anh Minh quyết định về nước. Vợ chồng họ đã trả hết nợ, có chút tiền để dành, song không nghĩ tiếp tục chạy chữa nữa. “Đều trên 40 tuổi hết rồi, nghĩ rằng có chữa cũng chẳng còn hy vọng, nên vợ chồng cứ thế mà ở”, anh Minh nói. Gần 20 năm không có mụn con, áp lực với người phụ nữ không phải là ít, song khát khao được làm mẹ lúc nào cũng đau đáu trong trái tim chị Minh. Chị thuyết phục chồng làm IVF lần cuối, dù kết quả có thế nào, chị cũng không còn ân hận nữa.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh đang chia sẻ về hành trình 20 năm chạy chữa hiếm muộn đã mang đến "quả ngọt" là bé trai kháu khỉnh 9 tháng tuổi

Vợ chồng họ đặt cược vào cơ hội cuối tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vào tháng 11/2018. Nhưng trường hợp của chị Minh là trường hợp khó vì niêm mạc rất xấu, bác sĩ không lạc quan, vợ chồng anh chị chần chừ. Phó Giám đốc Bệnh viện BS Lê Thị Thu Hiền đã đưa ra phương án để vợ chồng họ quyết định, đó là “chỉ chuyển phôi ở top khá, giành phôi tốt cho lần sau”. Vì “đánh cược” nên vợ chồng họ đều quyết tâm chuyển phôi. Một tuần sau, khi biết mình mang thai, chị Minh bật khóc nức nở. Hai vợ chồng ôm nhau nghẹn ngào trước niềm vui bất ngờ.

9 tháng mang thai là những ngày lo lắng đến thắt ruột bởi chị bị dọa sảy liên tục, bị tiểu đường thai kỳ. Nhưng sinh linh nhỏ bé là mầm sống kiên cường, cùng mẹ vượt qua hết những thử thách, để chào đời vào tuần thứ 39. Bé Thiện Nhân sinh ra khỏe mạnh, nhận được tình yêu thương vô bờ từ cha mẹ, bởi họ được đón niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao khi đã bước qua cánh cửa nửa cuộc đời. “Không chỉ gia đình, mà bạn bè ai cũng mừng cho chúng tôi. Có người gọi điện và òa khóc thay cho vợ chồng tôi”, chị Minh kể.

Mắc bệnh hiếm, vẫn sinh con khỏe mạnh

Hơn 500 cặp vợ chồng từng điều trị hiếm muộn thành công tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã mang đến nhiều câu chuyện xúc động về hành trình “tìm con” của mình. Cũng nhờ những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã thành công có được đứa con của chính mình và nhân lên niềm hy vọng cho rất nhiều cặp vợ chồng khác đang trên hành trình "săn con".

Như gia đình chị Lê Thị Xuân (SN 1984) và anh Nguyễn Minh Thắng (SN 1977), ở Sóc Sơn, Hà Nội. Vợ chồng họ kết hôn năm 2006, đến năm 2007, chị Xuân sinh bé gái khoẻ mạnh bình thường. Nhưng đến năm 2012, khi sinh bé trai thứ hai, bé chẳng may bị bệnh do bố mẹ đều mang gen Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) và mất khi vừa 1 tuổi. Chị Xuân cho biết: “Cả hai vợ chồng lúc này mới biết mình mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, chúng tôi rất lo lắng và đau khổ”.

Ao ước có đứa con thứ hai khỏe mạnh, năm 2018, hai vợ chồng chị tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, gia đình được các bác sĩ tư vấn thực hiện thụ tinh ống nghiệm với sự hỗ trợ của kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ.  Kết quả đã chuyển phôi thành công ngay từ lần đầu can thiệp. Chị Xuân hiện đã sinh hai bé (1 trai 1 gái) vào đầu năm 2019 và hai bé hoàn toàn khoẻ mạnh, không mang gen Thalassemia như bố mẹ.

Cặp vợ chồng Nguyễn Thị Minh Nguyệt và Nguyễn Văn Luân đã sinh bé gái khỏe mạnh, không mang gen bệnh

Một trường hợp cả hai vợ chồng cùng mang gen Thalassemia khác là chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (SN 1984) và anh Nguyễn Văn Luân (SN 1985) ở Bắc Ninh. Họ kết hôn năm 2007, họ có con đầu lòng vào năm 2014 nhờ thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) tại một bệnh viện khác nhưng không may bé bị Thalassemia và phải điều trị suốt đời tại Viện Huyết Học và Truyền máu Trung Ương.

Đến tháng 6/2018, hai vợ chồng thực hiện IVF tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật PGT kết hợp xét nghiệm HLA (tìm sự tương thích giữa phôi xét nghiệm với em bé đã sinh ra), kiểm tra thì có một phôi chuyển được. Các bác sĩ đã chuyển phôi dị hợp thành công, chị Nguyệt sinh bé gái vào năm 2019. Khi vừa sinh, nhờ sự tư vấn của bác sĩ, hai vợ chồng đã lấy tế bào gốc từ cuống rốn của con gái để cấy ghép tế bào gốc cho con trai mắc Thalassemia. Sau thời gian cấy ghép đến nay (hơn 6 tháng), bé trai chưa phải truyền máu lần nào như trước đây.

Trường hợp khác là vợ chồng chị Bùi Thị Loan (SN 1990) và anh Bùi Tiến Mạnh (SN 1987) ở Lương Sơn, Hoà Bình. Anh chẳng may bị chấn thương tinh hoàn, dẫn đến vô tinh. Sau hơn 9 năm chạy chữa hiếm muộn, tháng 5/2018, vợ chồng tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Các bác sĩ đã thực hiện mổ cho anh để lấy tinh trùng thực hiện IVF ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn). Kết quả, chị Loan đã sinh 2 bé trai khỏe mạnh (đến nay được 15 tháng).

BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn đang tư vấn cho cặp vợ chồng làm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

BSCKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Sự ra đời của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại, đặc biệt là kỹ thuật IVF cùng nhiều phương pháp hỗ trợ khác đã giúp nhiều trường hợp hiếm muộn tưởng chừng vô vọng, cuối cùng vẫn có được quả ngọt. Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tỷ lệ thành công của các chu kỳ IVF khá cao và tăng dần theo từng năm, hiện tại là khoảng từ 50-70%. Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư của Bệnh viện lẫn nỗ lực từ đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên. Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn luôn cố gắng để giúp hành trình tìm con của các gia đình được nhẹ nhàng, thoải mái hơn bằng các hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần thông qua những chương trình mang dấu ấn riêng của Bệnh viện như Tuần lễ vàng”.

Tại chương trình, Bệnh viện đã trao giải cho các gia đình tham gia cuộc thi “Gọi tên con nhé”, “Hạnh phúc gia đình”. Cuộc thi là góc riêng để các ông bố bà mẹ chia sẻ niềm hạnh phúc khi có được những đứa con nhờ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện.

Năm nay, Bệnh viện tiếp tục dành tặng 10 suất thụ tinh ống nghiệm miễn phí (70-100 triệu đồng/ca) cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bệnh viện triển khai chương trình này. Trong các ca được thụ tinh ống nghiệm miễn phí trong năm đầu tiên, đến nay, nhiều trường hợp đã có “quả ngọt” cũng như đã sinh bé khoẻ mạnh. Ngoài 10 ca thụ tinh ống nghiệm miễn phí, Bệnh viện sẽ xét duyệt hỗ trợ thêm 20 ca mổ nội soi thăm dò buồng tử cung miễn phí (nữ) và 20 ca mổ MicroTESE miễn phí (nam) với giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca.



Trần Hằng

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Ngày 14/11, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà ở tặng người có công với cách mạng; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; trao thiết bị, máy tính tặng Trung tâm y tế, ngành giáo dục và đào tạo huyện.

Các đối tượng đặt mua nhiều nhẫn và mặt tượng vàng kém chất lượng nhưng được chế tác rất tinh xảo có giá trị tương đối cao. Điều đáng nói, số hàng này có khắc thương hiệu của các Công ty vàng bạc đá quý có tiếng ở TP Hồ Chí Minh khiến nhiều chủ tiệm vàng ở Huế tin tưởng...

Sáng 15/11, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn trả lời đơn khiếu nại của Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Quảng Nam đối với Kết luận thanh tra số 102/KL-TTT ngày 7/10/2024 của Chánh Thanh tra tỉnh về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính tại bệnh viện này (Báo CAND đã thông tin).

Mặc dù biết rõ hành vi chở người nước ngoài nhập cảnh không có giấy tờ, không có hộ chiếu, không làm thủ tục khai báo nhập cảnh là trái pháp luật, nhưng vì lợi nhuận cao, Thắng rủ thêm 3 người khác chạy 2 xe ô tô để chở 6 người Trung Quốc vào Việt Nam rồi xuất cảnh chui sang Campuchia...

5.000 năm trước, ở Bắc Phi, một vị vua đầy tham vọng, ngày nay được gọi là Narmer, đã thống nhất hai vùng đất Thượng Ai Cập ở phía Nam và Hạ Ai Cập ở phía Bắc thành lãnh thổ vĩ đại đầu tiên trên thế giới - Ai Cập. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc của nền văn minh Ai Cập vẫn còn khá mơ hồ. Những gì còn sót lại về vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập chỉ là cái tên.

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文