(NÓNG) Tẩy chay tiêm chủng: Đừng để con cháu mình phải lãnh hậu quả
Trong một cuộc họp với báo chí gần đây, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vấn đề “nóng” hiện nay là nhiều phụ huynh tẩy chay tiêm vaccine cho con, làm tăng nguy cơ bùng phát của dịch bệnh thời gian tới.
- Thủ tướng chỉ thị về tiêm phòng vaccine phòng bệnh Sởi và Rubella
- Chưa phát hiện sự liên quan giữa xơ hóa cơ delta và tiêm phòng vaccine
- Mở rộng điều tra vụ bê bối vaccine tại Trung Quốc
- Việt Nam không nhập vaccine từ công ty Trung Quốc đang bị điều tra hình sự
- Bệnh viện Bạch Mai thành lập phòng tư vấn và tiêm vaccine
Từng có nhiều Fan page, trang web kêu gọi tẩy chay tiêm phòng cho trẻ chỉ vì một vài ca tai biến sau tiêm chủng. Giờ đây, khi vụ bê bối vaccine phòng dại của Trung Quốc đang nóng, lại có một số bà mẹ không giấu giếm lo ngại trước việc tiêm phòng, cho dù Bộ Y tế đã có công văn khẩn khẳng định loại vaccine vi phạm do Trung Quốc sản xuất không có mặt ở Việt Nam.
Sự e dè của các phụ huynh trong việc tiêm phòng đang là một nguy cơ dẫn đến bùng phát dịch bệnh. Vì cách đây chưa lâu, các bác sĩ nhi khoa đã phải lên tiếng mạnh mẽ về “phong trào” tẩy chay tiêm vaccine của nhiều bà mẹ trẻ, bởi hậu quả để lại là rất lớn là hàng loạt trẻ nhỏ phải nhập viện do những căn bệnh có thể phòng được bằng tiêm vaccine. Đó là khi nhiều trẻ bị bệnh viêm não Nhật Bản phải thở máy, mà các bé này đều không được tiêm phòng. Theo các bác sĩ, 80% bệnh nhi mắc bệnh là do không tiêm phòng.
Ở Việt Nam, đã có những dịch bệnh bùng phát trở lại là do nhiều trẻ không được tiêm vaccine, như dịch sởi năm 2014 với hàng chục ngàn trẻ em bị mắc cùng gần 150 bé tử vong. Mà trong số đó có tới 90% trẻ không được tiêm phòng. Năm 2016 dịch ho gà trở lại cũng đưa hàng trăm cháu nhỏ ở Hà Nội phải nhập viện, hàng chục cháu bé tử vong và đều là những bé không được tiêm phòng vaccine.
Tại một số địa phương miền núi khó khăn có tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn xuất hiện các ổ dịch nhỏ như dịch bạch hầu tại Bình Phước, dịch ho gà tại Cao Bằng. Đặc biệt, bệnh viêm não Nhật Bản hiện khiến rất nhiều trẻ phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, mà nguyên nhân do không được tiêm phòng. Đáng lo khi các bé này có nguy cơ tử vong cao, còn nếu được cứu sống thì cũng bị di chứng suốt đời
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất phòng bệnh cho trẻ |
Trong khi đó tác dụng của việc tiêm phòng ở Việt Nam đã được khẳng định, với gần 20 năm bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên cả nước. Bệnh sởi và bệnh Rubella cũng đã được khống chế.
Không chỉ nhiều trẻ không được tiêm chủng do “phong trào” tẩy chay vaccine, mà theo TS. Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), hiện nay việc bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng xảy ra thường xuyên ở hầu hết các địa phương, không chỉ ở vùng sâu vùng xa còn có một số lý do khác. “Trái với vấn đề tiếp cận khó khăn của đồng bào miền núi, cư dân tại các đô thị lớn cũng có vấn đề với việc bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng. Trong một cuộc điều tra tại đô thị lớn cho thấy có tới 60% trẻ bị bỏ sót trong chiến dịch tiêm chủng”-TS. Thái lưu ý.
Điều này cần nhìn nhận khách quan, để cho trẻ được tiêm đầy đủ, đồng thời, ngành y tế cũng có các biện pháp phù hợp để xử lý kịp thời.
Theo TS. Thái, việc đánh giá sai trong khâu sàng lọc đối tượng tiêm chủng dẫn đến việc hoãn tiêm không hợp lý. Bên cạnh đó, nhận thức về vấn đề chống chỉ định tiêm vaccine của cả bố mẹ trẻ cũng như cán bộ y tế cũng tác động đến vấn đề này.
Nhiều người chưa hiểu đúng về chống chỉ định của vaccine, như vaccine BCG cần chống chỉ định đối với người suy giảm miễn dịch hoặc mắc hội chứng AIDS, trong khi không hề có chống chỉ định với người mang HIV. Việc đưa ra những chống chỉ định như vậy làm trẻ mất đi cơ hội phòng một trong những bệnh nguy hiểm trong giai đoạn đầu đời.
Thiếu vaccine cũng là vấn đề muôn thuở của hệ thống là điều được TS. Thái nhấn mạnh: Việc không sẵn sàng trong khâu cung ứng cũng như dự phòng trước các tình huống có thể xảy ra dẫn tới kết quả thiếu vaccine cục bộ làm gián đoạn công tác tiêm chủng. Sự bố trí cứng nhắc trong công tác khám chữa bệnh và dự phòng cũng là nguyên nhân ngăn cản tiếp cận với vaccine.
Có một số bệnh nhân đến khám bệnh được phát hiện cần tiêm vaccine như khi bị thương hay bị chó cắn. Họ được chỉ định tiêm nhưng phải đến cơ sở dự phòng để tiêm phòng dại hoặc tiêm phòng uốn ván nên một số người đã không chọn giải pháp tiêm chủng (ví dụ chỉ tiêm SAT thay vì tiêm vaccine uốn ván). Hiện nay một số cơ sở chữa bệnh cũng đã có phòng tiêm chủng là bước đầu cho việc thay đổi này từ đó khi bệnh nhân đến khám bệnh, họ có thể được chỉ định tiêm vaccine kịp thời nếu được phát hiện là cần phải tiêm. Việc tiêm tại bệnh viện góp phần hỗ trợ công tác dự phòng hai bệnh nói trên tại cộng đồng...