Tuyệt đối không để xảy ra sai sót, sơ hở trong phòng chống dịch COVID-19

17:49 08/03/2020
Thành công của việc khoanh vùng, cách ly, dập dịch ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc là bài học quý cho các địa phương trên cả nước áp dụng khi Việt Nam đã ghi nhận 21 ca nhiễm COVID-19.


Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc xung quanh những biện pháp điều tra cơ bản, khoanh vùng, cách ly, đóng góp vào công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Vĩnh Phúc.

PV: Thưa Đại tá Đinh Ngọc Khoa, việc dỡ bỏ cách ly xã Sơn Lôi là kết quả thành công bước đầu rất quan trọng đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo niềm tin trong nhân dân, Đại tá có thể chia sẻ những đóng góp của Công an Vĩnh Phúc đối với việc này?

Đại tá Đinh Ngọc Khoa: Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng quyết định thực hiện biện pháp khoanh vùng, cách ly, kiểm soát y tế toàn bộ xã Sơn Lôi là một quyết định đúng đắn, kịp thời, có trách nhiệm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc. Việc tổ chức cách ly, phòng, chống dịch tại xã Sơn Lôi không chỉ là việc chống dịch cho riêng tỉnh Vĩnh Phúc mà còn thể hiện trách nhiệm của người dân tỉnh Vĩnh Phúc đối với nhân dân cả nước.

Xác định đây là biện pháp trọng tâm, có tính đột phá trong việc phòng, chống dịch nên ngay khi phát hiện vùng tâm dịch là xã Sơn Lôi, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu để UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Tỉnh ban hành các Quyết định để triển khai biện pháp khoanh vùng, dập dịch, có tính chất quyết định trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Lúc đầu chỉ định cách ly 1 thôn có người nhiễm bệnh, nhưng sau xác định trường hợp nhiễm bệnh đã đi nhiều nơi trong xã nên phải cách ly cả xã mới đảm bảo an toàn. Trước tình huống cấp bách, chúng tôi họp gấp Ban Giám đốc để khảo sát nhanh, xác định Sơn Lôi có vị trí là cửa ngõ đi đến các khu công nghiệp của tỉnh nên thường xuyên có rất nhiều người, nhất là công nhân qua lại, dễ lây lan, phát tán dịch bệnh trong diện rộng vào các khu công nghiệp và các vùng lân cận.

Toàn xã có 12 cửa ngõ ra vào nằm trên các trục đường chính nên cần thiết xây dựng Phương án thành lập 12 chốt thường trực kiểm soát y tế 24/24h. Trong đó, lực lượng Công an làm nòng cốt, với sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của lực lượng Quân sự, Y tế và chính quyền địa phương. Phương án được triển khai thực hiện từ ngày 13/2 đến hết ngày 3/3. Qua thời hạn cách ly không phát sinh thêm trường hợp nào nhiễm mới. Hiện cuộc sống của nhân dân xã Sơn Lôi đã trở lại bình thường.

PV: Được biết, trong chiến dịch này, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động tới 1.500 cán bộ chiến sĩ tham gia không ngày nghỉ vào công tác chống dịch. Xin Đại tá cho biết ngoài biện pháp phong tỏa, cách ly y tế đối với xã Sơn Lôi, Công an tỉnh Vĩnh Phúc còn thực hiện các biện pháp nào khác để ngăn chặn dịch bệnh?

Đại tá Đinh Ngọc Khoa: Khi có thông tin về dịch bệnh trên địa bàn, ban đầu chúng tôi khá lo lắng do đây là dịch bệnh mới, tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, việc phòng chống dịch bệnh như COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa có tiền lệ nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ngoài biện pháp đối với xã Sơn Lôi, chúng tôi đã triển khai những nhiệm vụ và biện pháp cấp bách sau:

- Thứ nhất, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh, nhất là báo chí để đấu tranh phản bác lại những thông tin xuyên tạc, bịa đặt gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, hoặc gây kỳ thị đối với người dân Vĩnh Phúc, hoặc tạo tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh, nhằm ổn định tư tưởng cho người dân.

- Thứ hai, phát hiện, xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với 27 trường hợp đưa tin sai trái, bịa đặt trên mạng xã hội gây hoang mang, lo sợ, gây kỳ thị với người dân Vĩnh Phúc. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra hơn 600 cơ sở kinh doanh, trong đó có 114 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế và thuốc phòng dịch, phát hiện và xử lý 14 cơ sở vi phạm găm hàng trục lợi.

- Thứ ba, rà soát toàn bộ số công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, gồm Trung Quốc (khoảng 3000 người), Hàn Quốc (khoảng 2000 người), Nhật Bản (khoảng 300 người), Italia (khoảng 100 người) là những nước đang bùng phát dịch bệnh để phát hiện những người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh, để từ đó, phối hợp cơ quan y tế áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp.

