Vaccine dịch vụ hay miễn phí đều được Bộ Y tế kiểm định
- Người dân nên đưa trẻ tiêm vaccine Quinvaxem1
- Hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine Pentaxim qua mạng
- Công bố các điểm tiêm vaccine Pentaxim1
- Yêu cầu làm rõ vụ tiêm vaccine ‘5 trong 1’ hét giá 2 triệu đồng/liều
- Tổ chức chiến dịch tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ
- Nhiều trẻ đã được tiêm vaccine miễn phí thay thế vaccine dịch vụ
- Hơn 14 triệu trẻ đã được tiêm vaccine sởi - rubella
- Gần 7 triệu trẻ được tiêm vaccine sởi - rubella đợt 1
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, ngày 31-5, Trung tâm sẽ tổ chức đăng ký và tiêm chủng vaccine Infanrix hexa (5 trong 1) với số lượng là 2.500 liều. Hệ thống đăng ký dịch vụ tiêm chủng trực tuyến chính thức hoạt động từ 9h30 ngày 31-5, bằng hình thức đăng ký qua mạng ở địa chỉ www.ytdphanoi.gov.vn. Những trường hợp đăng ký thành công sẽ được thông báo cho gia đình để đưa trẻ đi tiêm chủng sau đó. Tuy nhiên, những trẻ đăng ký tiêm vaccine cũng phải đáp ứng 2 điều kiện sau: Có ngày sinh trong khoảng từ ngày 31-5-2014 đến ngày 31-3-2016, tức là trẻ đủ 2 tháng tuổi đến đủ 2 tuổi, tại thời điểm đăng ký.
Ngoài ra, ở thời điểm đăng ký, trẻ đã đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm chủng vaccine phòng 6 bệnh: viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chỉ tiêm vaccine Infanrix hexa mũi 1 cho những trẻ có mốc sinh như trên mà chưa được tiêm mũi tổng hợp (Quinvaxem, Pentaxim, Infanrix hexa, DPT...), vaccine phòng bệnh viêm gan B trước ngày 31-5-2016 ít nhất 30 ngày.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng lưu ý các bậc phụ huynh chỉ đăng ký cho trẻ khi đúng đối tượng như đã thông báo ở trên, không đăng ký khi trẻ chưa đến lịch tiêm chủng tính đến ngày 31-5-2016. Vì thế, những phiếu đã đăng ký được nhưng trẻ không đúng đối tượng (tức là trẻ trong độ tuổi như đã thông báo và tính đến 31-5- 2016 vẫn chưa đến lịch tiêm) kết quả đăng ký sẽ bị hủy bỏ.
Trước đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng đã tổ chức thành công việc đăng ký tiêm vaccine Pentaxim (5 trong 1) trực tuyến thông qua website tiemvacxin.vn chỉ trong một ngày. Đã có 3.500 phiếu đăng ký thành công và danh sách các trẻ đăng ký tiêm thành công được niêm yết công khai tại các địa chỉ của Viện và Trung tâm Dịch vụ KHKT& YTDP. Tuy nhiên, do số lượng vaccine Pentaxim có hạn cũng như các lý do khách quan từ đường truyền internet, nhiều gia đình đã không đăng ký thành công. Vì vậy, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, Viện vẫn duy trì tiêm vaccine Quinvaxem miễn phí thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Trung tâm dịch vụ, số 131 Lò Đúc.
Trẻ được khám sàng lọc trước khi tiêm phòng. |
Một lần nữa, các chuyên gia khẳng định, vaccine dịch vụ hay vaccine TCMR có chất lượng tương đương. Trong số hơn 30 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể dự phòng bằng vaccine thì Việt Nam đã có 12 loại vaccine được triển khai miễn phí trong Chương trình TCMR.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay, một số bậc phụ huynh muốn sử dụng vaccine phải trả tiền trong tiêm chủng dịch vụ, vì cho rằng loại vaccine này đắt tiền nên tốt hơn vaccine miễn phí trong Chương trình TCMR. Thực tế, cả 2 loại vaccine đều phải trả tiền. Có điều, vaccine trong Chương trình TCMR là do nhà nước trả tiền để mua và được các tổ chức quốc tế hỗ trợ, nên trẻ sử dụng được miễn phí.
Dù vaccine trong Chương trình TCMR hay vaccine dịch vụ thì trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; được kiểm định tính an toàn và hiệu quả chặt chẽ. Vì vậy không thể nói là "vaccine dịch vụ tốt hơn vaccine miễn phí" trong Chương trình TCMR.
Thực tế là trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi đã được sử dụng các vaccine trong Chương trình TCMR hàng năm. So với trước khi triển khai tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Chương trình TCMR đã giảm mạnh, từ hàng chục đến hàng trăm lần. Trong đó, một số bệnh đã được thanh toán và loại trừ như bệnh bại liệt, bệnh uốn ván sơ sinh vv... Vì thế, đại diện Bộ Y tế khuyên các bà mẹ hãy tin tưởng và đưa trẻ đi tiêm các vaccine trong chương trình TCMR, để trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch mới có hiệu quả phòng bệnh tốt.
Bộ Y tế cũng cung cấp thông tin so sánh Quinvaxem với vaccine dịch vụ “5 trong 1” hoặc “6 trong 1”: Vaccine Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào (còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn) nên tính kháng nguyên cao hơn vaccine dịch vụ có thành phần ho gà vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn), do đó, khả năng bảo vệ của Quinvaxem cao hơn.
Khi dùng vaccine toàn tế bào, trẻ có thể bị phản ứng nhẹ như sốt, đau hơn và bị ho, nhưng tác dụng phụ về mặt tai biến tử vong không thể cao hơn vaccine dịch vụ. Thế giới cũng đã chứng minh phản ứng nặng của vaccine Quinvaxem tương đương các vaccine khác. Những lý do trên khiến nhiều nước đang quay lại sử dụng vaccine toàn tế bào.
Vaccine là an toàn, nhưng có một số trường hợp cần chống chỉ định, mà các bà mẹ lưu tâm: Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine cùng loại lần trước. Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan....). Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine. Để đảm bảo an toàn, trước khi tiêm chủng các đối tượng tiêm chủng phải được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng. Các bà mẹ cần cung cấp các thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử tiêm chủng và phản ứng sau tiêm chủng của những lần tiêm chủng trước để phối hợp với cán bộ y tế.
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 17 cơ sở tiêm chủng vaccine Pentaxim, đều đăng ký qua mạng với các điều kiện về số tuổi và lịch tiêm chủng, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm.