Hơn 3.100 người ở TP HCM bị súc vật cắn phải tiêm phòng dại
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thú Y TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ đầu năm 2018 tới nay, toàn thành phố có 3.177 người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng.
Ngày 28-5, Cục Quản lý dược ( QLD) - Bộ Y tế cho biết, đã có 267.200 liều vắc xin dại được nhập khẩu về Việt Nam. Trong số đã nhập, có 103.000 liều vắc xin Verorab; 139.200 liều vắc xin Ahayrab và vắc xin dại Indirab là 25.000 liều. Theo đó, từ nay tới tháng 6-2018, sẽ có thêm 231.900 liều vắc xin dại được nhập về Việt Nam.
Cục QLD cũng nhận định, việc cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 cho thị trường Việt Nam là 2.156.740 liều (bằng 166% so với trung bình các năm gần đây). Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Cục QLD, đây là loại vắc xin chống dịch bị động, không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên các sở y tế cần tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố dành kinh phí cho dự trữ và sử dụng hợp lý.
Ngoài ra, hợp đồng giữa các cơ sở cung ứng với các đơn vị tiêm chủng cần thể hiện chi tiết, số lượng, giá từng loại vắc xin, nhất là cần nêu rõ trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện, không để gián đoạn nguồn cung gây khan hiếm vắc xin dại.
Phòng tiêm ngừa tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh.( Ảnh minh hoạ). |
Được biết, thời gian qua, cụ thể từ cuối năm 2017 tới các tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin phòng bệnh dại gây hoang mang cho người dân, vì trên thực tế, tỉ lệ tử vong do bệnh dại là 100%. Ngay sau khi có thông tin phản ánh, tại TP Hồ Chí Minh, GĐ Sở Y tế TP đã có Công văn chỉ đạo các phòng ban liên quan gồm Phòng Nghiệp vụ y phối hợp Trung tâm y tế dự phòng TP rà soát, thống kê số liệu sử dụng vắc xin phòng dại trên địa bàn TP.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thú Y TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ đầu năm 2018 tới nay, toàn thành phố có 3.177 người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng. Tuy nhiên, rà soát trong số ca phải điều trị tiêm thuốc dự phòng, số trường hợp tiêm ngừa (trước 10 ngày sau thời điểm bị súc vật cắn) lên tới 99,19%.
Ngoài ra, khi nghe tin có việc khan hiếm vắc xin dại, nhiều người dân đổ xô đi tiêm ngừa bệnh dại. Việc lạm dụng tiêm vắc xin chưa thể xác định là do từ phía các cơ sở hay do người dân, tuy nhiên, đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc khan hiếm vắc xin dại trong thời gian vừa qua.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, không phải trường hợp nào bị chó cắn cũng chỉ định tiêm ngừa bệnh dại. Chỉ có những con chó bị dại cắn người mới có khả năng lây bệnh dại sang người. Ngoài ra, cũng không phải tất cả những trường hợp chó cắn người đều gây bệnh dại. Có thể nó chỉ bị ốm vì lý do gì đó.
Về chuyên môn của ngành, quy định của Bộ Y tế chỉ tiêm huyết thanh và tiêm vắc xin ngừa dại ngay với những trường hợp bị chó cắn gần thần kinh trung ương, những trường hợp xa thần kinh trung ương thì không cần. Theo dõi trong vòng 10 ngày, nếu con chó không bị phát bệnh dại (cần theo dõi sát sao) thì sau 10 ngày người bị cắn cũng không cần tiêm.
PGS TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, ông cũng cho biết: Với bệnh dại, khi đã mắc thì 100% trường hợp đều tử vong. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh thì cần tiêm ngừa, tránh nguy cơ tử vong. Quan trọng nhất trong phòng ngừa bệnh dại là tiêm ngừa cho đàn chó mèo để miễn dịch của chúng với bệnh cao lên. Khi chúng không mắc bệnh thì con người nếu không may bị chúng cào, cắn cũng sẽ không nhiễm bệnh.