Chưa có bằng chứng xác thực vụ hàng chục người nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm
Sáng 13-8, PGS.TS.Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cùng đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đã có mặt tại Phú Thọ để làm việc với địa phương tin đồn có bệnh nhân nhiễm HIV là do nghi lây từ việc sử dụng chung kim tiêm.
Trước đó, chị Trần T.T. (46 tuổi), ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, là bệnh nhân nhiễm HIV, cho biết khi chị bị đau mồm, lở ở bên trong nên có đến nhờ bác sĩ Th. (công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tân Sơn) là người cùng xóm, tiêm một thời gian nhưng không khỏi. Sau đó, chị đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám và được bác sĩ xác định bị nhiễm HIV. Chị lại về Bệnh viện Bạch Mai điều trị ở Khoa Da Liễu và cũng được xác định bị nhiễm HIV. Từ đây lan truyền thông tin chị bị lây nhiễm HIV là do tiêm truyền ở phòng khám của bác sĩ Th., đồng thời, cũng rộ lên thông tin nhiều người đã từng khám chữa ở Phòng khám của bác sĩ Th. ồ ạt đi làm xét nghiệm vì sợ dính HIV.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế Phú Thọ cho biết từ tháng 2 đến tháng 6-2018, xã Kim Thượng có 2 bệnh nhân nhiễm HIV qua đời, 4 người nhiễm mới.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Quý Mão - Chủ tịch UBND xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết, thông tin hàng loạt người nghi nhiễm HIV khiến bản thân ông và cả xã bất ngờ. Vì mặc dù báo chí đăng thông tin nhiều người dân của xã bị lây nhiễm HIV, nhưng chính quyền xã lại chưa hề nhận được thông báo hay phản ánh nào từ người dân về việc này.
Thông tin khiến người dân hoang mang là hàng chục người phải đi xét nghiệm máu vì lo sợ bị HIV là không chính xác.
Theo ông Vũ Đức Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Sơn cho biết, Trung tâm xây dựng Đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề xác định bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm tại cộng đồng nên đã chủ động lấy máu xét nghiệm của người dân. Sau khi được UBND huyện Tân Sơn nhất trí, Trung tâm y tế huyện Tân Sơn lựa chọn xã Kim Thượng để thực hiện.
Ông Phùng Quý Mão cũng xác nhận thông tin này và cho biết, các cán bộ y tế tiến hành lấy máu của người dân từ tháng 7-2018, cho đến nay, vẫn chưa có kết quả chính thức. Trong số đó, có 3 người được yêu cầu đi lấy máu lần hai. Do đó, hiện xã có bao nhiêu người nhiễm HIV, chúng tôi cũng chưa rõ. Chỉ từ kết quả chẩn đoán của một người mà người dân nghi vấn, suy diễn, gây nên hoang mang chứ chưa có kết quả chính thức.
Đặc biệt, ông Mão cho biết một thông tin đáng lưu ý là, mới đây ở xã có một cháu bé đã mất tại bệnh viện và được xác định nhiễm HIV. Song chính quyền xã cũng không biết cháu bé mắc bệnh do đâu, nhưng trước đó, cháu bé thường sang chơi ờ nhà đôi vợ chồng đi làm ăn xa mắc bệnh HIV, và sau khi cặp vợ chồng này mất thì cũng phát hiện cháu bị HIV, còn những người khác trong gia đình cháu thì không.
Về thông tin nhiều người mắc HIV ở xã Kim Thượng, theo ông Lê Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ thì việc cho rằng sử dụng kim tiêm chung cho nhiều người dẫn đến nhiễm HIV mới chỉ là lời đồn, chứ vẫn chưa có cơ sở".
Liên quan đến việc phòng khám tư nghi sử dụng kim tiêm cho nhiều người làm lây nhiễm HIV là của nhân viên Trung tâm y tế huyện Tân Sơn, đại diện Trung tâm cho hay: Việc sử dụng kim tiêm an toàn đã được triển khai, tuyên truyền tới tất cả các cán bộ trong toàn ngành y tế trong cả nước, chứ không riêng cá nhân ai. Kể cả Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn cũng đã được quán triệt, tuyên truyền, thậm chí đưa vào nguyên tắc chung trong việc sử dụng dụng cụ y tế. Hơn nữa, đây là vấn đề y đức của người làm nghề, là nguyên tắc tối thiểu của người làm nghề y nên tôi cho rằng, không thể có việc một bác sĩ dùng chung kim tiêm cho nhiều bệnh nhân.
Bác sĩ tư vấn cho 1 nữ bệnh nhân bị nhiễm HIV |
Một giả thiết cũng được một người trong ngành y tế tỉnh Phú Thọ đưa ra: "Có thể có người muốn che giấu những hành động họ không muốn tiết lộ như mua bán mại dâm, sử dụng bơm kim tiêm không an toàn trong quá trình tiêm chích, nên chúng tôi sẽ phải mời cơ quan công an tiến hành điều tra".
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết số lượng người dân nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở Kim Thượng, Phú Thọ tương đồng so với khu vực miền núi, không có gì cá biệt. Điều quan trọng nhất hiện nay là tìm ra được nguyên nhân lây nhiễm có liên quan tới dịch vụ y tế hay không. Công việc này đòi hỏi phải tiến hành rất thận trọng. Vì thế, một mặt ngành y tế đã đề nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ, mặt khác, chỉ đạo tiến hành những nghiên cứu chuyên biệt và nghiên cứu bệnh chứng để tìm ra nguyên nhân chính xác, tránh gây ra oan sai cho người khác.
Theo TS. Cảnh, việc xét nghiệm nhiễm HIV đòi hỏi xem xét rất cẩn thận với 3 phương pháp khác nhau để tránh sai số. Thời gian trả xét nghiệm sẽ tùy thuộc vào địa phương, có nơi trả kết quả xét nghiệm trong ngày, có nơi sẽ dài hơn.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, quan điểm của Bộ Y tế là sẽ hỗ trợ tối đa về mặt chuyên môn cho Phú Thọ với việc tạo điều kiện tối đa cho bà con được xét nghiệm miễn phí. Nếu có trường hợp bị nhiễm HIV, sẽ hỗ trợ điều trị ngay.
Nữ bệnh nhân HIV ở Phú Thọ |