TP Hồ Chí Minh: Sốt xuất huyết vẫn "nóng", Sởi chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"
Tại khu vực TP HCM từ trong dịp Tết Kỷ Hợi tới nay, hai dịch bệnh vẫn gây nhiều nỗi bất an nhất cho cộng đồng vẫn là dịch sởi và sốt xuất huyết. Đã cuối mùa dịch nhưng sốt xuất huyết vẫn "nóng" với số ca nhập viện gia tăng, còn sởi xuất hiện ở trẻ em vẫn không có dấu hiệu giảm.
- Chống dịch sởi, lập phòng tiêm "vét" tại các Bệnh viện
- Nguy cơ bùng phát dịch sởi rất lớn
- Các địa phương cần tăng cường đối phó với dịch sởi
- Lo ngại dịch sởi bùng phát do lây truyền từ Philippines
- Dịch sởi và ho gà có thể diễn biến phức tạp ở Hà Nội thời gian tới
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, GĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết vào ngày 15-2, tính từ 1/1/2019 đến ngày 10/2/2019, toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 978 ca sởi và 386 ca bị bệnh tay chân miệng. Như vậy, dù thời điểm hiện nay, SXH đã vào cuối mùa dịch (2018 – 2019), số ca mắc cũng đang có xu hướng giảm hàng tuần, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2018.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng cho hay, thường sau tháng 1 là chu kỳ đi xuống của bệnh SXH nhưng hiện, số ca mắc tại khoa vẫn luôn ở mức cao. Ở BV này có 2 khoa tiếp nhận bệnh nhân SXH người lớn là tại Khoa Nhiễm C và Nhiễm D. Riêng khoa Nhiễm D mỗi ngày tiếp nhận trung bình 50 bệnh nhân. Trong dịp Tết Nguyên đán, số ca mắc SXH nhập viện cũng vẫn không giảm. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2019, BV này đã tiếp nhận 1.690 ca SXH. Nếu tính cùng thời điểm của năm 2018 chỉ có 600 ca. Như vậy, đã cuối mùa dịch SXH nhưng số ca mắc vẫn tăng gấp 3. Đáng ngại là đã xuất hiện 01 trường hợp tử vong do SXH ( bệnh nhân được chuyển từ Vũng Tàu lên quá muộn). Ngoài ra, số ca nặng phải thở máy, lọc máu đang nằm tại khoa có 5 ca. Nhiều trường hợp bệnh nhân SXH do không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng. Tìm hiểu từ bệnh nhân mới phát hiện rằng, do nhiều người đều chủ quan cho rằng, mùa mưa đã qua rồi thì không có lý gì mắc SXH, nên nhiều bệnh nhân đã có dấu hiệu mắc bệnh SXH lại đều chỉ nghĩ đơn giản là mình bị cảm, tự ra tiệm thuốc Tây mua thuốc điều trị, tới khi bệnh nặng, vào giai đoạn sốc mới vào viện nên việc chữa trị khó khăn. Trong khi ấy, đặc thù của căn bệnh này là bệnh SXH chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh, lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận…
Sởi chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ghi nhận vào thời điểm này, số ca sởi cũng đang có xu hướng tăng trong bối cảnh dịch sởi đang tăng cao của cả nước và thế giới. Đặc biệt đáng lưu ý, 95% bệnh nhân mắc sởi đều chưa được tiêm phòng mũi nào.
Nhiều bậc cha mẹ đưa con lên Trung tâm y tế dự phòng TPHCM tiêm ngừa cho con. |
Khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP HCM. |
Trẻ mắc sốt xuất huyết được điều trị tại BV Nhi Đồng Thành phố . |
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Thanh ở quận Tân Phú đưa con gái 9 tháng tuổi đến Trung tâm tiêm chủng vắc xin VNVC ở đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) chích ngừa sởi, cho biết: “Mặc dù chích ngừa tại các trung tâm đều phải đóng tiền, nhưng vợ chồng tôi cảm thấy yên tâm, vì chúng tôi chưa tin tưởng tay nghề của các cán bộ y tế ở phường. Nhất là thời gian qua xảy ra một số vụ trẻ tử vong sau khi chích ngừa vắc xin, đã ảnh hướng đến tâm lý chúng tôi. Một điều mà tôi cũng như nhiều cha mẹ cảm thấy nếu có tác dụng phụ xảy sau khi chích ngừa cho bé thì y tế phường không có các thiết bị cấp cứu kịp thời, sợ ảnh hưởng đến tính mạng con mình”.
