Tự chủ tài chính: “Cởi trói” cho bệnh viện công
Bài cuối: Bộ Y tế sẽ tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện
Tự chủ tài chính (TCTC) không nằm ngoài cái đích hướng tới đẩy mạnh chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, là động lực để các bệnh viện cải tiến, tự hoàn thiện và thay đổi mình nhằm mang lại chất lượng phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Song quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít khó khăn, bất cập. Không ngoại trừ để tăng nguồn thu, có bệnh viện lạm dụng các xét nghiệp, chụp chiếu, đẩy gánh nặng chi phí lên vai bệnh nhân. Do vậy, Bộ Y tế cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.
Gỡ khó cho các bệnh viện
Có nhiều người bệnh kêu ca, phàn nàn khi đi khám, chữa bệnh đã được bác sĩ chỉ định nhiều xét nghiệm, chụp chiếu không cần thiết, có thể nói là lạm dụng khiến bệnh nhân phải chịu thêm gánh nặng chi phí. Người bệnh lo lắng nếu bệnh viện được giao TCTC thì việc chỉ định này càng bị lạm dụng.
Không chỉ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Bệnh viện Việt Đức còn xây dựng mô hình bệnh viện xanh – sạch – đẹp |
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, về lo ngại về lạm dụng chụp chiếu khi thực hiện TCTC, thời gian qua Bộ Y tế đã có văn bản cụ thể hướng dẫn việc liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư của các bệnh viện, giữa các bệnh viện công với nhau hoặc giữa bệnh viện công và bệnh viện tư.
Quan điểm của Bộ Y tế là khuyến khích và có cơ chế sáp nhập các bệnh viện công với nhau để không phải đầu tư bệnh viện nhưng các bệnh viện hỗ trợ nhau để phát triển kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, để hạn chế BV công lập thực hiện TCTC lạm dụng chụp chiếu, chỉ định không cần thiết, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong tự chủ đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn và người bệnh sẽ được hưởng lợi.
Nhiều lãnh đạo các cơ sở y tế công lập cũng cho rằng, khi thực hiện TCTC bản thân các bệnh viện cần đa dạng hình thái, loại hình dịch vụ để thu hút người bệnh, trong đó tập trung xây dựng những khu khám theo yêu cầu, dịch vụ cao, những khoa phòng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của những người bệnh có điều kiện.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo BV cho biết, để thực hiện tốt việc TCTC, các cơ sở y tế phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên môn giỏi và nghiệp vụ tốt. Những cán bộ, nhân viên này phải không ngừng nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng về y đức cũng như thái độ phục vụ người bệnh làm sao để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, coi tính mạng người bệnh là trên hết.
Chỉ khi nào cán bộ y tế coi người bệnh là khách hàng, làm hài lòng khách hàng vì chính khách hàng sẽ là người nuôi bệnh viện cũng như cán bộ nhân viên, làm tăng thu nhập cho bệnh viện thì lúc đấy mới đạt hiệu quả.
Giao quyền tự chủ dưới sự giám sát chặt chẽ
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, để giảm bớt áp lực cho các đơn vị trong thực hiện TCTC, cần phân loại đơn vị để giao tự chủ theo đúng khả năng của đơn vị, không giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên khi nguồn thu của đơn vị chưa đủ để bảo đảm hoạt động thường xuyên.
Riêng đối với Trung tâm y tế huyện đa chức năng, ngân sách nhà nước cần tiếp tục cấp cho các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe, an toàn thực phẩm, dân số, hoạt động của trạm y tế xã. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị định 16/NĐ-CP của Chính phủ để các đơn vị có nguồn lực nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng nguồn thu.
Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đưa Robot vào phẫu thuật, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh |
Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết thêm, với các cơ sở thực hiện TCTC, trong khi giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí thì phải phân biệt rõ các hoạt động dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và các hoạt động, dịch vụ theo yêu cầu. Các dịch vụ sự nghiệp công do nhà nước giao, ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi phí thực hiện thì nhà nước phải cấp ngân sách (thông qua việc đặt hàng, giao nhiệm vụ) để các bệnh viện có đủ kinh phí thực hiện dịch vụ.
Trường hợp giao quyền tự chủ cho cả các đơn vị hạch toán độc lập, trực thuộc bệnh viện công khi đơn vị trực thuộc này tự chủ được chi thường xuyên hoặc tự chủ được chi thường xuyên và chi đầu tư cũng cần chính sách cụ thể về nhân lực, tài chính.
Theo đó, tại các đơn vị này sẽ có quy định cụ thể về biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, biên chế sự nghiệp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm cơ sở để thực hiện lộ trình giảm số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 19-NQ/TW.
Ngoài ra, Bộ Y tế cho phép các bệnh viện công có nguồn thu được quyết định số biên chế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước để có nguồn nhân lực bảo đảm và phát triển các hoạt động.
Bộ Y tế cũng tiếp tục lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, nhất là tiền lương phải bảo đảm chi trả hợp lý cho cán bộ y tế. Bộ cũng giao cho các đơn vị dự toán độc lập thuộc các bệnh viện, đơn vị sự nghiệp công đã tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi thường xuyên và chi đầu tư được tự chủ trong việc quyết định biên chế, đấu thầu, không phải thông qua bệnh viện hoặc đơn vị sự nghiệp cấp trên.