Sốt xuất huyết đang ở thời kỳ “đỉnh dịch”
- Sốt xuất huyết tại TP HCM đã ‘mấp mé’ ngưỡng báo động dịch
- Nâng cao khả năng điều trị sốt xuất huyết cho cán bộ y tế
3.500 người mắc SXH ở Hà Nội
Ở Hà Nội, dịch SXH đang nóng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 3.500 trường hợp mắc SXH với khoảng 330 trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, khiến nhiều người lo ngại vì đây là nơi có mật độ dân cư đông, khả năng lây truyền càng cao. Nhất là khi, trong 9 tháng Hà Nội chỉ có 1.300 ca mắc SXH nhưng riêng tháng 9 vừa qua, đã phát hiện thêm 1.400 ca bệnh. Tuy nhiên, đáng mừng là chưa có trường hợp bệnh nhân SXH tử vong do SXH. Về vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết ở Hà Nội, bệnh SXH mắc rải rác quanh năm. Tuy nhiên, dịch gia tăng từ tháng 5, tháng 6 và kéo dài đến tháng 11.
Bệnh nhân SXH phải truyền tại một trạm y tế ở Hà Đông. |
Qua theo dõi của ngành y tế 20 năm nay thì “đỉnh dịch” thường rơi vào tháng 9, 10, 11, tức là hiện đang là giai đoạn “đỉnh dịch”. Thời tiết hiện nay đang rất thuận lợi cho muỗi phát triển, lại cũng là thời điểm học sinh tựu trường nên số mắc SXH trong tháng 9, tháng 10 tăng là phù hợp với tình hình dịch tễ.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cũng nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh SXH dù có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Bắt đầu từ khi có dịch SXH, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để chống dịch. Cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã có mặt ở tất cả các địa phương để phối hợp với UBND xã, phường họp tổ dân phố, triển khai biện pháp tuyên truyền tới từng ngõ ngách, từng hộ dân để người dân có ý thức chống dịch.
Có một vấn đề được quan tâm hiện nay là bệnh SXH có thể điều trị tốt tại các BV tuyến tỉnh, nhưng vẫn đang diễn ra tình trạng vượt tuyến gây quá tải BV tuyến trên. Tình trạng này đang diễn ra ở Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, có nguyên nhân là công tác phân loại bệnh nhân chưa chặt chẽ. Vì thế, ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo người dân ở Hà Nội khi mắc SXH không nên đến ngay các cơ sở tuyến Trung ương, mà hoàn toàn có thể điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội như Bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Việt Nam-Cu Ba… Hiện Hà Nội có nhiều cơ sở y tế có thể tiếp nhận, điều trị bệnh nhân SXH. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân SXH không phải trường hợp nặng, nên có thể điều trị tại tuyến dưới và số này chiếm khoảng hơn 50% bệnh nhân SXH. Các bệnh viện ở Hà Nội hiện đã triển khai kế hoạch phân loại bệnh nhân từ cơ sở, theo đúng hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế chẩn đoán, điều trị bệnh nhân SXH và đều đã sẵn sàng phương tiện vật tư, thuốc men dịch truyền, để điều trị cho bệnh nhân SXH khi dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, một vấn đề đang là rào cản cho công tác phòng chống dịch SXH ở Hà Nội hiện này là người dân còn chủ quan, lơ là. Mặc dù cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng thông báo tới người dân về các biện pháp phòng dịch cũng như đến tận các gia đình ở khu vực có dịch để phun thuốc muỗi, nhưng nhiều hộ dân còn đi vắng, hoặc không hợp tác khi không cho nhân viên y tế phun thuốc. Một gia đình phòng chống tốt, nhưng gia đình bên cạnh không làm tốt vẫn có thể mắc SXH. Vì vậy ý thức cộng đồng rất quan trọng trong việc ngăn chặn dịch SXH lan rộng.
Dịch khó thanh toán vì ý thức người dân
Trước tình hình số người mắc SXH năm nay cao ở nhiều địa phương, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lý giải: SXH không chỉ bệnh lưu hành ở Việt Nam mà lưu hành ở khoảng 100 quốc gia trên thế giới. Những năm gần đây dịch SXH càng phát triển, bởi đô thị hóa nhiều thì vùng lưu hành của SXH càng tăng lên. Bởi khi đô thị hóa, mật độ người đông lên, sống gần nhau hơn cùng với tập quán ăn ở, sinh hoạt thiếu vệ sinh môi trường, khiến SXH dễ lan truyền. Hiện nay, số mắc SXH là trên 43.000 trường hợp. Ngành y tế dự báo trước về việc năm nay sẽ là “đỉnh dịch” của chu kỳ 4-5 năm/lần và Bộ Y tế đã có kế hoạch ứng phó bằng việc phát động chiến dịch phòng chống dịch SXH từ tháng 5-2015 và các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch SXH.
Ở tất cả các địa phương, việc xử lý ổ dịch đã tiến hành cơ bản. Bộ Y tế không để thiếu hóa chất, không để thiếu các phương tiện phòng chống dịch. Riêng Hà Nội, dịch đang diễn ra ở các quận, huyện, nhưng Hà Nội là địa phương có các biện pháp xử lý rất mạnh mẽ, quyết liệt nên dịch không bùng phát lớn và đáng lo ngại như năm 2010, là sự cố gắng rất lớn để ngăn chặn dịch.
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết thêm, hiện nay không thể nói rằng có thể thanh toán và loại trừ SXH vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đặc biệt là chưa có vaccine. Vả lại, người dân chưa có thói quen trong việc loại bỏ phế thải và những dụng cụ mà muỗi có thể đẻ trứng vào đó. Rồi một số nơi trữ nước trong mùa khô, biến đổi khí hậu… là nguyên nhân làm tăng số bệnh nhân mắc SXH cũng như mở diện rộng mắc SXH.
Ngày 7/10, Cục Y tế dự phòng cho biết: Sau hơn 5 năm thí điểm, kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả vaccine SXH ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca SXH nhập viện và 93% ca SXH nặng. Nhóm trẻ dưới 9 tuổi, hiệu quả thấp hơn, đạt 44%, ngừa được 56% ca SXH nhập viện và 67% ca SXH nặng. Kết quả của nhóm 9 tuổi trở xuống còn cần phải theo dõi hết thời gian nghiên cứu để có kết quả đánh giá hoàn chỉnh. Các phản ứng sau tiêm chủng của vaccine SXH tương đương hoặc thấp hơn so với các vaccine đang lưu hành. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy vaccine này không gây bất kỳ biến cố nghiêm trọng nào. Đây thực sự là tin vui cho cộng đồng. Dự án thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và an toàn của vaccine mới ngừa SXH do Tập đoàn Sanofi-Pasteur phối hợp Viện Pasteur TPHCM triển khai tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang). |