Tìm hiểu tại quận 12 là một trong địa bàn "nóng" về số ca mắc bệnh sởi từ trước Tết 2019, theo ông Vũ Đức Diễn-Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh tật - Trung tâm y tế quận 12 cho biết, từ đầu tháng 2 tới nay, tại quận này vẫn có 17 ca mắc sởi. Trong đó, ở những trẻ có bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh hô hấp...thì thường bệnh nặng. Còn đại đa số ca mắc sởi đều ở thể nhẹ. Điều đáng lưu ý là trong số ca mắc sởi ghi nhận có nhiều ca do cha mẹ bỏ, không tiêm ngừa sởi cho con mũi nào, nhiều người do nghe ai đó "xúi bẩy" rằng, tiêm ngừa bị phản ứng, bị tử vong... Từ tháng 10 tới tháng 12-2018 trung bình trên địa bàn này có từ 45 ca tới 50 ca/tháng mắc sởi. Tuỳ trường hợp mà có biến chứng. Tháng phát hiện số trẻ mắc sởi cao nhất của quận này là tháng 1 với 65 ca. Trong đó, số trẻ bị sởi (chưa chích mũi nào) tập trung ở lứa tuổi sinh năm 2018. Tức là trẻ bị sởi khi chưa tới tuổi tiêm ngừa bệnh này. Do đó việc làm cần thiết hiện nay vẫn chỉ là khuyến khích cha mẹ tiêm ngừa sởi cho trẻ 2 mũi (lúc 9 tháng và 18 tháng). Vì trước 9 tháng tiêm ngừa ít kháng thể, không tác dụng cho ngừa bệnh.
Cũng theo ông Diễn, quận 12 hiện đã tổ chức tiêm nhắc mũi 2 cho tất cả trẻ ở trường học trên địa bàn quận. Tại trạm y tế phường kết hợp tổ dân phố thực hiện rà soát tất cả trẻ ở các trường Mầm non, mẫu giáo mà chưa tiêm ngừa đủ 2 mũi sởi thì sẽ phát giấy báo tận nhà để cha mẹ đưa con lên trạm y tế tiêm hoặc nếu trường học nào có từ 20 trẻ trở lên chưa được tiêm đủ mũi ngừa sởi thì Trung tâm y tế quận sẽ cử BS xuống tận trường tiêm.
Theo BS Trương Hữu Khanh -Trưởng khoa Nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 1, từ Tết tới nay, số bệnh nhi vào nhập viện do mắc bệnh sởi vẫn không có dấu hiệu giảm. Chiều ngày 15-2 ghi nhận trong khoa Nhiễm-thần kinh của BV Nhi đồng 1 vẫn có tới 20 trẻ bị sởi nặng phải nằm viện phòng cách ly. Có một số em phải thở máy vì quá nặng. Trong đó, số trẻ nhập viện bị nặng đa số là không tiêm mũi nào, một số các trường hợp cha mẹ cho biết, do quá sợ hãi khi nghe có trẻ ở đâu đó tiêm xong bị phản ứng, bị sốt, nên bỏ, không chích ngừa cho con. Trước dịp Tết Nguyên Đán 2019, trung bình mỗi ngày các bác sĩ tiếp nhận khoảng 20 trẻ bệnh nhi bị sởi nhập viện. Cũng theo BS Khanh, thống kê từ trung tâm y tế dự phòng TP HCM cho biết có tới 13,5% số trẻ không tiêm sởi trong chiến dịch là quá cao trong cộng đồng. Đây là dấu hiệu rất đáng lo ngại trong khi dịch sởi đang bùng phát tại Hà Nội vào thời điểm này.