Rà soát, lập danh sách hơn 500 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia để đưa vào khu cách ly tập trung và cách ly tại cộng đồng.

Đặc biệt là phối hợp với cơ quan y tế lập sơ đồ dịch tễ của 11 người nhiễm bệnh và những người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gián tiếp với người nhiễm bệnh (lên tới hàng nghìn người) để đưa vào các trung tâm cách ly tập trung của tỉnh do quân đội quản lý, còn gọi là cách ly 4 vòng.

PV: Trong quá trình triển khai thực hiện phương án tại xã Sơn Lôi, cán bộ chiến sĩ Công an đã phải đối mặt với những khó khăn, thử thách như thế nào, thưa Đại tá?

Đại tá Đinh Ngọc Khoa: Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã điều động 500 cán bộ, chiến sĩ tham gia phương án tại xã Sơn Lôi, thành lập Ban chỉ huy chống dịch đặt tại Đồn Công an Bá Thiện (cạnh xã Sơn Lôi), phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm; kiểm soát, tuyên truyền vận động người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn xã, không để họ rời khỏi nơi cư trú. Đồng thời, chọn, phân công các đồng chí có trách nhiệm tham gia các chốt kiểm soát tại địa bàn. Trong 21 ngày được điều động xuống Sơn Lôi làm nhiệm vụ, các chiến sĩ Công an tỉnh đã phải đối mặt với những khó khăn rất lớn:

Thứ nhất, việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa có tiền lệ từ trước đến nay. Do đó, công tác phòng chống dịch phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. 

Thứ hai, dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, nguy cơ lan nhanh, rộng, đòi hỏi biện pháp phong tỏa, cách ly phải tiến hành khẩn cấp, do đó công tác chuẩn bị hết sức gấp gáp. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư…phục vụ hoạt động của các tổ công tác còn thiếu thốn và tương đối thô sơ, ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ và điều kiện đảm bảo sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ.

Thứ ba, trong 21 ngày thực hiện phương án, thời tiết thường xuyên thay đổi, có thời điểm trời giá rét kèm mưa, giông, nhất là vào ban đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ cũng như việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Có đêm giông, gió to làm đổ, bay cả lều bạt, anh em cán bộ, chiến sỹ vẫn phải khắc phục mưa, rét tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát. 

Thứ tư, dịch COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm cao, ảnh hưởng đến tâm lý của một số cán bộ, chiến sỹ, do đó lãnh đạo chúng tôi phải thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, nhất là tại vùng dịch và các địa điểm cách ly tập trung.

Tôi đếm từng ngày trôi qua, cứ mỗi buổi sáng thức giấc, nghe thông báo không ai bị lây nhiễm mới thì lại thở phào nhẹ nhõm vì nếu gần ngày kết thúc rồi mà có bệnh nhân mới thì cuộc cách ly lại phải làm lại từ đầu. Những ngày qua là những thử thách thực sự đối với cán bộ, chiến sỹ nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, các đồng chí đã vượt qua tất cả các khó khăn, vất vả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điều đó khẳng định bản lĩnh của người chiến sỹ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

PV: Công an Vĩnh Phúc sẽ áp dụng bài học thành công này vào chiến dịch COVID – 19 tiếp theo như thế nào, thưa Đại tá?

Đại tá Đinh Ngọc Khoa: Qua thực tiễn chúng tôi cũng rút ra một số bài học như sau: Đó là công tác phòng dịch phải chủ động trong mọi tình huống, đi trước đón đầu, chính xác trong xác định tâm dịch để đưa ra những quyết định kịp thời, đúng đắn. Các biện pháp chỉ đạo phải quyết liệt, các phương án phòng dịch phải tính toán đến tình huống cao nhất để có các biện pháp phù hợp, kịp thời; tuyệt đối không để xảy ra sai sót, sơ hở, nếu không, sẽ gây hậu quả khôn lường.

Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực tế và nâng cao kỷ luật trong chiến đấu với tinh thần kỷ luật chiến trường; Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị (Công an, quân sự, y tế, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp), tranh thủ ý kiến của cấp trên (lãnh đạo tỉnh, các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an, Bộ Y tế) và kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống dịch. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo cấp trên và trao đổi giữa các bộ phận công tác kịp thời; Làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho người dân, làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia phòng chống dịch.

Vĩnh Phúc đang tiếp tục chống dịch giai đoạn 2. Hiện nay, Công an tỉnh đã phối hợp với ngành Y tế xây dựng phương án cho giai đoạn tiếp theo. Thành lập 21 tổ công tác liên ngành, phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý các khu công nghiệp, làm việc với từng công dân của các nước Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản hiện đang cư trú và làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để phát hiện các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm, từ đó áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp.                          

PV: Trân trọng cảm ơn Đại tá!

Trần Hằng – Minh Hiền

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文