Thuốc giả vẫn là vấn nạn đau đầu
- Thuốc giả vẫn là vấn nạn đau đầu
- Nhìn lại thị trường thuốc giả ở Việt Nam2
- Nhiều khuất tất cần làm rõ sau vụ nhập thuốc giả điều trị ung thư
Đây là thuốc thuộc nhóm trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng ở tai mũi họng, phế quản phổi, miệng, da, sinh dục, xương khớp...
Trung tâm kiểm nghiệm Gia Lai đã lấy mẫu thuốc Lincomycin 500mg kiểm tra và phát hiện thuốc mạo danh Công ty cổ phần Dược và vật tư y tế Thanh Hóa có SĐK VD-13906-11, số lô 175, HD 06.12.2019 là giả.
Vì thế, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh không được buôn bán, sử dụng thuốc mang tên viên nang Lincomycon 500mg có số đăng ký, số lô, hạn sử dụng như trên, đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh nguồn gốc của viên nang Lincomycon 500mg giả.
Sản xuất nhiều loại thuốc trong nước đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh minh họa: CTV. |
Trước đó, cuối năm 2017, Công an TP Hà Nội đã tiến hành một chuyên án đặc biệt triệt phá một đường dây buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả điều trị bệnh ung thư với giá 4-5 triệu đồng/hộp.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hằng năm, các hệ thống kiểm nghiệm vẫn lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Trong đó, năm 2015 đã lấy 38.627 mẫu, năm 2016 đã lấy 37.219, năm 2017 đã lấy 36.362 mẫu và tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm khoảng 1,5 - 2% và tỷ lệ thuốc giả là dưới 0,05%...
Theo Cục Quản lý Dược, trước khi đưa ra thị trường, các loại thuốc đều phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký, bao gồm nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng.
Nhà sản xuất phải đáp ứng điều kiện sản xuất (GMP) và phải tuân thủ đúng hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt trong quá trình sản xuất và phải kiểm tra chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn đã được đăng ký trước khi đưa thuốc ra thị trường.
Cơ sở sản xuất/nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc do cơ sở mình sản xuất/nhập khẩu và báo cáo cơ quan quản lý khi phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Nhưng để tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc, Cục Quản lý Dược tiến hành kiểm tra 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng tại Việt Nam. Năm 2014, phát hiện 70 lô thuốc, năm 2015 phát hiện 6 lô, năm 2016 chỉ phát hiện 2 lô và năm 2017 không phát hiện lô thuốc nào kém chất lượng.
Sản xuất nhiều loại thuốc trong nước đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. |
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, để chống tình trạng thuốc giả, Cục này thường xuyên công khai, công bố danh mục các thuốc vi phạm chất lượng và danh sách các cơ sở có thuốc vi phạm chất lượng để các doanh nghiệp và người dân biết:
Năm 2016 công bố 5 đợt; năm 2017, công bố 4 đợt với 51 công ty đang trong danh sách phải thực hiện. Với các trường hợp thuốc giả đã được phát hiện, Cục Quản lý Dược đã có văn bản thông báo và phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an để tiến hành điều tra, truy tìm nguồn gốc sản xuất, kinh doanh thuốc giả; đồng thời xử phạt nặng các cơ sở vi phạm kèm theo hình thức bổ sung; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng.
Bộ Y tế cho biết đã ban hành các quy định mới về siết chặt việc sản xuất/ kinh doanh/ nhập khẩu thuốc nhằm đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người bệnh.
Đại diện Bộ Y tế cho hay, một nội dung trọng tâm trong năm 2018 là Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng chương trình quản lý thuốc nối mạng cả nước đối với các cơ sở bán lẻ như nhà thuốc, quầy thuốc.
Việc nối mạng sẽ giúp cho việc quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc hiệu quả hơn, nhờ đó, quản lý được đường đi của thuốc, truy xuất nguồn gốc, kịp thời phát hiện thuốc giả.
Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành nhằm ngăn chặn việc nhập lậu, lưu hành thuốc bất hợp pháp, phòng chống thuốc giả, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ...