Thách thức chảy máu chất xám và mất thị trường
- Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào đón Cộng đồng ASEAN
- Lễ thượng cờ mừng ngày thành lập cộng đồng ASEAN
- An ninh ASEAN: Trông người lại ngẫm đến ta
Để tìm hiểu về vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Ths. Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế.
+ Bộ Y tế đã có những chuẩn bị gì để đón đầu cơ hội cũng như hạn chế những điều bất lợi khi Cộng đồng ASEAN được thành lập, thưa ông?
Ths. Nguyễn Minh Lợi: Một trong những thách thức lớn nhất đối với chúng ta khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN là việc tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. Lĩnh vực y tế có 3 đối tượng là bác sĩ, điều dưỡng và nha sĩ đã được các nước ASEAN ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau, tức là thời gian tới, bác sĩ và điều dưỡng các nước trong khu vực được đến đăng ký hành nghề tại Việt Nam và ngược lại, các bác sĩ và điều dưỡng Việt Nam có thể đến các nước trong khu vực hành nghề nếu đáp ứng yêu cầu. Để chuẩn bị cho sự kiện này, từ năm 2007, Bộ Y tế đã chủ động triển khai nhiều hoạt động để từng bước thực hiện những nội dung trong thỏa thuận khung.
Luật Khám, chữa bệnh (KCB) do Bộ Y tế xây dựng đã có hiệu lực từ 1-1-2011, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề KCB tại Việt Nam- một bước tiến lớn về thể chế trong lĩnh vực KCB. Bộ cũng xây dựng và ban hành chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa, điều dưỡng và hộ sinh; chuẩn bị ban hành chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ răng hàm mặt. Các chuẩn này dựa trên yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân Việt Nam, có tham khảo các chuẩn của khu vực và quốc tế. Đây là những tiêu chí cơ bản để các bác sĩ và điều dưỡng phải đạt được khi hành nghề và là cơ sở để các cơ sở đào tạo xác định chuẩn đầu ra. Bộ Y tế đề xuất và đã được Chính phủ chấp thuận cho tiếp nhận một số chương trình, dự án đổi mới và phát triển chương trình đào tạo, nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và ban hành một số văn bản nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập. Vừa qua, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch về tiêu chuẩn chức danh hạng viên chức y tế đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Theo đó, từ 1-1-2021 để trở thành viên chức điều dưỡng, hộ sinh hay kỹ thuật viên, người dự tuyển phải có trình độ tối thiểu là cao đẳng. Do vậy, lưu ý các bạn học sinh cân nhắc thật kỹ khi đăng ký vào học trung cấp các ngành y sĩ, điều dưỡng, dược và kỹ thuật viên.
+ Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, người bệnh Việt Nam sẽ hưởng lợi gì?
Ths. Nguyễn Minh Lợi: Khi các chuyên gia y tế có trình độ giỏi của các nước đến Việt Nam KCB, người Việt Nam sẽ được các bác sĩ có tay nghề cao KCB thay vì phải ra nước ngoài điều trị với chi phí rất tốn kém nên đất nước không bị “chảy máu ngoại tệ”. Trong xu hướng kinh tế phát triển, dân số tăng, nhu cầu dịch vụ y tế tăng, Nhà nước chưa đáp ứng được thì việc xã hội hóa, trong đó có nguồn lực từ nước ngoài là tích cực. Song, đây cũng là thách thức vì nguy cơ nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường, nếu các bác sĩ Việt Nam không cạnh tranh bằng chuyên môn, cơ sở vật chất.
+ Nhưng hiện nay, văn bằng bác sĩ ở Việt Nam chưa được các nước trong khu vực chấp thuận. Điều này sẽ có khó khăn cho các bác sĩ ra nước ngoài làm việc?
Ths. Nguyễn Minh Lợi: Việt Nam và một số nước đã ký công nhận văn bằng lẫn nhau. Nhưng văn bằng chỉ thể hiện trình độ đào tạo, còn trong y tế, để hành nghề, các nước đều có các kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề, thông thường có giá trị 5 năm. Sau đó phải thi hoặc sát hạch lại mới được tái cấp. Chỉ khi nào có chứng chỉ hành nghề thì mới được phép hành nghề. Vì vậy, Bộ Y tế đang rà soát Luật KCB để đề nghị chỉnh sửa, bổ sung quy định thi chứng chỉ hành nghề như thông lệ quốc tế. Theo đó, cần phải có kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề có giá trị trong một thời gian nhất định.
Ths. Nguyễn Minh Lợi. |
+ Ngành Y tế sẽ làm gì để ngày càng chuẩn hóa chất lượng các bác sĩ Việt Nam phù hợp với yêu cầu chung của các nước trong Cộng đồng?
Ths. Nguyễn Minh Lợi: Bộ Y tế có nhiều giải pháp: cấp chứng chỉ hành nghề theo tiêu chí nhất định qua kỳ thi sát hạch. Việc đào tạo và hành nghề là khác nhau, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải làm sao để sản phẩm ra phải được xã hội sử dụng và những người làm chính sách cũng cần đưa ra chính sách để đảm bảo sản phẩm ra đạt yêu cầu. Dù tiêu chuẩn đáp ứng được nhưng số lượng nhiều quá cũng bất lợi, nên tới đây, phải có thêm giải pháp về chính sách nữa.
+ Để đảm bảo quyền lợi người dân, người nước ngoài vào Việt Nam hành nghề hẳn phải có các điều kiện, thưa ông?
Ths. Nguyễn Minh Lợi: Người nước ngoài vào Việt Nam hành nghề phải đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam. Bộ Y tế đã giao cho Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế và Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh sát hạch người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, để đảm bảo về chứng chỉ hành nghề, tiếng Việt, chuyên môn và nhiều tiêu chí khác.
+ Việt Nam liệu có lo sẽ chảy máu chất xám khi việc di chuyển ngành nghề tự do xảy ra không thưa ông?
Ths. Nguyễn Minh Lợi: Bác sĩ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cũng nhiều, nhưng khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập thì diễn biến sẽ rộng và nhanh hơn. Chảy máu chất xám là thách thức rất lớn ngay cả trong nước hiện nay, khi nhiều người có trình độ không làm việc trong cơ quan y tế công lập mà mở cơ sở y tế ngoài công lập. Sự giao thoa về nhân lực là xu hướng tất yếu trong thời hội nhập. Vì thế, cần phải điều chỉnh chính sách đãi ngộ để thu hút người có trình độ. Hiện bác sĩ học 6 năm mới tốt nghiệp nhưng khi ra trường mức lương chỉ bằng cử nhân học sau 4 năm là một yếu tố chưa thu hút người giỏi.
+ Cảm ơn ông!