Thành lập trung tâm cách ly tập trung quốc gia để phòng chống COVID-19
- Muôn kiểu “ăn theo” COVID-19
- Nghỉ học vì COVID-19 có thể xem là một “phép thử” của giáo dục
- Gần 3.000 người nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc
Kiểm soát hành khách nhập cảnh từ Iran và Ý
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết từ ngày 23 đến 27/2, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đã đón 5.674 người trở về từ Hàn Quốc.
Trong ngày 28/2, TPHCM đã đón 13 chuyến bay từ Hàn Quốc với hơn 1.200 hành khách. Trong một số khoảng thời gian cao điểm, nhà ga sân bay bị ùn ứ do du khách chờ kiểm tra dịch tễ.
Kiểm soát chặt tại sân bay Tân Sơn Nhất |
Ngày 29/2, số chuyến bay trở về từ Hàn Quốc đã giảm còn 10 chuyến với khoảng 1.000 hành khách.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TPHCM đã thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các cửa khẩu; tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành để giám sát, phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Từ ngày 29/2, TPHCM cũng áp dụng việc khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu cho tất cả hành khách nhập cảnh từ Iran và Ý.
Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính đến ngày 1/3, TPHCM có 49 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trong đó 47 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, 2 trường hợp đang chờ kết quả; tổng số người tiếp xúc gần với người mắc bệnh: 44 trường hợp; tất cả đều đã kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày và không có triệu chứng mắc bệnh; có 250 trường hợp đang được cách ly tại Khu cách ly tập trung (bệnh viện dã chiến) của thành phố, tăng 24 trường hợp (trong đó, 222 trường hợp tại Khu cách ly tập trung của thành phố tại huyện Củ Chi; 18 trường hợp tại Khu cách ly tập trung của thành phố tại huyện Nhà Bè; 10 trường hợp tại Khu cách ly tập trung của thành phố tại quận 7).
Tổng số người được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện: 171 trường hợp; hiện đã có 51 người kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày, còn 120 người đang tiếp tục được theo dõi. Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 3.083 trường hợp; hiện đã có 2.968 trường hợp hết thời gian theo dõi, còn 115 trường hợp đang tiếp tục được theo dõi.
Lập thêm khu cách ly
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM, hiện có khoảng 22.000 người Việt Nam đang làm việc, học tập tại Hàn Quốc, trong đó, ước tính hơn 7.000 người có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam.
Trong trường hợp tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc không được kiểm soát tốt, TPHCM cần tính toán đến khả năng ứng phó trong trường hợp phải sơ tán công dân Việt Nam tại Hàn Quốc về nước. Do vậy, tuần tới, đại diện UBND TPHCM sẽ làm việc với các tỉnh để nắm rõ khả năng các tỉnh tiếp nhận người Việt Nam về từ Hàn Quốc như thế nào, từ đó thành phố chủ động có phương án hỗ trợ.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM yêu cầu Sở Y tế thành phố tính toán phương án chuẩn bị thêm khoảng 1.500 giường cách ly; đồng thời đề nghị thành lập thêm trung tâm cách ly tập trung quốc gia để hỗ trợ các địa phương chưa có điều kiện tiếp nhận, cách ly lao động trở về từ vùng dịch.
Khu cách ly tại huyện Nhà Bè |
Theo Sở Y tế, hiện nay toàn thành phố có 1.478 giường đủ điều kiện tiếp nhận người được cách ly, trong đó, tại cấp độ thành phố là 720 giường, tại 24 quận huyện là 758 giường.
Dự kiến, khu cách ly tập trung Củ Chi sẽ được mở rộng, nâng cấp lên 470 giường, nâng tổng số giường bệnh lên 650 giường, đáp ứng nhu cầu đối với người từ Hàn Quốc về gia tăng cũng như khách quốc tế trong thời điểm hiện nay; Quân khu 7 và Bộ tư lệnh TP HCM sẽ bố trí 1.500 giường ở Trường quân sự quân khu tại quận 12 và Sư đoàn 317 ở huyện Hóc Môn.
Đồng thời, Sở Y tế triển khai thêm các khu cách ly tập trung mới của thành phố để đảm bảo khả năng tiếp nhận cách ly y tế trong tình hình mới: khu cách ly tập trung thành phố tại huyện Nhà Bè với quy mô 120 giường; sử dụng cơ sở Bệnh viện quận 7 (cũ) thành khu cách ly tập trung thành phố với quy mô 100 giường; tính toán lập thêm bệnh viện dã chiến ở huyện Cần Giờ và tận dụng thêm các giường bệnh cách ly tại Bệnh viện quân y 175.
Ngoài ra, nếu sinh viên các trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM được nghỉ học lâu dài thì sẽ mượn tạm ký túc xá khoảng 40.000 giường để làm nơi cách ly tập trung.
Đảm bảo nhân lực và vật lực
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Hàn Quốc và một số quốc gia khác, UBND TPHCM đề nghị Sở Ngoại vụ thông báo ngay cho Lãnh sự quán Hàn Quốc và các nước, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 về các biện pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam đang áp dụng để phối hợp thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Mặc dù tình hình dịch bệnh ở Việt Nam nói chung và ở TP Hồ Chí Minh nói riêng đang được kiểm soát tốt nhưng trong bối cảnh diễn biến dịch ở các nước diễn biến phức tạp, thành phố phải tính toán đến những phương án ứng phó xấu nhất.
Để chuẩn bị tốt về nhân lực ứng phó với với dịch bệnh, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế thành phố thành lập trung tâm điều hành nhân lực, tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho bác sỹ chuyên ngành khác để trong trường hợp dịch bệnh lan rộng thì có thể huy động thêm nhằm hỗ trợ cho khoa nhiễm.
Kiên quyết không để nhân viên y tế vì làm nhiệm vụ mà nhiễm bệnh |
Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Sở Y tế thành phố phải cam kết đảm bảo phương án an toàn cho những bác sĩ, cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch, kiên quyết không để nhân viên y tế vì làm nhiệm vụ mà nhiễm bệnh.
Đồng thời, Sở Y tế phải gấp rút đề xuất gói kinh phí bồi dưỡng hỗ trợ cho các y, bác sĩ tham gia chống dịch và kinh phí trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, phải bố trí ca trực, thời gian làm việc phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho các bác sĩ và nhân viên y tế.